Vì đâu sinh viên làm thêm bị trả công rẻ mạt nhưng vẫn phải 'tặc lưỡi' chấp nhận?

15-10-2022 08:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Để trang trải cho cuộc sống, sinh hoạt và học tập, nhiều sinh viên tại Hà Nội đã chấp nhận làm thêm các công việc như: bán quần áo, nhân viên chạy bàn, pha chế… với mức lương rẻ mạt.

Tân sinh viên cần cảnh giác những "lời mật ngọt’ từ môi giới việc làmTân sinh viên cần cảnh giác những 'lời mật ngọt’ từ môi giới việc làm

SKĐS - Thời gian này, hàng nghìn sinh viên năm nhất bắt đầu quãng thời gian học đại học, bước vào cuộc sống đi học xa nhà. Đây cũng chính là lúc nhiều em tìm kiếm cơ hội làm thêm, tuy nhiên, các em cần cảnh giác trước những trò lừa đảo môi giới, giới thiệu việc làm để đảm bảo cho cuộc sống tự lập an toàn.

Sinh viên là một trong những đối tượng được chủ của các ngành nghề kinh doanh như: ăn uống, thời trang, mỹ phẩm… tìm đến lao động làm theo thời vụ, theo ca kíp. Tuy nhiên "vấn nạn" xưa nay thấy rõ đó là mức lương mà chủ chi trả cho người lao động lại không đúng với quy định, thậm chí rất nhiều nơi đang bóc lột sức lao động của nhiều sinh viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hà Nội, các công việc thường được sinh viên lựa chọn ngoài giờ học trên trường như: bưng bê tại quán cà phê, nhân viên chạy bàn tại quán ăn, pha chế tại quán nước, bán quần áo, mỹ phẩm hay thậm chí nhân viên dọn dẹp… được chủ thỏa thuận với công chỉ từ 12.000 – 19.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, để đạt được công gần 20.000 đồng/giờ nhiều sinh viên phải có kinh nghiệm, thường xuyên tăng ca, làm việc với cường độ cao, khối lượng nhiều…

Vì đâu sinh viên làm thêm bị trả công rẻ mạt nhưng vẫn 'tặc lưỡi' chấp nhận? - Ảnh 2.

Nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm để trang trải cuộc sống. Ảnh: Vietnam+

Chia sẻ với chúng tôi, Lan Hương – một sinh viên đã trải qua nhiều công việc làm thêm để trang trải cho học tập nói: "Ngoài thời gian học tập tôi đã lựa chọn công việc bán quần áo và được trả mức lương là 15.000 đồng/giờ. Mỗi ngày tôi thường làm ca 8 giờ, được trả lương là 120.000 đồng".

Lan Hương cũng chia sẻ, dù biết lương mỗi giờ lao động thấp nhưng dù đã đi tìm hiểu nhiều nơi, nhiều công việc khác nhau nhưng mức lương chủ shop quần áo, tiệm trà chanh hay quán cà phê cũng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn.

Vì đâu sinh viên làm thêm bị trả công rẻ mạt nhưng vẫn 'tặc lưỡi' chấp nhận? - Ảnh 3.

N.T.L. cho biết, dù được trả mức lương theo giờ là 19.000 đồng nhưng thường xuyên phải tăng ca.

Sinh viên N.T.L. (Đại học Giao thông Vận tải) chia sẻ, dù bản thân được trả công lao động cao hơn chút so với nhiều nơi khác nhưng lại thường xuyên bị chủ bắt tăng ca: "Hiện tôi đang làm nhân viên chạy bàn tại một nhà hàng và được trả lương là 19.000 đồng/giờ nhưng lại thường xuyên bắt tăng ca nên ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe, học tập".

Không chỉ sinh viên làm thêm tại các quán ăn, nhà hàng, quán nước… bị trả mức lương rẻ bèo cho mỗi giờ làm việc mà nhiều công việc nặng nhọc khác cũng chỉ được chỉ được trả mức lương rất thấp. Một sinh viên đang theo học tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng, bản thân vừa trải qua 3 tháng đi lao động chân tay, dọn dẹp vệ sinh với mức lương nhận được chỉ 12.000 đồng/giờ.

Khi được hỏi, hầu hết tất cả sinh viên đều cho rằng, mức lương hiện tại mà chủ sử dụng lao động trả quá rẻ, trái với quy định. Tuy nhiên, lý do hầu hết sinh viên đều chấp nhận làm việc bởi cần tiền để trang trải cho cuộc sống, học hành, phụ giúp cha mẹ; số ít lại cảm thấy việc làm thêm là cần thiết bởi ngoài thời gian học thì cũng nên tự lập; bên cạnh đó không ít người lại cho rằng do nơi làm, vị trí gần với trường học nên thuận tiện cho học tập và làm việc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Đình Khiết – Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Hiện nay, sinh viên làm thêm được trả mức lương dưới mức lương tối thiểu khá phổ biến. Sinh viên nên cân nhắc trước khi quyết định làm thêm để tránh gây lãng phí thời gian, lãng phí năng lực và ảnh hưởng đến việc học hành".

Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 01/7/2022.

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Màn đồng diễn Vũ điệu 2K+ siêu dễ thương của các em học sinh lớp 4, lớp 5 Trường Tiểu học Gia Quất.


Dương Diệu
Ý kiến của bạn