Nhà lao Tân Hiệp (P. Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1994. Nhà lao trước đây có diện tích 46.520m2 với 8 trại giam, trong đó có 5 trại giam những người tù Cộng sản. Đặc biệt, ở nhà lao này còn có cả các phòng "cải hối", "chuồng cọp" là chứng tích lịch sử ghi lại tội ác của kẻ thù, là tấm gương về lòng yêu nước của những chiến sĩ Cách mạng và đồng bào yêu nước bị địch giam cầm. Điểm đặc biệt của chứng tích lịch sử này còn là nơi bọn giặc giam giữ hàng ngàn lượt tù chính trị và đồng bào yêu nước, đồng thời cũng là điểm nhận tù từ khắp nơi chuyển đến và chuyển tù ra Côn Đảo, Phú Quốc. Nơi đây đã chứng kiến nhiều người Việt Nam yêu nước thà hy sinh chứ không chịu khuất phục trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhà tù lớn nhất miền Nam và là nơi duy nhất có cuộc nổi dậy phá khám. Khi tù nhân phá cửa tràn ra, do tay không cướp súng của địch nên nhiều anh em bị bắn chết. Còn trong các trại tù khác, khi bị tra khảo, đánh đập đến chết, địch đem xác tù nhân chôn phía sau đường ray xe lửa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khai quật tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Cổng nhà lao Tân Hiệp. |
Rõ ràng, nhà lao Tân Hiệp có mối liên hệ khăng khít với nhà tù Côn đảo, có quan hệ liên hoàn với hành trình từ nơi tập kết ra "địa ngục trần gian" của những chiến sĩ Cộng sản. Chính vì thế, tỉnh ủy Đồng Nai trước đây đã có kế hoạch gìn giữ nhà lao Tân Hiệp, cải tạo thành một di tích văn hóa lớn để những người không có điều kiện thăm nhà tù Côn Đảo có thể đến đây tham quan vào những năm sau ngày đất nước thống nhất.
Thế nhưng khu di tích lịch sử trên vì lợi ích cục bộ địa phương đã được bán cho Ngân hàng Công thương Việt Nam để xây dựng Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Công thương Việt Nam. Việc bán khu đất này đồng nghĩa với việc xóa đi toàn bộ chứng tích có giá trị lịch sử của dân tộc. Những năm qua, nhiều tổ chức và cá nhân ở tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị quyết liệt giữ lại khu đất nhà lao Tân Hiệp, phục dựng lại chứng tích lịch sử này theo nguyên trạng để làm di tích lịch sử và nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau. Thế nhưng số tiền cụ thể có thể tính đếm được do bán mặt bằng lại xóa đi một chứng tích lịch sử để giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc mà không thể tính thành tiền.
Việc xóa sổ một di tích lịch sử cấp quốc gia đã được phép chưa và ai ký quyết định thu hồi bằng xếp hạng di tích? Di tích lịch sử nhà lao Tân Hiệp không chỉ là của tỉnh Đồng Nai mà còn là Di tích quốc gia của cả nước. Chưa nói đến pháp lý, việc tùy tiện xóa bỏ còn là trái ngược với truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta.
Thiết tha mong UBND tỉnh Đồng Nai xem lại việc xóa bỏ di tích lịch sử này!
Nguyễn Hoàng Dũng