(SKDS) - Giờ đây, càng ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch ra tiếng nước ngoài và được bạn đọc quốc tế biết đến. Mới đây, cuốn nhật ký chiến trường của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được dịch ra tiếng Nga (bản dịch ra tiếng nước ngoài thứ 18 của tác phẩm này) càng khẳng định được giá trị văn chương không biên giới - mặc dù người viết không phải là một nhà văn chuyên nghiệp mà là một bác sĩ chiến trường.
Các tác phẩm thuần Việt luôn có giá trị
Là một cuốn nhật ký chiến trường có sức lan tỏa tuyệt vời đối với thế hệ trẻ Việt Nam, tinh thần của Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được giới văn chương, nhiều độc giả trên thế giới ái mộ. Trước khi được dịch sang bản tiếng Nga, rất nhiều nước trên thế giới đã có có nhã ý dịch cuốn sách sang tiếng bản địa. Chính tình yêu với nước Nga, với nhân cách và ý chí con người Nga được liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thể hiện trong cuốn sách là động lực để gia đình liệt sĩ đồng ý đưa cuốn nhật ký này đến với độc giả quốc gia thứ 18 ngoài biên giới Việt Nam.
![]() Tập truyện ngắn Việt Nam bằng tiếng Hàn Quốc. |
Trước Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Việt Nam đã có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Rõ ràng độc giả quốc tế đã nắm bắt được những thành tựu của văn chương Việt khi nhắc đến những tác giả, tác phẩm nổi tiếng họ được đọc. Đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Lý Trần, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... Giới văn chương và dịch thuật Việt cũng đã có nỗ lực trong việc giới thiệu đến độc giả quốc tế những tên tuổi chủ đạo của nền văn nghệ Việt Nam như Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thân...
Chung tay vì một nền văn chương quốc tế hóa
Điều dễ nhận thấy là phần lớn những tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài đều do tự phát, tự vận động hoặc do may mắn. Điều này vô hình trung không quảng bá được tối đa tinh thần của tác phẩm đến với độc giả. Việt Nam chưa có nhiều cuộc giao lưu, trao đổi bản thảo giữa nhà văn và dịch giả. Mối cản trở trong quảng bá, giới thiệu tác phẩm cũng từ đó nảy sinh. Chúng ta chưa thể có các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài - điều mà các nước luôn đặt lên hàng đầu khi muốn quảng bá văn hóa đất nước mình. Pháp và Hàn Quốc là hai đất nước làm rất tốt mô hình này ở Việt Nam.
![]() Bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâmbằng tiếng Nga. |
Nắm bắt được tâm lý của những nhà văn Việt Nam cũng như xu hướng hội nhập văn chương đang rộng mở, nhiều công ty sách tư nhân đã chủ động đưa văn chương Việt hòa vào dòng chảy chung của thời đại. Chibook là đơn vị tiên phong công bố dự án đưa văn học Việt xuất ngoại. Ở hội chợ bản quyền sách ở Kuala Lumpur và tới đây là Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh, các tác phẩm văn học Việt dịch ra tiếng nước ngoài đã và sẽ đến tận tay những người yêu sách. Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã có nhiều nỗ lực tích cực để không “thua bạn kém bè” trong việc đưa văn chương Việt đến với bạn đọc nước ngoài.
Trên thực tế, rất nhiều người Việt xa quê hoặc người gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có nhu cầu rất cao về việc tìm hiểu văn hóa, văn nghệ của quê hương bằng ngôn ngữ đất nước họ đã, đang và sẽ sinh sống nhiều năm. Bởi vậy, không có lý do gì để chúng ta không chung tay vì một nền văn chương quốc tế hóa.
Thành Vinh