Sự thiếu hụt loại vi khuẩn này là nguyên nhân gây viêm loét đại tràng. Việc bổ sung chức năng của vi khuẩn bị thiếu có thể mở ra các phương pháp điều trị mới, hiệu quả cho những người bị bệnh này.
Đi tìm thủ phạm
Viêm loét đại tràng là một dạng viêm đường ruột gây viêm mạn tính các tế bào nằm ở trực tràng và đại tràng (ruột già), có thể dẫn đến đau bụng, sụt cân, tiêu chảy có mủ hoặc máu và các vấn đề khác.
Viêm loét đại tràng thường bắt đầu dần dần và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng và hiện chưa có cách chữa dứt điểm. Thay vào đó, các phương pháp điều trị hiện có tập trung vào việc giữ cho thời gian thuyên giảm bệnh càng lâu càng tốt.
Nếu không được điều trị, viêm loét đại tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng như chảy máu trực tràng (có thể gây thiếu máu), mất nước và hấp thu kém, viêm ở các khu vực khác trong cơ thể hoặc phình đại tràng (một biến chứng đe dọa tính mạng)...
Việc điều trị thường bắt đầu bằng thuốc, nhưng nếu thuốc trở nên không hiệu quả có thể phải phẫu thuật. Theo Tổ chức Crohn và viêm đại tràng Hoa Kỳ, có đến 23-45% người bị viêm loét đại tràng cuối cùng sẽ cần phải phẫu thuật.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn tại sao viêm loét đại tràng ảnh hưởng đến một số người chứ không phải tất cả. Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học Đại học Y khoa Stanford, California đã tìm ra thủ phạm chính là thiếu một loại vi khuẩn đường ruột đặc biệt.
Người bệnh viêm loét đại tràng có thể bị thiếu một loại vi khuẩn đường ruột.
Chìa khóa để trị bệnh
Các nhà khoa học nhận thấy, ở một số người bị viêm loét đại tràng đã phẫu thuật, sau đó tình trạng viêm và các triệu chứng liên quan có thể tái trở lại. Nhưng điều thú vị là những người bệnh có tình trạng di truyền đa nang adenomatous (FAP) phẫu thuật thì không bao giờ gặp bất kỳ triệu chứng viêm nào.
Sau khi so sánh 2 nhóm người tham gia: một nhóm mắc FAP và một nhóm bị viêm loét đại tràng, các nhà khoa học đã phát hiện ra một khác biệt chính là sự hiện diện của một loại axit mật trong ruột, với số lượng lớn hơn nhiều ở những người mắc FAP so với những người bị viêm loét đại tràng.
Theo các nhà khoa học, những axit mật này là một phần tự nhiên của ruột khỏe mạnh và giúp phân hủy chất béo. Trong ruột, vi khuẩn sẽ giúp chuyển đổi các axit mật này thành axit mật thứ cấp và vi khuẩn Ruminococcaceae có vai trò chính thực hiện sự chuyển đổi này.
TS. Aida Habtezion - tác giả nghiên cứu cho biết, tất cả những người khỏe mạnh đều có Ruminococcaceae trong ruột. Nhưng đối với bệnh nhân viêm loét đại tràng, các loại vi khuẩn này bị suy giảm đáng kể.
Để xác nhận kết quả này, các nhà khoa học đã phát hiện ra các mẫu phân của những người FAP đã biến axit mật chính thành axit mật thứ cấp, trong khi mẫu phân của những người bị viêm loét đại tràng thì không.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã bổ sung axit cho những con chuột bị viêm loét đại tràng để thay thế bất kỳ axit mật thứ cấp bị thiếu. Điều này làm giảm viêm cũng như các triệu chứng của viêm đại tràng ở chuột.
TS. Habtezion cho biết, nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh và hy vọng có thể mở ra hướng điều trị mới bằng một chất chuyển hóa được sản xuất tự nhiên, có sẵn với số lượng lớn trong ruột khỏe mạnh. Được biết, nhóm nghiên cứu hiện đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng để khám phá tác dụng của việc bổ sung axit cho những người bị viêm loét đại tràng.