Vi phạm bản quyền sách điện tử: Không thể nương tay

19-05-2016 18:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lâu nay, nhiều nhà xuất bản (NXB) nước ta phải đối mặt với vấn nạn sách in lậu, nhưng đồng thời còn phải gồng mình chống lại việc sách điện tử (ebook) bị xâm hại trái phép.

Lâu nay, nhiều nhà xuất bản (NXB) nước ta phải đối mặt với vấn nạn sách in lậu, nhưng đồng thời còn phải gồng mình chống lại việc sách điện tử (ebook) bị xâm hại trái phép. Không ít NXB đã lên tiếng ebook bị sao chép, phát tán bất hợp pháp trên mạng, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, song đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra “liều thuốc” đặc trị với ebook trá hình.

Bị xâm hại tràn lan

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay và số lượng người dân sử dụng các thiết bị điện tử tiên tiến (máy tính xách tay, smartphone, máy tính bảng) ở nước ta đông đảo đã khiến các NXB phát triển dòng sách ebook. Ebook xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay, trong đó có cả sách nói (audio book). So với sách in, ebook đến với độc giả nhanh nhất, chỉ cần một thiết bị đọc điện tử, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nhanh chóng và tiện lợi, với đầy đủ các thể loại từ ebook văn học, kinh tế - xã hội, giáo dục... dành cho tất cả mọi lứa tuổi, ngành nghề.

Tâm lý chung của nhiều bạn đọc hiện nay là có thể chọn mọi loại sách nhanh chóng, tiện lợi và giá thành rẻ nhất. Tất nhiên, ebook đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Hiện nay, thị trường ebook có bản quyền tại Việt Nam đã có Ybook (NXB Trẻ); Sachweb (NXB Tổng hợp); Komo (Phương Nam); Alezaa (Vinapo); Sachbaovn (Tin học Lạc Việt), Tiki, Vinabook, Waka...Nếu muốn sử dụng ebook, người dân chỉ cần dùng thiết bị điện tử thông minh kết nối internet vào các trang mạng trên, dễ dàng lựa chọn sách yêu thích và nhấn chọn mua ebook đó bằng cách trả tiền qua tài khoản ngân hàng chỉ trong vài phút. Khi đã sở hữu ebook, mọi người có thể đọc ngay trên điện thoại, máy tính... mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, theo các NXB kinh doanh ebook ở nước ta, gần như ebook nào mới “ra lò” thì ngay lập tức đã bị người khác sao chép, làm giả và đưa lên nhiều trang mạng, diễn đàn để hàng ngàn, hàng vạn người tải về dùng miễn phí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nhà phát hành. Các NXB chỉ ra rằng, ebook chính thống đã bị sao chép trái phép và được cộng đồng mạng chia sẻ miễn phí trên nhiều diễn đàn, các trang mạng trong và ngoài nước thời gian qua tại các địa chỉ: e-thuvien.com, 360-books.com, ebook4u.vn...

Đại diện Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam cho biết, những website cho đọc sách này phát triển muôn hình vạn trạng, có đọc trực tuyến, tải file về máy tính dưới các định dạng PDF, epub, định dạng scan... Trước vấn nạn đó, ông Nguyễn Minh Nhựt - NXB Trẻ từng chia sẻ, do bị sao chép, làm giả nhiều ebook nên NXB Trẻ có thời điểm đã phải “đại hạ giá” ebook chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/bản, thậm chí là 1.000 đồng/bản, chấp nhận bù lỗ. Trong khi đó, tại một cuộc hội thảo về bản quyền sách điện tử cuối năm ngoái, Cục An ninh Văn hóa Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an) cho biết, trên mạng có khoảng 10 NXB “ảo” chuyên xuất bản, phát hành ebook tiếng Việt. Nếu chiếu theo các quy định của pháp luật thì các NXB này đang hoạt động bất hợp pháp.

Cần có biện pháp mạnh

Thực tế cho thấy, ebook lậu phát tán tràn lan trên mạng không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả, NXB cũng như các đơn vị phát hành uy tín mà còn kìm hãm thị trường ebook ở nước ta phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ebook bản quyền bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân chủ quan các chuyên gia đưa ra, đó là các NXB chưa thực sự quan tâm đến xuất bản điện tử và chưa có bước đi phù hợp, đồng thời các NXB thiếu sự hợp tác với nhau trong việc số hóa và kinh doanh ebook trên mạng dẫn đến thiếu sự phong phú, đa dạng ebook. Tới khi phát hiện ebook bị xâm phạm, nhiều khi các NXB lại tự tìm cách ứng phó, không tố cáo cá nhân, tập thể ra trước pháp luật vì ngại làm thủ tục và mất thời gian.

Để tạo ra môi trường trong sạch trong việc kinh doanh ebook, đồng thời giúp các NXB chính thống, nhà phát hành ebook hợp pháp tìm lại vị thế, tính riêng trong năm 2015, Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ngăn chặn, xử lý 12 trang web có hoạt động đăng tải, phát tán bất hợp pháp các ấn phẩm vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền tác giả. Tuy nhiên, thực tế phản ánh, nhiều website vẫn đăng tải ebook được sao chép, scan một cách tinh vi phục vụ người dùng miễn phí, qua đó vi phạm Luật Xuất bản.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường kinh doanh ebook Việt Nam rất tiềm năng dù đi sau các nước tiên tiến khoảng 20 năm. Song, để thị trường ebook phát triển vững chắc, với tình trạng ebook lậu tràn lan như hiện nay, không chỉ cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ cùng chế tài mạnh, như xóa sổ các cá nhân, trang web vi phạm bản quyền sách in và ebook, Cục Xuất bản cần đưa kiến thức về pháp luật bảo hộ quyền tác giả nói chung, Luật Xuất bản nói riêng vào hệ thống giáo dục phổ thông đến đại học và tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo hộ quyền tác giả, xử lý sách lậu. Bên cạnh đó, có chuyên gia đề xuất, phải tăng nặng hơn chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để tạo tính răn đe đối với hành vi sản xuất, đăng tải ebook sai trái. Theo ông Nguyễn Hải (NXB Tổng hợp TP.HCM), việc xây dựng một hành lang pháp lý cơ bản là điều kiện cần thiết để xuất bản và phát hành sách điện tử phát triển lành mạnh và bền vững”.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn
Tags: