Vi phạm an toàn lưới điện: “Ðánh đu” với hiểm nguy

03-06-2016 13:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Mùa mưa bão đang đến gần, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện luôn là vấn đề nóng làm đau đầu các nhà cung cấp điện.

Mùa mưa bão đang đến gần, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện luôn là vấn đề nóng làm đau đầu các nhà cung cấp điện. Nếu không có sự phối hợp của địa phương để giải quyết dứt điểm các vi phạm, vẫn còn những vụ tai nạn thương tâm và chỉ một sự cố nhỏ xảy ra, nguy cơ mất điện trên diện rộng là khá cao.

Vẫn còn nhiều vụ tai nạn thương tâm

Theo ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó Trưởng ban An toàn, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, tính đến hết năm 2015, toàn thành phố có 1.092 trường hợp vi phạm về an toàn lưới điện (ATLĐ). Trong đó, đã xử lý được 327 hộ và lên kế hoạch từ nay đến hết năm 2016, phấn đấu xử lý 765 trường hợp còn lại. Tuy nhiên, phần lớn trong số này đều là các tồn tại cũ dai dẳng, khó xử lý. Thực tế, tình hình vi phạm hành lang ATLĐ cao áp trên địa bàn thành phố đã giảm nhiều so với những năm trước đó, nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp. Ở nhiều nơi, nhận thức người dân vẫn còn hạn chế, dẫn đến thờ ơ trong việc đảm bảo ATLĐ. Ngoài sự nỗ lực của ngành điện, các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc để giải quyết dứt điểm những “điểm nóng” vi phạm ATLĐ tồn tại nhiều năm qua.

Nâng cấp, sửa chữa lưới điện trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Giảm tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ và ngăn ngừa triệt để những vụ tai nạn do bất cẩn khi sử dụng điện đang là ưu tiên hàng đầu của ngành điện. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và tai nạn điện trong những tháng đầu năm 2016 vẫn còn phức tạp. Theo thống kê của ngành điện, tính đến ngày 15/5 đã xảy ra 43 vụ sự cố do vi phạm hành lang lưới điện (110kV xảy ra 9 vụ, 22kV xảy ra 34 vụ). Tổng công suất mất trên điện lưới 110kV là 290,36 MW, sản lượng điện mất 104,25 MWh; tổng công suất mất trên điện lưới 22kV là 226,19 MW, sản lượng điện mất 177,78 MWh. Đặc biệt, có đến 9 vụ tai nạn điện trong dân, trong đó có 7 vụ do vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và 2 vụ công tơ làm chết 4 người, bị thương 5 người.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu do người dân chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn điện, dẫn đến vi phạm hành lang ATLĐ cao áp như: thả diều, bắn pháo dây kim tuyến, chặt cây rơi vào đường dây, xây dựng, cơi nới nhà ở vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện và sử dụng điện không an toàn ở các khu vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sử dụng điện để bơm nước, bẫy chuột...

Người dân cần nâng cao ý thức trong phòng tránh tai nạn do chập điện, rò rỉ điện

Mùa mưa đã cận kề, dự báo tình hình thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiều nguy hiểm vẫn đang treo lơ lửng trên đầu người dân. Vì vậy, thời gian qua, ngành điện đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp củng cố công tác bảo vệ hành lang ATLĐ cao áp; thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và ngăn ngừa tai nạn điện trong dân. Xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể, triển khai thực hiện công tác phối hợp với địa phương xử lý vi phạm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật trong việc bảo vệ hành lang ATLĐ cao áp và sử dụng điện an toàn trong dân. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành điện và các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền trong cộng đồng nhằm phòng tránh những thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là thiệt hại về con người. Tăng cường kiểm tra, giám sát hành lang lưới điện, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm cũng được thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với ngành điện ở các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý đường dây mất an toàn sau điện kế; xử lý dây câu tạp, bảng hiệu, lưới điện hạ áp khách hàng, cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên trụ điện lực (đặc biệt tại các vị trí vượt đường giao thông) chưa đạt khoảng cách theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Thiện, bên cạnh những chiến dịch ra quân nhằm đảm bảo an toàn lưới điện, đặc biệt là trong những đợt thời tiết đặc biệt nghiêm trọng như mưa lớn hay ngập lụt kéo dài thì mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng tránh tai nạn gây ra bởi chập điện, rò rỉ điện. Trong trường hợp nhà bị ngập nước, người dân cần cắt ngay cầu dao điện, aptomat tổng, rút phích cắm điện, đồng thời kê cao các thiết bị điện như máy bơm nước, quạt điện, nồi cơm điện... tránh những tai nạn đáng tiếc.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn