Vì môi trường không khói thuốc lá

26-06-2015 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thuốc lá giết chết gần 6 triệu người mỗi năm, trong đó trên 600 ngàn người không hút thuốc cũng bị chết non từ các bệnh do hít phải khói thuốc thụ động gây ra.

Thuốc lá giết chết gần 6 triệu người mỗi năm, trong đó trên 600 ngàn người không hút thuốc cũng bị chết non từ các bệnh do hít phải khói thuốc thụ động gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2013, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, thuốc lá lấy đi sinh mạng của 40.000 người mỗi năm và gây ra tổn thất về chi phí y tế và mất năng suất lao động lên tới trên một tỷ USD mỗi năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo các Vụ, Cục Y tế tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động và tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm so hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 đến 20 năm của cuộc sống. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, điều đáng buồn là sử dụng thuốc lá lại có xu hướng gia tăng tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Lãnh đạo Bộ Y tế tham gia mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá tại Dinh Độc lập, TP. Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Bộ Y tế tham gia mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá tại Dinh Độc lập, TP. Hồ Chí Minh.

Hàng năm, vào Ngày Thế giới không thuốc lá, WHO và các đối tác cùng phối hợp đưa ra thông tin cảnh báo về các tác hại sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, kêu gọi sự ủng hộ và thực thi các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhằm làm giảm tiêu thụ thuốc lá.

Với mục đích huy động sự tham gia đông đảo của cộng đồng cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, WHO đã lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Tại Việt Nam, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5.

Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá tại Dinh Độc lập, TP. Hồ Chí Minh.

Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá tại Dinh Độc lập, TP. Hồ Chí Minh.

Hòa chung với phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới, hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng được đẩy mạnh tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Đến nay đã có 12/22 Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, 40/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tác hại của thuốc lá. Nhiều tỉnh, thành phố đang nỗ lực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, Tiền Giang, Hải Dương, Quảng Ninh,... Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan công sở như Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, Trụ sở Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động các tỉnh Bắc Giang, Đà Nẵng và Tiền Giang, Công đoàn ngành ngân hàng và bưu điện... Theo điều tra năm 2014, tỷ lệ hút thuốc lá thanh thiếu niên Việt Nam trong độ tuổi từ 13 - 15 giảm 3,3% so với năm 2007.

Nhân dịp Ngày Thế giới không thuốc lá của năm nay, WHO kêu gọi Việt Nam thực thi một cách đầy đủ Công ước Khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá. Đặc biệt là cần thực hiện gói 6 biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả gọi tắt là MPOWER bao gồm: (Monitoring) Giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách kiểm soát thuốc lá, (Protecting) Bảo vệ con người khỏi khói thuốc thụ động, (Offering) Cung cấp trợ giúp để cai thuốc lá, (Warning) Cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá, (Enforcing) Thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá  (Raising) Tăng thuế thuốc lá là 6 biện pháp dựa trên bằng chứng có hiệu quả, gọi là MPOWER nhằm phát huy sức mạnh của Công ước Khung FCTC. Những biện pháp này có thể cứu 16.000 người khỏi bị tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam.

Lễ mít-tinh còn thu hút sự tham gia của hơn 1.000 thanh niên, sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. 800 người tham gia đi bộ và 100 sinh viên đạp xe diễu hành trên các tuyến phổ cổ động thực hiện môi trường không khói thuốc.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế cho biết: sau 10 năm thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới trưởng thành giảm từ 56,1% xuống 47,4%. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi) giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% vào năm 2014. Mạng lưới hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại các tỉnh, thành phố thiết lập. Các mô hình môi trường không khói thuốc lá tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nơi làm việc được xây dựng và mở rộng.

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn