Trong đợt kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán thời gian này, nhiều địa phương đã phát hiện các vi phạm như buôn bán thịt chưa qua kiểm dịch, buôn nội tạng đã hôi thối... Tuy nhiên mức phạt còn thấp, nên chưa có tính răn đe cao. Do đó, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đề nghị trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan công an xử lý. Đồng thời, tiếp tục bố trí thanh kiểm tra tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và lễ hội...
Mỡ “bẩn” chuẩn bị “phù phép” thành dầu ăn
Liên tiếp những ngày qua, hàng chục vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) được phát hiện như rau không có nguồn gốc rõ ràng tuồn vào trường học, hàng chục tấn thịt bẩn, nội tạng hôi thối bị bắt giữ... khiến người dân lo ngại, hoang mang về bữa ăn ngày Tết sắp tới. Càng gần Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tăng cao, tình trạng này càng có nguy cơ thêm nhức nhối. Mới đây nhất, sáng 28/1, Công an huyện Cư Kuin - Đăk Lăk cho biết, đơn vị đã bắt giữ hơn 2 tấn mỡ động vật bẩn, không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất mỡ động vật của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1964, ngụ xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin). Tại đây, cơ quan công an phát hiện cơ sở đang tiến hành chế biến mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ và chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Quy trình sản xuất của cơ sở này thiếu vệ sinh ATTP khi chế biến trên nền đất ẩm thấp, cáu đen, bẩn thỉu. Mỡ động vật được chất trong các bao tải chất đầy vườn nhà. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở có 45 bao tải chứa trên 2 tấn mỡ động vật đã qua chế biến để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Chủ cơ sở khai nhận, sau khi chế biến phần mỡ thô sẽ đóng hàng đưa đến Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc (trụ sở tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) để chế biến thành... dầu ăn. Lực lượng chức năng huyện Cư Kuin đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số mỡ bẩn trên và tiếp tục mở rộng, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quyết liệt xử lý để ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường. Ảnh: TM
Trước đó, khoảng 21h30phút ngày 26/1, Trạm Kiểm dịch động vật An Lạc (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) đã bất ngờ kiểm tra xe 51C-258.29 do tài xế Nguyễn Tấn Minh điều khiển từ cơ sở giết mổ Nghĩa Hưng (Long An) về TP.HCM. Tại thời điểm kiểm tra, trạm phát hiện thêm hơn 150kg thịt heo chết có hiện tượng xuất huyết, bốc mùi hôi được “ém” gần chỗ ngồi của tài xế Minh.
TS. Nguyễn Thanh Phong nhận định: “Hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt và xử lý. Như vậy, mặc dù chưa khẳng định có thể hạn chế được tất cả các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhưng rõ ràng, đây là kết quả bước đầu rất quan trọng. Nếu không có sự quyết liệt như vậy thì những sản phẩm đó đã ra thị trường. Cho nên, chúng ta phải nhìn nhận hết sức thẳng thắn, quyết liệt xử lý để ngăn chặn, bên cạnh các sản phẩm đã bị xử lý vi phạm, còn có một lượng rất lớn mà chúng ta đang tiêu dùng hàng ngày là những sản phẩm đã được kiểm soát”.
Không kiên quyết với thực phẩm “bẩn”, người dân sẽ mất lòng tin
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, khi xảy ra vấn đề không đảm bảo ATTP, người dân trông chờ thái độ của cơ quan chức năng xử lý vấn đề đó như thế nào. Nếu thờ ơ trước thông tin, người dân sẽ mất lòng tin. Vì thế, quan điểm của tôi, dù nhận được bất cứ thông tin phản ánh về thực phẩm bẩn nào cần phải đi giải quyết, xác minh. Thông tin có thể đúng, có thể chưa đúng như phản ánh nhưng bắt buộc anh phải xuống xác minh thông tin để có trách nhiệm với người tiêu dùng. Bởi mục tiêu số 1 của cơ quan chức nặng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Những đơn vị làm xấu dần phải dẹp bỏ và để đơn vị làm tốt phát triển. Không làm kiên quyết, tốt - xấu lẫn lộn, người dân sẽ mất lòng tin. Không kiên quyết với thực phẩm bẩn, người dân sẽ không biết tin vào đâu, lâu dần sẽ mất lòng tin! Ví như hành vi rau không nhãn mác đội lốt rau sạch vào siêu thị, chỉ cần 1 hành vi như vậy mất niềm tin rất lớn từ người tiêu dùng, phải lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm nếu không dân sẽ hồ nghi về rau sạch.
“Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, có một số nơi còn xuê xoa, chưa làm hết trách nhiệm. Như đi kiểm tra biết cơ sở không đảm bảo vệ sinh nhưng lại không yêu cầu ngừng kinh doanh vẫn tiếp tục cho hoạt động và gây ngộ độc; thanh tra nghìn cuộc xử phạt 1 - 2 công ty”- ông Phong thẳng thắn chia sẻ.
Do đó, về xử phạt các vi phạm ATTP, Bộ Y tế đề nghị xử lý vi phạm thực phẩm bẩn ở khung hình phạt cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm, nhất là với các cơ sở tái phạm. Thậm chí đề nghị với trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan công an xử lý.
Trong dịp Tết Nguyên đán, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, hoạt động ưu tiên số 1 là công tác thanh, kiểm tra. Hiện, Ban chỉ đạo liên ngành đã thành lập 6 đoàn thanh tra liên ngành để tập trung thanh tra các tỉnh, thành phố lớn. Nhưng nhiệm vụ của các đoàn thanh tra liên ngành không phải thay các địa phương thanh tra các cơ sở mà chủ yếu là đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong việc thanh, kiểm tra và hoạt động tuyên truyền trong dịp Tết này của các địa phương.Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, các đoàn thanh tra năm nay kết hợp lấy mẫu, khác biệt với năm trước, đó là các mẫu này gửi về các phòng kiểm nghiệm, các phòng phải ưu tiên nguồn lực để kiểm tra và ra kết quả rất sớm. Để làm sao, có vấn đề gì không đảm bảo chất lượng thì phải cảnh báo ngay.