Vi phạm bản quyền trên mạng: Vì sao khó diệt tận gốc?

14-10-2017 08:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong thời buổi công nghệ số phát triển như hiện nay, các tác phẩm nghệ thuật như phim, chương trình giải trí...

bị đăng tải, phát tán trái phép trên các trang mạng xã hội, website giải trí gây thiệt hại doanh thu, thương hiệu nhà sản xuất. Bộ Thông tin & Truyền thông gần đây cho biết, 83 trang web cung cấp phim, chương trình truyền hình... vi phạm bản quyền đã được công bố để người dùng biết và không truy cập.

Nhức nhối vi phạm

Có một thực tế đang diễn ra ở nước ta nhiều năm qua trên môi trường kỹ thuật số (internet), đó là nhiều người khi lên mạng muốn xem một bộ phim, chương trình truyền hình đều có tâm lý muốn xem, tải (download) một cách miễn phí. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều cá nhân, tổ chức đã tạo ra các trang web nhằm cung cấp các chương trình truyền hình, các bộ phim “hot” nhằm hút người truy cập và tải về để thu lợi bất chính. Từ đây, nhiều bộ phim, chương trình truyền hình đã được đóng dấu bản quyền của các nhà đài, các nhà sản xuất bị xâm phạm bản quyền một cách nghiêm trọng.Nhiều bộ phim ăn khách trong nước bị đăng tải trái phép lên mạng khi chưa được sự đồng ý của đơn vị giữ bản quyền. (ảnh minh hoạ)

Nhiều bộ phim ăn khách trong nước bị đăng tải trái phép lên mạng khi chưa được sự đồng ý của đơn vị giữ bản quyền. (ảnh minh hoạ)

Cách đây không lâu, Bộ Thông tin & Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với một số doanh nghiệp cung cấp bộ phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng của VTV tại trang web www.fptplay.net, mạng xã hội www.videohay.vn, bongdanet.vn vì phát sóng hai bộ phim này khi chưa được sự đồng ý của VTV. Trong khi đó, ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long gần đây cho biết, rất nhiều các đơn vị khác đã sử dụng trái phép các chương trình của đài để cung cấp lên mạng xã hội hay các trang phim trực tuyến nhằm thu lợi từ quảng cáo như: hayhaytv, hdviet, myclip, Cphim.net, bomtan.tv, gameshow24h.com... Bên cạnh đó rất nhiều bộ phim do truyền hình Vĩnh Long giữ bản quyền bị xâm phạm bởi một số trang như phimmoi.net, bomtan.org...

Thực tế, đã nhiều lần các nhà đài, nhà sản xuất phim, chương trình truyền hình ở nước ta “kêu trời” vì bị xâm phạm bản quyền trên môi trường số. Không ít bộ phim bom tấn với kinh phí thực hiện hàng chục tỷ đồng vừa ra rạp (hoặc phát sóng trên truyền hình), các gameshow, chương trình hài kịch... được trình chiếu, chỉ sau vài giờ đã bị phát tán trên các trang web giải trí. Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Liên minh bảo vệ bản quyền của Việt Nam cho biết, hiện tượng vi phạm bản quyền trên mạng hết sức phổ biến, xảy ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ở Việt Nam. “Muốn tìm phim chiếu rạp, phim truyền hình hay bất cứ một chương trình nào đều có thể thấy trên mạng internet và không phải trả phí. Vì thế, các nhà sản xuất cũng luôn lo về nội dung của khi sản xuất bị sử dụng tràn lan trên mạng”, bà Phan Cẩm Tú chia sẻ. Tác hại của việc vi phạm bản quyền phim, chương trình giải trí trên môi trường số, theo nhiều chuyên gia không chỉ gây thiệt hại về nguồn thu cho các nhà đài, đơn vị sản xuất mà còn ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của người dùng. Chất lượng hình ảnh của các trang web, ứng dụng lậu không tốt làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu kênh truyền hình, thêm vào đó, các trang lậu thường gán quảng cáo sex, gắn mã độc gây nguy hại cho người dùng.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Đây là câu hỏi đã được giới trong nghề đặt ra bấy lâu đối với vấn nạn vi phạm bản quyền trên môi trường internet. Theo bà Phan Cẩm Tú, việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số quá khó, một mặt có quá nhiều vi phạm, mặt khác với những chiêu thức tinh vi từ nền tảng công nghệ lại càng khó xử lý hơn nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta “bó tay” trước sự nở rộ của vi phạm bản quyền trên môi trường số.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ VH-TT&DL kiểm tra, rà soát hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động quảng cáo đối với các đại lý quảng cáo là đối tác của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc xử phạt hành chính như hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin - truyền thông, ngành văn hóa cần xử lý quyết liệt hơn nữa các cá nhân, tổ chức có hành vi sai phạm; đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp mạng áp dụng biện pháp kỹ thuật như thu hồi tên miền hoặc chặn truy cập đến các trang web có nội dung vi phạm bản quyền.

Để đẩy lùi và xóa sổ vấn nạn vi phạm bản quyền trên mạng, các cơ quan liên quan cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người sử dụng internet về vấn đề bản quyền, qua đó giúp người sử dụng mạng tránh tâm lý và sở thích “xài chùa” đối với một tác phẩm nghệ thuật được làm nên bởi rất nhiều công sức của người nghệ sĩ và tiền bạc của nhà sản xuất. Một khi người dân nhận thức rõ về vấn đề bản quyền, trước những mời gọi của các trang giải trí, website đăng tải, phát tán phim, chương trình trái phép chắc chắn sẽ không “click chuột” để tiếp tay cho hành động sai trái. Ngược lại, việc ngăn chặn,  xử lý các sai phạm bản quyền trên môi trường số sẽ còn gian nan và nhiều thách thức!


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn
Tags: