Vị Bộ trưởng gần dân, xả thân vì nước

09-11-2018 20:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Đó là một buổi sáng mùa thu, năm 1962. Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch lên thăm Tây Bắc. Đưa ông thăm cơ sở Bệnh viện - Trường Y tế khu Tây Bắc ngày ấy (đặt tại bản Hẻo, thị xã Sơn La),

Cuộc gặp đầu tiên

Mùa thu năm 1957, chúng tôi đến thực tập tại Bệnh viện A (nay là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương), được gặp ông, khi ông làm Viện trưởng của bệnh viện này. Vào các buổi sáng trong tuần, ông dành thời gian đi thăm những ca bệnh nặng. Nhìn những gương mặt trẻ măng của chúng tôi, ông nở nụ cười thân ái, hỏi thăm việc học hành, sinh hoạt và căn dặn chúng tôi gắng học hành để phục vụ tốt sức khỏe nhân dân. Bên giường bệnh, ông hướng dẫn chúng tôi thao tác vỗ vùng lưng để giúp cho bệnh nhân long đờm, giúp người bệnh khạc đờm, giảm bớt khó thở. Ông dặn cho người bệnh được nằm ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi (tư thế Fowler) để dễ thở, đồng thời mát-xa thân thể bệnh nhân, giúp lưu thông tuần hoàn, xoay trở người bệnh đều đặn, phòng tránh loét mục. Với giọng nói ấm áp, ông chỉ ra các đường nách trước, nách giữa, nách sau, nơi chọc kim rút dịch màng phổi khi bệnh nhân bị tràn dịch, phân biệt màu sắc dịch (màu vàng chanh, dịch lẫn máu màu nâu đỏ, dịch lẫn mủ màu đục vàng để định hướng nguyên nhân gây bệnh do lao, u ác tính hay do vi khuẩn... mà tìm cách chữa phù hợp). Ông chỉ các điểm đặt ống nghe, phân biệt các loại rên khô, rên ẩm; các kiểu khó thở, cách nghe, gõ, sờ tìm hội chứng đông đặc, hội chứng tràn dịch..., đọc phim Xquang phổi tim, nhận biết những tổn thương. Gặp từng người bệnh, ông luôn thăm hỏi gia cảnh bệnh nhân, động viên họ yên tâm chữa bệnh, hợp tác cùng thầy thuốc và nhân viên phục vụ trong quá trình chữa bệnh. Người bệnh luôn cảm thấy ấm áp tình thương yêu quý trọng mỗi khi ông tới thăm hỏi, khám bệnh cho họ, tiếp cho họ niềm tin và nghị lực vượt qua bệnh tật, điều mà không một đơn thuốc nào viết nên được.

Những bài học sinh động bên giường bệnh năm ấy được truyền cảm hứng từ người thầy thuốc chuyên khoa lao lâu năm, giàu tâm huyết đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những năm tháng hành nghề sau này. Chúng tôi càng thêm kính trọng khi được biết ông là Bộ trưởng Bộ Y tế, còn kiêm nhiệm lãnh đạo bệnh viện này; nhiều thầy thuốc nơi đây từng quen biết ông ở Nam Bộ đã kể về thân thế, sự cống hiến (ông trải qua nhiều cương vị lãnh đạo trong kháng chiến chống Pháp) làm cho chúng tôi thêm cảm phục và quý trọng. Thật xúc động, bởi sau giờ làm việc, ông dùng bữa ăn đạm bạc, ngả lưng trên chiếc bàn làm việc rồi bắt tay vào công việc bộn bề của ngành, của đất nước. Ông tự tay lái chiếc xe ôtô hiệu Peugeot sơn màu trắng sữa đi thăm các cơ sở y tế Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận. Có lần, vào sáng chủ nhật tôi bất ngờ nhìn thấy ông dừng xe bên lề đường phố Quang Trung, tiếp nối với phố Lý Quốc Sư, ghé vào gánh bún ốc vỉa hè, gọi bát bún ốc rồi ngồi ăn tự nhiên như một người dân thường. Sau khi xe rời đi, tôi đến hỏi thăm bà cụ bán bún ốc, được bà kể lại là ông khách nói giọng miền Nam, hỏi han công ăn việc làm, sức khỏe và gia cảnh của bà, với lời động viên giao lưu thật chân tình. Bà ngạc nhiên xen lẫn cảm phục khi được tôi thông báo là ông khách đó là bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế. Bà rất xúc động khi được biết, ông được sinh ra ở miền đất võ Bình Định, cha mẹ mất sớm, nhưng được người chị gái cưu mang đùm bọc tạo điều kiện cho người em trai thông minh, giàu nghị lực có cơ hội đi tu nghiệp thành tài ở Pháp, tốt nghiệp hạng ưu, được Chính phủ Pháp giao cai quản một bệnh viện chuyên khoa lao, sau đó ông trở về nước mở phòng khám tư bệnh lao nổi tiếng, có thu nhập rất cao, tậu được nhiều ngôi nhà sang trọng và hàng nghìn mẫu ruộng ở đồng bằng Nam Bộ. Nhưng từ bỏ tất cả, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, trải qua nhiều cương vị quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Nam Bộ. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc và lãnh trọng trách mà Nhà nước giao cho...Bà rất xúc động khi được biết vợ ông là một nữ điều dưỡng người Pháp, phải sống xa chồng do chiến tranh, một tay nuôi dạy hai người con (một trai, một gái) trưởng thành, về lại sống ở nước Pháp bươn chải bằng nghề y trong sự kỳ thị của một số người bản địa, vì bà là vợ của một “trùm cộng sản”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch.

