Vi phạm bản quyền phim thời công nghệ 4.0: Tại anh, tại ả...

26-12-2018 10:45 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Mặc dù bị lên án và phạm pháp, tuy nhiên hành vi phát trực tiếp (livestream), đăng tải tác phẩm điện ảnh lên các trang mạng trong thời công nghệ 4.0 vẫn xảy ra ở nước ta.

Nạn nhân mới nhất của hiện tượng này là Gái già lắm chiêu 2 - bộ phim vừa ra rạp tại Việt Nam, bị phát trực tiếp gần hai giờ đồng hồ trên mạng xã hội.

Có thể nói vi phạm bản quyền điện ảnh đã, đang là vấn đề nhức nhối, chưa có hồi kết ở nước ta. Muốn xem một bộ phim bất kỳ, người xem chỉ cần lên các trang mạng tìm kiếm thì trong nháy mắt sẽ có kết quả như mong muốn và sau đó mặc sức tận hưởng. Khi mạng xã hội và công nghệ số càng phát triển, vi phạm bản quyền điện ảnh càng trở nên phổ biến, chiêu thức tinh vi và cũng công khai hơn. Do đó, khi đang chiếu trong rạp nhưng một số bộ phim đã được livestream lên mạng để cả thế giới “xem chùa”.

Gái già lắm chiêu 2 vừa ra rạp đã bị phát trực tiếp gần hai giờ đồng hồ trên facebook.

Gái già lắm chiêu 2 vừa ra rạp đã bị phát trực tiếp gần hai giờ đồng hồ trên facebook.

Vừa ra rạp được hai ngày, phim Gái già lắm chiêu 2 của đạo diễn Bảo Nhân, Nam Cito lập tức gây ấn tượng khi đạt doanh thu 15 tỷ đồng. Có lẽ vì bộ phim này “hot” nên gần đây đã bị quay lén, phát trực tiếp lên facebook . Theo nhà sản xuất Gái già lắm chiêu 2, trung tuần tháng 12/2018, ê-kíp phát hiện hành vi livestream trái phép từ một cá nhân lên mạng xã hội. Ngay sau đó, nhà sản xuất đã gọi điện thoại để yêu cầu người này ngừng livestream khi còn trong rạp. Tuy nhiên bỏ ngoài tai, người này vẫn thách thức và phát trực tiếp đến gần hết phim. Quá bức xúc khi “đứa con tinh thần” bị xâm hại trái phép, ê-kíp làm phim Gái già lắm chiêu 2 đã trình báo cơ quan công an.

Mới đây, cơ quan công an đã điều tra và tìm ra nghi phạm livestream bộ phim Gái già lắm chiêu 2 trên trang facebook cá nhân. Đó là H.N.H., 22 tuổi, quê ở tỉnh Đăk Lăk và hiện đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM. Tại buổi gặp gỡ với đại diện nhà phát hành phim Gái già lắm chiêu 2 vừa qua, H.N.H. đã thừa nhận hành vi quay lén bộ phim tại một cụm rạp ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Dù H.N.H. đã làm bản tường trình và xin lỗi nhà phát hành, ê-kíp làm phim nhưng đạo diễn Bảo Nhân nhấn mạnh: đối tượng vi phạm sẽ phải trả giá cho hành động gây thiệt hại cho bộ phim. Ngoài ra, đạo diễn Nam Cito đánh giá đây là hành vi cố ý nên “chúng tôi sẽ cương quyết đi đến cùng vụ việc để làm gương cho bộ phim điện ảnh sau”.

Thực tế, trước Gái già lắm chiêu 2, cùng thời điểm này năm ngoái, bộ phim Cô Ba Sài Gòn của đạo diễn Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn cũng bị N.V.Tr. (sinh năm 1998 tại Vũng Tàu) phát trực tiếp trên facebook. Vụ việc này từng tốn không ít giấy mực báo giới, trong khi đó công chúng, các nghệ sĩ rất bức xúc khi  N.V.Tr. thản nhiên cho biết mục đích livestream Cô Ba Sài Gòn lên mạng chỉ để “câu” like và comment (lượt thích và bình luận). Tuy nhiên, trước thái độ hối lỗi và thành khẩn của N.V.Tr., nhà sản xuất - diễn viên Ngô Thanh Vân đã “nhắm mắt cho qua” dù hành vi của N.V.Tr. gây tổn thất nghiêm trọng đến doanh thu, ảnh hưởng đến quan điểm của khán giả về tác phẩm khi có chất lượng hình ảnh và âm thanh không tốt.

Thực tế chỉ ra rằng, ngoài hành vi phát trực tiếp lên mạng kể trên, nhiều bộ phim Việt chiếu rạp vừa ra mắt đã bị sao chép, phát tán ở các trang web phim hoặc giải trí như phim: Yêu, Em chưa 18, Tấm Cám - chuyện chưa kể, Mỹ nhân kế, Tèo em, Vòng eo 56, Âm mưu giày gót nhọn, Chàng trai năm ấy... Theo thống kê, hơn 40% các bộ phim chiếu rạp trong nước và quốc tế bị phát tán ngay khi công chiếu ở Việt Nam và vì thế, nhà phát hành, ê-kíp sản xuất phim ở nước ta lao đao và luôn trong cảnh “sống trong sợ hãi”. Giới làm nghề và khán giả chân chính không khỏi bức xúc trước hành vi vi phạm bản quyền điện ảnh. Bởi lẽ, một bộ phim chiếu rạp được thực hiện với sự đầu tư cả trí tuệ và tiền tỉ với mong muốn được cống hiến cho khán giả, mong người xem sẽ cảm nhận ý nghĩa thông điệp của bộ phim bằng con đường hoàn hảo nhất thì lại bị phát tán trên mạng khiến chất lượng về hình ảnh và âm thanh của phim trở nên méo mó.

Vì thế, để không còn những điều trông thấy mà đau đớn lòng, thay vì thụ động trông chờ vào ý thức khán giả thì đơn vị, cá nhân sở hữu bản quyền phim cần phải chủ động, tỏ thái độ cứng rắn với cá nhân, tổ chức đã livestream, phát tán phim trái phép lên không gian mạng. Vì chiếu theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi sao chép tác phẩm/bản ghi âm, ghi hình hay phân phối trái phép bằng bất cứ phương tiện nào có thể chịu phạt tiền đến 250 triệu đồng (cá nhân), 500 triệu đồng (tổ chức). Như vậy, chỉ cần tổ chức, cá nhân bị phát hiện thực hiện hành vi sai trái là đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính, bất kể mục đích là gì, có đăng tải trên mạng hay không.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn