Vi phạm quy định dạy thêm, dạy liên kết xử lý thế nào?

27-10-2024 09:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước thực trạng dạy thêm, học thêm trái quy định diễn ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc dư luận, nhiều địa phương đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Siết chặt hoạt động dạy thêm, dạy liên kết

Tại Hải Phòng, ngoài dạy thêm, học thêm tại các đơn vị giáo dục trên địa bàn, hoạt động liên kết cũng "nở rộ". Các hoạt động liên kết như: Dạy học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM, Toán tư duy… tại các cơ sở giáo dục mang lại hiệu ứng tích cực song vẫn còn những hạn chế; tính thiết thực và hiệu quả chưa cao.

Thậm chí có nơi còn biểu hiện ép buộc người học, tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây quá tải với học sinh và bức xúc trong phụ huynh.

Trước thực trạng trên, UBND TP. Hải Phòng vừa có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hải Phòng chủ trì, cùng UBND các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung chấn chỉnh để việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập phát huy hiệu quả thực chất, được sự đồng thuận cao của học sinh, phụ huynh.

Theo văn bản, các đơn vị chức năng phải tăng cường quản lý, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, bảo đảm nguyên tắc theo nhu cầu, tự nguyện của người học và gia đình. Nâng cao trách nhiệm công khai, giải trình của cơ sở giáo dục, người đứng đầu với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Trong trường hợp phát hiện cơ sở giáo dục, đơn vị vi phạm quy định pháp luật hoặc tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây bức xúc trong phụ huynh, theo thẩm quyền, có thể yêu cầu chấm dứt việc tổ chức dạy học liên kết để thực hiện thanh, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động; không để xảy ra điểm nóng về dư luận xã hội và bức xúc trong học sinh, phụ huynh.

Vi phạm quy định dạy thêm, dạy liên kết xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Tại Vĩnh Phúc, để đảm bảo hiệu quả các chương trình liên kết giáo dục, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 7 Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống phối hợp với 85 trường tiểu học, THCS tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa với gần 50.000 học sinh tham gia; cấp phép cho 10 Trung tâm Ngoại ngữ triển khai chương trình liên kết với các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động này trên cơ sở của chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo.

Để tiếp tục triển khai cho năm học 2024 - 2025, Sở đang nghiên cứu, xem xét đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo việc dạy liên kết không ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa, được phân bổ thời gian hợp lý và không tạo áp lực cho học sinh; tiếp tục chỉ đạo giải quyết tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý về việc kiểm tra giáo án, nội dung giảng dạy của hoạt động liên kết tại một số đơn vị.

Trường có giáo viên vi phạm quy định dạy thêm xử lý thế nào?

Trong công văn gửi các trường học trên địa bàn quản lý, Phòng GD&ĐT Quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định thực trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn diễn ra trong thời gian gần đây, gây bức xúc đối với phụ huynh và nhân dân.

Để làm tốt công tác quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, Phòng GD&ĐT đề nghị hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Theo đó, hiệu trưởng phải tổ chức cho các cán bộ, giáo viên phải kí cam kết tham gia dạy thêm theo quy định và được sự đồng ý của hiệu trưởng.

Lãnh đạo ngành giáo dục Ba Đình cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó, hành vi, thái độ của giáo viên buộc học sinh phải học thêm cần được đặc biệt lưu tâm để kịp thời xử lý, kiểm điểm các trường hợp vi phạm.

Các trường học cũng phải rà soát các chương trình dạy liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, dạy học bổ trợ, làm quen tiếng Anh và các ngoại ngữ khác…, đảm bảo các hoạt động này phải đúng tinh thần tự nguyện, có sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.

Một điểm đáng chú ý khác trong chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Ba Đình là yêu cầu nhà trường thông báo công khai danh sách các cơ sở dạy thêm được cấp phép tổ chức hoạt động để phụ huynh học sinh được biết.

Theo quy định, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Phòng GD&ĐT về các vi phạm trái quy định. Nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm không xét danh hiệu thi đua trong năm học.

Kiểm tra 24 Sở GD&ĐT về dạy thêm, học thêmKiểm tra 24 Sở GD&ĐT về dạy thêm, học thêm

SKĐS - Bộ GD&ĐT đã kiểm tra 24 Sở GD&ĐT tại các tỉnh, thành gồm: Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Hưng Yên, Vĩnh Long, Trà Vinh,...


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn