Vì đâu bảo tàng vắng khách?

14-08-2015 2:00 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Bảo tàng (BT) vốn là nơi chuyên chở ký ức, kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa của quá khứ tới con người, xã hội hiện tại.

Bảo tàng (BT) vốn là nơi chuyên chở ký ức, kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa của quá khứ tới con người, xã hội hiện tại. Ở nước ta, dù có nhiều BT quy mô song vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, đồng thời thường rơi vào trầm lắng vì không có người thưởng lãm. Vẫn biết, để giải quyết triệt để “căn bệnh” này ở các BT không thể làm một sớm một chiều, nhưng không có nghĩa chúng ta hết “thuốc” chữa.

“Bệnh” di truyền

Thực tế cho thấy đa số BT ở nước ta hiện nay, dù được đầu tư lớn song lại rất vắng vẻ, đìu hiu...bởi nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Tiêu biểu cho câu chuyện này, gần đây nhất là BT Văn học Việt Nam mới đi vào hoạt động hơn một tháng nay. Tới thăm BT Văn học Việt Nam dịp gần đây, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ghi nhận có rất ít người đến với BT này, lúc đông nhất khoảng chục người.

Tổ chức lồng ghép tham quan với học tập cho học sinh là một trong nhiều cách hữu hiệu để thu hút công chúng đến bảo tàng.

Tổ chức lồng ghép tham quan với học tập cho học sinh là một trong nhiều cách hữu hiệu để thu hút công chúng đến bảo tàng.

Theo nhân viên bảo vệ tại BT Văn học Việt Nam thì lý do vắng khách bởi BT mới mở cửa nên ít người biết? Tuy nhiên, quan sát tại BT Văn học Việt Nam thì thấy, cách bài trí hiện vật tại BT chuyên ngành này chưa thật sự khoa học, tư liệu còn chưa tô đậm được vấn đề, câu chuyện muốn truyền tải. Hơn nữa, việc chọn nhân vật giới thiệu trong BT chỉ là các tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong khoảng vài chục năm trở lại đây, từ đó chưa thể hiện được sự đa dạng, chiều dài lịch sử văn học Việt Nam.

Tương tự, câu chuyện buồn tại BT Hà Nội trong nhiều năm qua đến nay vẫn chưa có hồi kết. Với diện tích hàng ngàn m2 và được đầu tư “nghìn tỉ”, BT Hà Nội từng được kỳ vọng là “kho” văn hóa, lịch sử của Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung để người dân tới tìm hiểu. Nhưng ngược lại, sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay BT Hà Nội luôn rơi vào tình cảnh vắng vẻ, có ngày chỉ vài lượt khách, đông hơn chỉ rơi vào các buổi mở màn triển lãm, sự kiện liên quan được tổ chức tại đây. Nhiều chuyên gia nhận định, BT Hà Nội thiếu sức hút vì “rỗng” bên trong, nghĩa là nghèo nàn hiện vật và tư liệu trưng bày...; nhiều hiện vật trưng bày ở BT chỉ là sự tập hợp từ các cá nhân, doanh nghiệp, giống như gian trưng bày đồ cổ và phân loại ra.

Cũng rất đáng quan tâm, đó là một số BT ở nước ta còn dùng các địa điểm trong khuôn viên để mở các dịch vụ. Được biết, một số bảo tàng tại TP.Hồ Chí Minh thời gian qua dành khuôn viên trong BT cho thuê tổ chức tiệc cưới. TS. Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa từng chia sẻ: “Bước chân vào phòng trưng bày là ngửi thấy mùi thức ăn, chưa kể hàng quán không được gia cố thẩm mỹ, rất nhếch nhác, lộn xộn”. Chính yếu tố này vô hình trung tạo cảm giác “ngán ngẩm” từ vòng ngoài đối với người dân khi đến với các BT.

Đánh giá về hệ thống BT nước ta còn chưa phát triển tương xứng với sự kỳ vọng về quy mô và sự đầu tư, hầu hết giới chuyên gia nhận định, đa số các BT ở Việt Nam thiếu các hiện vật, tư liệu, cách trưng bày chưa hợp lý. Bên cạnh đó, các BT chưa sử dụng các phương tiện ứng dụng công nghệ mới (màn hình cảm ứng, màn hình vô tuyến...) mà chủ yếu vẫn là việc thuyết minh, phụ lục ảnh, tờ rời...

Những liều thuốc “giảm đau” !?

Thời gian qua, giới làm nghề và không ít chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực BT đưa ra các giải pháp để các BT ở nước ta “thức giấc”. Theo đó, chúng ta cần đầu tư cho việc sưu tầm hiện vật, cách thức trình bày, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật và không ngừng mở rộng các hoạt động tương tác giữa BT với ngành giáo dục.

Chẳng hạn như cách làm tại BT Đà Nẵng hiện nay. Theo ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc BT Đà Nẵng, đơn vị này đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại: sử dụng điện chiếu sáng và thiết kế mỹ thuật các đai, tủ trưng bày hợp lý tạo điểm nhấn trong không gian trưng bày; sử dụng các loại kính chuyên dùng cho tủ, bục trưng bày để bảo vệ hiện vật tránh khỏi tác hại ánh sáng và điều kiện môi trường xung quanh; hệ thống phương tiện nghe nhìn hỗ trợ gồm màn hình cảm ứng, âm thanh minh họa, audio guide...

TS.Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc BT Dân tộc học Việt Nam cũng từng đưa ra ý kiến, các BT cần phải có chiến lược bắt tay với các nhà giáo dục để họ thấy rằng, BT là một công cụ để giảng dạy rất tích cực. Các BT nên tổ chức lồng ghép chương trình tham quan, vui chơi, giải trí với học tập cho học sinh. Để làm được điều này, cán bộ BT ngoài chuyên môn cũng cần có phương pháp sư phạm để có thể kết hợp các chương trình giáo dục.

Cũng không ít ý kiến cho rằng, nhằm thu hút công chúng đến với BT thì cần chủ động phối hợp với các đơn vị mở ra nhiều đợt triển lãm theo chuyên đề (ngắn hoặc dài ngày). Quan trọng không kém, đó là các BT cần phải liên tục cập nhật, lắng nghe các ý kiến đóng góp của công chúng. Bởi lẽ qua những ý kiến góp ý của du khách sẽ giúp các BT nhận ra được điểm mạnh để phát huy và yếu để khắc phục, đổi mới trong việc trưng bày, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ tốt hơn du khách thưởng lãm.

  Quỳnh Phạm

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH