Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths. Luật sư Hoàng Thị Hương Giang - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi năm 2020, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
"Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản. Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này. Đây là căn cứ để người có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính", Luật sư Hoàng Thị Hương Giang nói.
Luật sư Giang cũng cho biết thêm, trong trường hợp người vi phạm không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Luật sư Giang, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cũng sẽ đánh giá về nguyên nhân, động cơ, mục đích của đối tượng. Đồng thời đánh giá về tính chất, mức độ hành vi, mức độ cản trở hoạt động thi hành công vụ diễn ra như thế nào, hậu quả của hành vi ra sao. Từ đó sẽ xem xét khởi tố vụ án hình sự Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015.
"Theo quy định về tội danh này, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự.
Nếu phạm tội trong trường hợp có tổ chức; hoặc phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên. Hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản 2 Điều này", Luật sư Hoàng Thị Hương Giang nêu rõ.
Trước đó, ngày 13/12, tổ CSGT Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) đang làm nhiệm vụ tuần tra, phát hiện ông Hoàng Văn Tám (50 tuổi, ngụ xã Ia Mrơn) điều khiển xe mô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn và lập biên bản vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, ông Tám không đồng ý ký vào biên bản, xin tổ CSGT bỏ qua lỗi vi phạm. Tổ CSGT tuần tra giải thích, yêu cầu chấp hành nhưng ông Tám không thực hiện.
Bực tức vì không được bỏ qua vi phạm, ông Tám đã lấy con dao rựa uy hiếp, đòi chém người của tổ CSGT. Thấy vậy, người dân hô hoán nên tổ CSGT tránh được nguy hiểm xảy ra. Sau đó, ông Tám bị khống chế, đưa về trụ sở công an làm việc.
Ngày 20/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ia Pa đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Hoàng Văn Tám về hành vi chống người thi hành công vụ. Hiện cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Xin bỏ qua lỗi nồng độ cồn không được, cầm dao truy đuổi CSGT
Xin bỏ qua lỗi nồng độ cồn không được, cầm dao truy đuổi CSGT.