Vi phạm xây dựng tràn lan
Chất vấn Quốc hội phiên chiều ngày 4/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Uỷ viên Uỷ ban các vấn đề xã hội chất vấn chuyện các khu đô thị xây dựng tràn lan không có người ở, nhà siêu mỏng, siêu méo "mọc" ở nhiều đô thị mà chưa được khắc phục. "Người dân và Quốc hội cần chờ thời gian bao lâu để giải quyết căn bản tình trạng này", bà hỏi.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nói về tình trạng vi phạm quy hoạch, quản lý đô thị. Ông Hồng đề nghị Bộ trưởng có cam kết trách nhiệm trong phối hợp với TP Hà Nội để xử lý dứt điểm vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong những năm qua quá trình đô thị hóa của đất nước diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân đô thị ngày một được nâng cao. Tuy nhiên việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, như vẫn tồn tại những khu đô thị không người ở như đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại là do yếu kém về chất lượng quy hoạch còn thấp, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển,... dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu... Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế... Dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng...
Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là: Trách nhiệm trong tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, VBQPPL chưa kịp thời; trách nhiệm chưa thực sự phối hợp quản lý, đôn đốc các địa phương; chậm thực hiện, một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao; còn bộ phận cán bộ chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân...
Về giải pháp, thời gian tới cần nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, công khai quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện, giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...
Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, những năm qua vi phạm về xây dựng (xây dựng không phép, sai phép,...) đã giảm dần song vẫn còn ở mức cao và đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc. Nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý đô thị... để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.
Về xử lý tòa nhà 8B Lê Trực, vụ vi phạm ở Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, 2 vụ việc này thuộc trách nhiệm của thành phố Hà Nội. Về mặt kỹ thuật, việc phá dỡ thành phần công trình vi phạm có liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho công trình, các đơn vị của Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với Hà Nội nếu được yêu cầu.
Tranh luận lại đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Bộ trưởng trả lời, sai phạm tại 8B Lê Trực và khu HH Linh Đàm bao giờ giải quyết được? Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin thêm Bộ Xây dựng đã phối với với UBND thành phố Hà Nội về xử lý công trình 8B Lê Trực từ tháng 8/2017, có văn bản tới UBND Thành phố Hà Nội và đã giao Cục giám định Nhà nước đánh giá kết cấu chịu lực của tòa nhà. Bộ cũng tham gia đánh giá phương án Hà Nội nêu ra. Như vậy là việc phối hợp rất chặt chẽ và nếu Hà Nội có yêu cầu, Bộ sẵn sàng.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Dung đặt vấn đề, sau mở rộng Hà Nội, Bộ có trách nhiệm trong việc di dời bộ ngành ra khỏi nội đô Hà Nội. Vấn đề là có 9 cơ quan được di dời thì 7 cơ sở vẫn giữ đất cũ trong nội đô, cũng chưa có khu đất nào được sử dụng cho mục đích công cộng. Các trường học, bệnh viện cũng ngày càng chất tải thêm, đi ngược với xu hướng giảm tải dân số nội đô. Như vậy là một số quy định luật Thủ đô chưa được quan tâm thực hiện? Bộ trưởng cho biết, việc di dời các trụ sở bộ, ngành, Bộ Xây dựng cũng báo cáo cụ thể với Thủ tướng các phương án về vị trí di dời, về tài chính, về việc khai thác quỹ đất…
Việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực kéo dài hàng năm chưa xong gây bức xúc
Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng thừa nhận, hiện nay có 8-9 cơ quan chưa bàn giao, tới đây Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội để bàn giao các cơ sở lại cho Hà Nội.
Thừa bất động sản phân khúc cao, thiếu nhà ở thu nhập thấp
Trước chất vấn về giá bất động sản và nguy cơ rủi ro của thị trường, ông Phạm Hồng Hà lý giải do có sự chưa đồng bộ của thể chế, mâu thuẫn giữa pháp luật bất động sản với pháp luật của các lĩnh vực khác. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của bất động sản chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu thị trường, chỉ phát triển một số phân khúc trung cao cấp, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Hiện nhà thu nhập thấp mới đạt 4,8 triệu so với mục tiêu 12,5 triệu m2 năm 2020. Do thiếu nguồn vốn cho vay nên 226 dự án thu nhập thấp còn chậm tiến độ.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản cũng thấp, chủ yếu dùng vốn ngân hàng và tiền ứng trước của khách, tiền chủ đầu tư chỉ khoảng 15%. Có nhiều loại thuế được đánh giá là bất hợp lý, chưa khuyến khích, thu hút nguồn lực cho bất động sản và hạn chế tình trạng đầu cơ.
"Những hạn chế nêu trên gây rủi ro cho hoạt động bất động sản", ông Hà nói. Ông cũng cho biết, hiện có nghị định của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nhà ở, nhưng thực tiễn thực hiện chậm, hệ thống thông tin chưa đồng bộ. Các địa phương hiện chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát thị trường bất động sản, phê duyệt nhiều dự án không phù hợp với thị trường, chủ yếu là phân khúc cao cấp, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian.
"Để đảm bảo thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ từ quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước; đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa", ông Hà nói.