Theo bà Hiền, thực tế các chế tài xử lý vi phạm trong luật và Nghị định 46 rất mạnh, phạt tiền rất cao, khiến nhiều người e ngại. Mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Với mức xử lý đó nhiều người bạn đã rất lo ngại. Tuy nhiên, mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa thì cần nghiên cứu thêm. Hiện có rất nhiều đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng.
Tại các nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù. Tại Trung Quốc, ý thức người dân được nâng cao, không có chuyện uống rượu bia lại lái xe.
"Việc nghiên cứu điều chỉnh quy định pháp luật rõ ràng là cần thiết. Chúng ta cũng nhìn rõ hậu quả của hành vi này, đỉnh điểm vụ tai nạn tại hầm Kim Liên hôm 1/5 vừa qua đã tạo ra luồng sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Nhiều bạn của tôi đã treo avatar mang thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe”. Tôi tin rằng tính lan tỏa đã rất cao"- bà Hiền cho hay.
Hôm qua (2/5), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ký Chỉ thị 04 tăng cường xử lý vi phạm liên quan tới rượu bia khi sử dụng phương tiện giao thông. Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cơ quan này sẽ có nghiên cứu cụ thể để có thể tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung.
Xem xét tăng nặng mức phạt
Theo ông Lê Văn Thanh - Vụ An toàn Giao thông, Bộ GTVT, Nghị định 46 (có tiền thân là Nghị định 34, 107) thông thường 2 năm sửa đổi một lần để phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra TNGT sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ các nhóm hành vi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, trong đó có hành vi sử dụng rượu bia lái xe.
Tới đây, cơ quan này sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi. Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe.
"Nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền 16 - 18 triệu, tước quyền sử dụng GPLX trong 4 - 6 tháng. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu và tước GPLX 24 tháng"- chuyên gia an toàn giao thông cho hay.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, dù luật đã có quy định từ lâu song thực trạng vi phạm nồng độ cồn trong giao thông đường bộ hiện nay rất nghiêm trọng gây thiệt hại cả về tính mạng, tài sản cho gia đình và xã hội. Do đó, cần nghiên cứu xem xét quy định pháp luật nhằm nâng mức xử phạt về tiền, thời hạn tước giấy phép lái xe…
Một số nước áp dụng hình thức xử lý hình sự. Thậm chí tại Australia, cán bộ ngoại giao các nước nếu uống rượu khi tham gia giao thông sẽ bị trục xuất.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, song song với việc nâng mức xử phạt cần xác định rõ nguyên nhân lạm dụng rượu bia bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông. Do đó cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia giao thông.
Thứ hai là trường hợp do mâu thuẫn thù oán, sử dụng phương tiện giao thông làm công cụ gây án.
Còn đối với trường hợp gây TNGT cố ý vi phạm nhưng vô ý giết người thì không xử tội giết người được vì tội giết người là phải cố ý, cố ý trực tiếp (mong muốn hậu quả chết người xảy ra) và cố ý gián tiếp (bỏ mặc hậu quả giết người xảy ra).
Thực tế, có chế tài hình sự có thể xử lý khi chưa gây hậu quả Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, hiện đang thiếu văn bản hướng dẫn về nội dung này.
Chúng ta cần có văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào được coi là có nguy cơ gây hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời. Ví dụ như tình trạng uống rượu bia say khiến mất kiểm soát hoặc dùng chất kích thích điều khiển phương tiện giao thông. Những trường hợp đó nếu có văn bản hướng dẫn thì có thể xử lý hình sự theo khoản 4, điều 260 và hình phạt có thể lên đến 1 năm tù.