Đây không phải là lần đầu tiên trên quốc lộ 5 xảy ra tai nạn khiến nhiều người tử vong. Trước đó, tháng 1/2019, tại xã Kim Lương, cũng thuộc huyện Kim Thành đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 8 người tử vong. Thế nhưng có một thực tế là tình trạng người dân tự ý tháo dỡ dải ngăn cách để băng qua quốc lộ 5 vẫn rất phổ biến. Đó là hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, việc làm này cần phải được xử lý nghiêm theo quy định.
Tiện nhưng không lợi
Liên quan đến vụ tai nạn trên, bước đầu tài xế Hà Văn Hoàng (26 tuổi, ở xóm 9, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lái xe tải biển số 29H-150.97 khai nhận, do lái xe tránh một xe container phía trước nhưng lại bị mất phanh nên xe lao vào dải phân cách, lật đổ đè chết 5 người đang đứng chờ sang đường. Cơ quan chức năng xác định, thời điểm gây ra tai nạn, xe tải chạy 65km/h, kiểm tra sức khỏe tài xế Hoàng không có cồn và ma túy.
Hiện nay còn 46 điểm đen TNGT đang được tổ chức xử lý dứt điểm trong năm 2019.
Chia sẻ với báo chí, ông Đào Quang Thảnh - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, chưa bao giờ tại khu vực này lại xảy ra vụ tai nạn liên hoàn thảm khốc như vậy. Đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn chết người do không có cầu vượt qua đường nên người dân tự ý dỡ dải ngăn cách để đi sang đường cho thuận tiện nên đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trong số những nạn nhân tử vong có ông Đào Quang Thuận (58 tuổi), Chủ tịch Hội Nông dân xã Cộng Hòa.
Đáng nói mỗi ngày tại tuyến quốc lộ này có hàng nghìn xe có tải trọng lớn lưu hành với vận tốc cao, trong khi đó đường gom không có, nếu muốn qua đường đúng quy định và an toàn thì chỉ còn cách là đi dọc quốc lộ thêm 2 km mới đến cầu vượt, nhưng những điểm lên xuống làm nằm ngay giữa những cánh đồng, nhiều lần địa phương đã rào lại dải phân cách, thế nhưng người dân lại dỡ ra để đi qua đường cho thuận tiện nên đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Anh Nguyễn Trường, người dân sinh sống tại xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương chia sẻ, trước đây, sang bên kia đường để đi chợ chỉ mất chưa đầy 3 phút đi bộ, giờ dải phân cách chặn ngang đường, phải đi vòng xa hơn 20 phút. Mọi người dân ở đây đều biết, tự ý mở dải phân cách là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm và mất trật tự an toàn giao thông, nhưng vì muốn nhanh và tiện, nên đã tự ý tháo dỡ làm lối đi tắt cho nhanh chứ không có ý phá hoại.
Người dân địa phương chúng tôi nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn tương tự như thế này xảy ra, mong muốn chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước sớm làm cầu vượt để tránh những vụ tai nạn thương tâm xảy ra nữa, anh Trường nói.
Tổng cục Đường bộ nói gì?
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, dọc theo các quốc lộ ở Việt Nam, từ 500 đến khoảng 1km vẫn dành riêng lối mở ngăn cách, đối với quốc lộ 5 có tới 128 điểm mở dải phân cách. Với tuyến quốc lộ 5 theo thiết kế lưu lượng cho khoảng 10-12.000 xe ngày đêm lưu hành, trong khi đó thực tế tại quốc lộ này số lượng xe lưu hành lên đến hơn 50.000, gấp 4-5 lần. Chính vì thế, cùng với thói quen của người dân 2 bên đường tự mở dải ngăn cách để sang đường là rất nguy hiểm, tiện nhưng không lợi.
Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp trước mắt theo ông Nguyễn Văn Huyện, do lưu lượng giao thông trên quốc lộ 5 hiện quá tải, từ nay cho đến 31/7, Tổng cục đường bộ nghiên cứu cùng với địa phương gắn biển giảm tốc độ các loại xe xuống 60km/h (trước đây là 70km/h), đối với các điểm có đông người qua đường sẽ bố trí đèn tín hiệu giao thông, ưu tiên cắm các đinh phản quang, làm gờ ngang tại những vị trí nguy hiểm. Trong tháng 8, sẽ báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ kinh phí nghiên cứu thiết kế cầu vượt qua đường tại các điểm này và xây dựng các đường gom phục vụ người dân đi sang đường, ông Huyện cho biết.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát kết hợp thông tin được phản ánh qua đường dây nóng xử lý 185 “điểm đen” tiềm ẩn TNGT. Hiện nay còn 46 điểm đang tổ chức thực hiện, xử lý dứt điểm trong năm 2019. Ngoài ra, khi có các điểm đen phát sinh sẽ kịp thời xử lý. Đối với các điểm tiềm ẩn TNGT được lựa chọn một số vị trí nguy hiểm, bức xúc để ưu tiên xử lý ngay, các điểm còn lại đưa vào kế hoạch hàng năm.
Một thực tế là việc người dân tự ý mở lối băng qua đường quốc lộ không chỉ có ở quốc lộ 5 mà trên các quốc lộ khác trên địa bàn cả nước cũng thường xuyên diễn ra. Điều đáng nói là chúng ta đã có những quy định rất rõ ràng để ngăn chặn hành vi tự phá dỡ cũng như quy định về đảm bảo an toàn hành lang an toàn giao thông trên các quốc lộ. Vậy tại sao tình trạng này vẫn xảy ra và những tai nạn thương tâm là không thể tránh khỏi. Chính quyền địa phương biết, lực lượng chức năng biết, nhưng tại sao nó vẫn tồn tại mà không ai bị xử lý? Nếu Bộ GTVT và các địa phương không có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi tự ý mở dải ngăn cách sang các tuyến quốc lộ thì nguy hiểm vẫn đang ngày đêm chực chờ!