Hà Nội

Vi phạm về BHYT, BHXH: Phát hiện nhiều, xử lý ít

11-06-2014 19:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, từ năm 2007 – 2013, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra 41.460 đơn vị, số tiền phải thu hồi là 82.455,6 triệu đồng nhưng chỉ thu hồi được 33.972,6 triệu đồng

* Đề xuất bổ sung 2 tội danh gồm: Tội trốn đóng BHXH, BHYT và Tội chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động  vào Bộ luật Hình sự

Thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, từ năm 2007 – 2013, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra 41.460 đơn vị, số tiền phải thu hồi là 82.455,6 triệu đồng nhưng chỉ thu hồi được 33.972,6 triệu đồng.

11.000 tỷ đồng tiền nợ BHYT, BHXH và BHTN

Theo BHXH Việt Nam, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH,bảo hiểm y tế (BHYT) rất đa dạng, xảy ra ở tất cả các khâu, như: lập tờ khai cấp sổ lần đầu, quy trình cấp lại sổ BHXH, ghi và xác nhận thời gian công tác, thời gian tham gia BHXH; thu, nộp BHXH, BHYT; quản lý hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, sử dụng các khoản tiền đóng góp vào quỹ BHXH, BHYT không đúng quy định... và chủ thể vi phạm đa dạng, bao gồm: người tham gia BHXH, BHYT (người lao động, người sử dụng lao động), người thụ hưởng BHXH, BHYT (người lao động) hoặc cán bộ làm công tác BHXH…

Căn cứ vào thực tế vi phạm, có thể chia những vi phạm về BHXH thành 3 nhóm chính: Nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT; Nhóm hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT.

Về nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT gồm ba dạng hành vi: Hành vi của người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, hành vi của người sử dụng lao động tuy tham gia BHXH cho người lao động nhưng không nộp tiền cho cơ quan BHXH đúng thời hạn mặc dù họ đã khấu trừ tiền đóng BHXH từ tiền lương của người lao động và hành vi của người sử dụng lao động không đóng BHXH đúng tiền lương, tiền công theo quy định cho người lao động.

 

Người lao động cần được đảm bảo quyền lợi về BHXH, BHYT

Người lao động cần được đảm bảo quyền lợi về BHXH, BHYT

Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT bao gồm: vi gian lận BHXH, tổ chức gian lận BHXH và các hành vi tạo điều kiện cho người khác gian lận BHXH. Những hành vi gian lận này, trước hết gây thiệt hại cho quỹ BHXH và qua đó gián tiếp gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của người lao động tham gia BHXH. Qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện không ít trường hợp người lao động, người sử dụng lao động có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm sai lệch, giả mạo hồ sơ để hưởng BHXH, BHYT như: người lao động mượn tên hoặc hồ sơ của người khác để làm việc và đăng ký tham gia BHXH; đề nghị cấp lại sổ để tính lại thời gian đã hưởng trợ cấp BHXH một lần; kê khai, xác nhận khống để bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH, đặc biệt là thời gian trước năm 1995.

Nhóm các hành vi liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT xảy ra trong lĩnh vực giải quyết hưởng chế độ BHXH, các hành vi vi phạm từ phía cán bộ BHXH như: Nhập không đúng dữ liệu đã ghi trên sổ BHXH để giải quyết chế độ, điều chỉnh lại mức hưởng lương hưu sai quy định, sửa chữa cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, sửa chữa cơ sở dữ liệu xét duyệt hưởng BHXH một lần, trợ cấp tuất một lần, giải quyết hưởng BHXH không có sổ BHXH…; trong lĩnh vực BHYT có các hành vi vi phạm như: Hành vi câu kết, móc nối để bán thẻ cho người có nhu cầu khám, chữa bệnh; đưa người nhà vào danh sách cấp thẻ BHYT…

Minh chứng cho điều này cho thấy tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số nợ BHXH, BHYT liên tục tăng cao. Nếu như năm 2007 số nợ là 1.734 tỷ đồng thì đến hết năm 2013 tổng số nợ đã là trên 6,4 nghìn tỷ và tính đến 31/3/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã trên 11 nghìn tỷ. Việc này dẫn đến quyền lợi của rất nhiều lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hình sự hóa hành vi trốn đóng BHYT, BHXH

Theo thống kê cho thấy, từ năm 2007 – 2013, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra 41.460 đơn vị, số tiền phải thu hồi là 82.455,6 triệu đồng nhưng chỉ thu hồi được 33.972,6 triệu đồng. Từ năm 2008 – 2013, thông qua các đợt thanh kiểm tra liên ngành, số đơn vị BHXH Việt Nam đề nghị xử phạt vi phạm hành chính là 5.289 nhưng số đơn vị đã xử phạt chỉ có 949.

Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ngành BHXH đã áp dụng các giải pháp nhưng hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam chỉ dừng lại ở việc phát hiện, đề nghị, kiến nghị xử lý, không có thẩm quyền xử phạt nên hiệu quả chưa cao

Theo ông Phan Văn Mến, trưởng ban Pháp chế, BHXH Việt Nam Luật BHXH, BHYT đều quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên trong Bộ luật Hình sự hiện hành lại không có quy định tội danh cụ thể đối với hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nên còn có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, các chế tài hành chính và dân sự với mức xử phạt thấp đã không còn đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.

Từ thực trạng này, BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung 02 tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự, bao gồm: Tội trốn đóng BHXH, BHYT và Tội chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động

 

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong những năm gần đây các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, việc xử lý những hành vi vi phạm về BHXH, BHYT còn hạn chế, chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe, do đó việc đặt ra vấn đề hình sự hoá một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT là hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn Quốc hội đang xem xét sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn