Vi khuẩn Salmonella trong bánh mì Phượng độc hại ra sao?

22-09-2023 15:26 | Y tế
google news

SKĐS - Ngộ độc do vi khuẩn Salmonella có biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Ngày 22/9, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) cho biết, món thịt heo xíu - thành phần của bánh mì Phượng (cơ sở trên đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam) là tác nhân chính gây ngộ độc khiến 150 người nhập viện, có chứa vi khuẩn Salmonella.

Thịt heo xá xíu chứa vi khuẩn Salmonella

Theo Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Nam, căn cứ kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm (do đơn vị này lấy mẫu tại tiệm bánh mì Phượng) của Viện Pasteur Nha Trang, Chi cục xác định thức ăn khiến hàng trăm người ngộ độc là mẫu thịt heo xíu ngày 11/9/2023 (thành phần có trong nhân bánh mì) dương tính với Salmonella.

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths. Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho hay, vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.

Vi khuẩn Salmonella trong bánh mì Phượng độc hại ra sao? - Ảnh 1.

Sở Y tế Quảng Nam sẽ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với bánh mì Phượng.

Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella bao gồm: Thịt gà, thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau các loại, sò, hến, trai và gia vị. Đặc biệt khi thực phẩm bị nhiễm Salmonella, protein của thực phẩm không bị phân giải, tính chất lý hóa của thực phẩm không bị thay đổi mặc dù vi khuẩn phát triển rất nghiêm trọng nhưng trạng thái cảm quan không thay đổi gì rõ rệt.

Về nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm khuẩn Salmonella, bà Cẩm cho hay, có thể là do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt: động vật bị bệnh, vi khuẩn Salmonella có ở trong máu, thịt và đặc biệt ở trong các phủ tạng như gan, lá lách, ruột.

"Trong gia cầm bị bệnh, Salmonella có thể tồn tại ở buồng trứng nên ngay sau khi gia cầm đẻ trứng đã nhiễm Salmonella. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong.

Thứ hai, có thể do thực phẩm bị nhiễm Salmonella trong và sau khi bị giết thịt: Thịt có thể bị nhiễm Salmonella do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột,... Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.

Ngoài ra, thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella", bà Cẩm thông tin thêm.

Biện pháp ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonela

TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, thời kỳ ủ bệnh khi ngộ độc thực phẩm do Salmonela gây ra thường từ 12-24 giờ, nhưng có thể kéo dài vài ngày tới 6-7 ngày.

Các dấu hiệu đầu tiên là bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu choáng váng khó chịu, sốt, đau bụng. Sau đó xuất hiện nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu đó là triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp tính. Đại đa số bệnh nhân trở lại bình thường sau 1-2 ngày không để lại di chứng.

"Ngoài những triệu chứng đã mô tả trên, cá biệt có bệnh nhân lại biểu hiện như một bệnh thương hàn, cảm cúm, sốt rất cao 39-400C, mệt mỏi toàn thân, đau ở vùng thắt lưng và cơ bắp. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa biểu hiện rất nhẹ hoặc không có, vì vậy rất dễ chẩn đoán nhầm", bác sĩ Mười cảnh báo.

Về biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonela, Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Nam khuyến cáo:

Kiểm soát từ trang trại, hộ chăn nuôi: Việc kiểm soát Salmonella trong thực phẩm phải bắt đầu từ trang trại, hộ chăn nuôi thông qua kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, thịt gia cầm, thịt gia súc và các sản phẩm tươi sống. Salmonella có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách xử lý nhiệt và tránh nhiễm chéo; thực hành vệ sinh tốt.

Đối với gia súc và gia cầm: Phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonella. Quá trình giết mổ phải bảo đảm vệ sinh và ngăn cách các khu vực, tránh sự lây lan của vi khuẩn nhất là lây nhiễm chéo. Khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...

Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống: vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.

Không ăn thực phẩm tái, gỏi: khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Bên cạnh đó, còn có khả năng nhiễm Salmonella từ bàn tay người chế biến thực phẩm nên phải rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm và lây nhiễm từ dụng cụ nhà bếp như: dao, thớt...

Đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất: đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 5 phút. Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn.

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu.

Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu để lại cần để nguội đồ ăn và nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về phương án xử lý sai phạm tại cơ sở bánh mì Phượng, Ths. Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho hay, Sở Y tế sẽ tiến hành làm việc với hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 để lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

An Phong
Ý kiến của bạn