Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
1. Nhiều sản phẩm bị thu hồi do có khả năng nhiễm khuẩn
Sản phẩm trái cây cắt sẵn Freshcut của Liberty Fruit Company Inc. từng bị thu hồi sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra phát hiện một mẫu dương tính với vi khuẩn Salmonella.
Mới đây, FDA cung cấp thông tin về việc thu hồi một số sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm nhiễm khuẩn Salmonella. Ngày 19/4/2022, một sản phẩm bí ngòi hữu cơ của World Variety Produce, Inc. bị thu hồi. Trước đó, ngày 12/4, nhiều sản phẩm của Ferrero USA, Inc. đã bị thu hồi vì những nguy cơ có thể xảy ra với sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ Công thương vừa đề nghị thu hồi một số sản phẩm kẹo trứng chocolate do có khả năng nhiễm khuẩn Salmonella. Đây là sản phẩm được bán rộng rãi tại các siêu thị, tiệm tạp hóa... tại Việt Nam được nhiều khách hàng, trong đó đa số là trẻ em yêu thích vì có chocolate và đồ chơi trong mỗi chiếc kẹo.
Công ty sản xuất cũng đã thu hồi một số sản phẩm kẹo trứng chocolate tại các cửa hàng ở Mỹ do có khả năng nhiễm khuẩn Salmonella. Công ty cho biết họ đưa ra quyết định thu hồi vì những sản phẩm này được sản xuất trong một nhà máy nơi đã phát hiện ra vi khuẩn Salmonella.
Quyết định được đưa ra sau khi hơn 60 người ở Anh, chủ yếu là trẻ nhỏ, bị nhiễm vi khuẩn Salmonella trong một đợt bùng phát liên quan đến món kẹo trứng. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở Anh nhưng hầu hết các trường hợp liên quan đến trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.
2. Dấu hiệu nhiễm khuẩn Salmonella
Ăn thực phẩm hoặc uống bất kỳ chất lỏng nào bị ô nhiễm một số loại vi khuẩn Salmonella đều có thể là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm Salmonella. Người ta thường bị nhiễm bệnh do ăn thực phẩm sống hoặc thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh.
Vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước từ hai đến ba tuần, ở trong phân từ hai đến ba tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút và có thể diệt bởi chất sát khuẩn thông thường. Người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn sau khi hết các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ hai đến ba tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng. Một số người bị nhiễm khuẩn mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
Khi nhiễm khuẩn Salmonella, người bệnh thường sốt, đau quặn bụng và tiêu chảy trong vòng 12 - 72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Những người trưởng thành khỏe mạnh thường bị ốm từ bốn đến bảy ngày. Không ít người bị tiêu chảy nghiêm trọng đến mức bệnh nhân phải nhập viện. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nhiễm vi khuẩn Salmonellacó thể dẫn đến việc sinh vật này đi vào máu và gây ra các bệnh nặng hơn như nhiễm trùng động mạch (tức là chứng phình động mạch bị nhiễm trùng), viêm nội tâm mạc và viêm khớp.
Thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường không có hình dạng, mùi hoặc vị hư hỏng. Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh khi nhiễm vi khuẩn Salmonella. Theo Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ sơ sinh, trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn vì hệ thống miễn dịch của họ rất mỏng manh.
Bất kỳ ai đã ăn sản phẩm bị thu hồi và phát triển các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella cần được chăm sóc y tế. Những người bị bệnh nên nói với bác sĩ của họ về khả năng tiếp xúc với vi khuẩn Salmonella để làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh vì nhiễm khuẩn Salmonella có các triệu chứng tương tự với một số bệnh khác.
3. Thực phẩm nào có thể bị nhiễm Salmonella?
Bất cứ nguồn thực phẩm tươi sống nào có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, trứng và hải sản và một số loại trái cây, rau quả đều có thể bị nhiễm Salmonella. Do vậy, mọi người nên tránh ăn những loại thịt gia súc, gia cầm hay trứng sống hoặc chưa được nấu chín, các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.
Lưu ý, khi các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên ăn những thực phẩm nhất định nào đó trong mùa dịch thì có nghĩa là thực phẩm đó không nên ăn ngay cả khi đã được chế biến hoặc nấu chín.
4. Xử trí khi bị nhiễm khuẩn Salmonella
Khi bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella, quan trọng nhất là bù đắp đủ các chất lỏng và chất điện phân đã mất do bị tiêu chảy. Khi nhiễm vi khuẩn Salmonella nên uống nước hoặc các chất lỏng bổ sung. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nên tránh các sản phẩm từ sữa. Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm độc.
Với những trường hợp bị nôn không ăn uống được, người bệnh kể cả trẻ nhỏ cũng có thể cần truyền tĩnh mạch.
Thông thường, không dùng kháng sinh và thuốc để ngăn tiêu chảy. Những phương pháp điều trị này có thể kéo dài "giai đoạn mang khuẩn" và sự nhiễm khuẩn. "Giai đoạn mang khuẩn" là khoảng thời gian trong và sau khi nhiễm khuẩn mà có thể lây nhiễm sang người khác. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để làm giảm các triệu chứng. Trong các trường hợp nặng hoặc đe dọa tính mạng, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh đặc hiệu diệt vi khuẩn Salmonella.
5. Phòng tránh ngộ độc do vi khuẩn Salmonella
Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...
Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu. Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu để lại cần để nguội đồ ăn và nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, hãy để thịt sống, trái cây chưa rửa sạch cách xa các thực phẩm đã nấu chín. Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn ở những nơi cung ứng đáng tin cậy, có điều kiện bảo quản tốt. Rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm. Rửa trái cây, rau xanh dưới vòi nước chảy. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới:
- Vi khuẩn Salmonella (Salmonella) là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới.
- Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn salmonella đều nhẹ, nhưng đôi khi căn bệnh này đe dọa đến tính mạng. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào các yếu tố vật chủ và kiểu huyết thanh Salmonella.
- Salmonella là một trong những vi sinh vật mà các loại huyết thanh kháng thuốc đã xuất hiện, có tác động trở lại chuỗi thức ăn.
- Thực hiện các quy tắc cơ bản về vệ sinh thực phẩm, chẳng hạn như "nấu đủ" thực phẩm là một biện pháp phòng ngừa khuyến cáo chống lại bệnh nhiễm khuẩn do Salmonella.
Xem thêm video đang được quan tâm:
10 loại thực phẩm tốt cho phổi sau mắc COVID-19