Vi chất dinh dưỡng và tầm quan trọng cho cơ thể

21-06-2019 15:46 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Vi chất dinh dưỡng (VCDD) là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Các VCDD tham gia việc xây dựng nên các tế bào, các mô, vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương, là thành phần chủ yếu để tạo ra các hormon, các dịch tiêu hóa... VCDD rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Tuy cơ thể chỉ cần với một lượng nhỏ VCDD nhưng khi thiếu những vi chất này sẽ gây nhiều hậu quả trầm trọng. Thiếu VCDD được xem là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đồng thời là nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Thiếu VCDD sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu VCDD không chỉ gây ra một số bệnh đặc hiệu như bệnh khô mắt, mù lòa do thiếu vitamin A, bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh bướu cổ và đần độn do thiếu iốt, bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn tuổi mà còn là những yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và bệnh mạn tính, tác động đáng kể đến tình hình bệnh tật, tử vong và chất lượng cuộc sống.

Các VCDD thiết yếu

Có khoảng 90 các VCDD khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm các vitamin tan trong nước như: nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, iode, đồng, mangan, magiê...

Vitamin A: Cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Khi thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, khô mắt, loét giác mạc gây mù lòa, chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như: viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da.

Nguyên nhân thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và caroten (caroten là chất khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A). Hoặc bữa ăn đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Ngoài ra, thiếu vitamin A còn thường gặp ở trẻ nhỏ không được bú sữa mẹ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị nhiễm trùng đặc biệt là trẻ bị sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm giun...

Để phòng thiếu vitamin A, cần chú ý ăn uống đầy đủ các thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ. Vitamin A và caroten có nhiều trong các thực phẩm như: gan, trứng, sữa, cá, rau lá xanh thẫm, các loại quả có màu vàng, da cam.

Bổ sung vitamin A liều cao dự phòng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ; bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh; trẻ dưới 5 tuổi mắc các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng; trẻ 6-36 tháng tuổi theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất đến 24 tháng tuổi; thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Sắt: Chất quan trọng tham gia quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não, cho nên khi trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực. Sắt có nhiều trong gan, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim heo, mộc nhĩ, nấm hương.

Kẽm: Thành phần của hơn 300 enzym tham gia các hoạt động của cơ thể: tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Khi thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, dễ bị nhiễm trùng. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm: sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.

Iod: Chất cần thiết để tuyến giáp tổng hợp hormon giáp, giúp cho sự tăng trưởng của cơ thể, sự hình thành và phát triển của não. Trẻ thiếu iod từ trong bào thai sẽ bị tổn thương não nặng nề như đần độn và bị các khuyết tật thần kinh khác. Trẻ thiếu iod ở giai đoạn não phát triển nhanh, đặc biệt là dưới 2 tuổi, cũng gây hậu quả nặng nề. Trẻ em tuổi học đường nếu bị thiếu iod sẽ giảm chỉ số thông minh, thành tích học tập giảm.

Vitamin C: Chất có tác dụng giúp cho cơ thể chống ôxy hóa rất tốt, nó tham gia nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể như quá trình hình thành collagen, kích thích ruột non hấp thụ sắt. Nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng sưng nướu răng, dễ chảy máu, dễ mắc bệnh, trẻ mệt mỏi khi hoạt động. Vitamin C có nhiều trong: cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót, cà chua...

Vitamin D và canxi: Có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu vitamin D và canxi sẽ làm cho trẻ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm, nhất là mồ hôi đầu. Canxi có nhiều trong: tôm, cua, trai, ốc. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc tiếp xúc với ánh nắng và các thực phẩm như: dầu cá, trứng, gan.

Vitamin nhóm B: Có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, tạo máu và hỗ trợ hệ thần kinh khỏe mạnh. Khi thiếu vitamin nhóm B sẽ dẫn đến phù, da tay chân nóng và dễ viêm, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin nhóm B có nhiều trong gạo lứt, các loại đậu, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, sữa, pho mát.


BS. Minh Hòa
Ý kiến của bạn