Gặp lại 5 năm sau

Đó là một buổi sáng mùa thu, năm 1962. Bộ trưởng Y tế lên thăm Tây Bắc. Đưa ông thăm cơ sở Bệnh viện - Trường Y tế khu Tây Bắc ngày ấy (đặt tại bản Hẻo, thị xã Sơn La), có đầy đủ các vị lãnh đạo: BS. Bạc Cầm Thiện, Giám đốc Sở Y tế khu Tây Bắc, BS. Hoàng Tá Sơn, Giám đốc Bệnh viện - Trường Y tế cùng các bác sĩ Phó Giám đốc Lưu Tê, Phan Trinh, Bí thư Đảng ủy Hoàng Việt Tước và lãnh đạo các khoa phòng. Ông đến thăm khu nội trú dành cho các học sinh dân tộc của trường, hỏi thăm cặn kẽ các em, động viên thầy trò gắng sức rèn luyện tay nghề, phục vụ thật tốt sức khỏe đồng bào các dân tộc. Ông đến thăm hỏi, động viên người bệnh và CBCNV từng khoa với tình cảm gần gũi ấm áp. Qua giới thiệu của BS. Bạc Cầm Thiện và Ban Giám đốc bệnh viện, ông rất vui khi biết chúng tôi là y sĩ khóa 7 - khóa dài hạn đầu tiên sau hòa bình 1954 có số lượng ra trường đông nhất. Ông vui vẻ kể lại rằng khi đến thăm nhiều cơ sở y tế trên miền Bắc, ông luôn gặp gỡ những khuôn mặt Y7 trẻ trung và hăng say công tác. Sau cái bắt tay nồng ấm siết chặt, ông thân mật vỗ vai chúng tôi và nói rằng trong báo cáo Tổng kết công tác Y tế năm 1962, Y7 sẽ được Bộ ghi danh để động viên kịp thời và nhắc nhở chúng tôi cần thông hiểu tiếng dân tộc và nắm được nền văn hóa các vùng miền để thuận tiện trong giao lưu và phòng chữa bệnh cho người dân. Những lời thăm hỏi động viên, căn dặn của ông rất cụ thể và thiết thực, với phong cách thân tình, giản dị không hề quan cách của Bộ trưởng đã giúp chúng tôi tự tin và ngày một trưởng thành trong công tác của mình.

Trong những năm 60 của thế kỷ XX, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đặc biệt quan tâm đến đội ngũ y tế cơ sở bằng nhiều chuyến công tác đến các vùng sâu, vùng xa, vạch kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ này; ông chú ý đến việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các bệnh phổ biến thời gian đó như bệnh bại liệt, mắt hột, bệnh tiêu chảy... nhờ đó, miền Bắc đã sản xuất thành công vắc-xin phòng chống bại liệt, thanh toán được căn bệnh này trong thời gian tương đối ngắn, Bộ Y tế đề ra chủ trương xây dựng 3 công trình (nhà tắm, giếng nước ăn hợp vệ sinh, hố xí 2 ngăn ở từng hộ gia đình ở nông thôn) hay làm hố xí tự hoại ở thành phố góp phần tích cực phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Nhìn trước được sự ác liệt của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Y tế chủ trương ngoại khoa hóa cơ sở y tế, cán bộ y tế được huấn luyện kỹ năng cấp cứu chiến thương nhằm khắc phục hậu quả của chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ sau này. Ông nghiên cứu và tổ chức pha chế thành công dung dịch NT9 có tác dụng tốt trong điều trị shock nội, ngoại khoa cho nhân dân và quân đội... Những ca mổ nong van tim, mổ gan thành công vào thời gian đó đã nâng cao tầm vóc nền y học nước ta trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của ông, ngành y tế đã ghi cột mốc quan trọng trong lịch sử y học nước nhà: Một nền y học dân tộc, khoa học, đại chúng đã được xác lập và phát triển mạnh mẽ rộng khắp ở miền Bắc, nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân sau những năm gian khó chiến tranh, góp phần dựng xây hậu phương lớn, chi viện mạnh mẽ nguồn lực cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch tiếp đón đoàn ngoại giao Pháp tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch tiếp đón đoàn ngoại giao Pháp tại Việt Nam.

Ông đã đi xa trong nỗi tiếc thương sâu sắc và tấm  lòng kính trọng của chúng ta!

Mùa đông năm 1968, ngành y tế nước ta đã phải gánh chịu một tổn thất nặng nề, người con của miền Nam “đi trước về sau” đã ra đi mãi mãi tại chiến trường Nam Bộ, do hai căn bệnh rất nặng là sốt rét ác tính và viêm phúc mạc mật. Gian khó của chiến tranh ác liệt và bệnh trạng cực nặng đã cướp đi mạng sống của ông. Một trong những chuyến công tác các tỉnh phía Nam, người viết có dịp đến thăm bác sĩ Thứ trưởng Y tế Đoàn Thúy Ba tại nhà riêng. Chị kể lại những kỷ niệm đẹp đẽ đối với miền Bắc ruột thịt, về tình cảm đồng nghiệp, đồng chí trong sáng và đặc biệt, chị nặng lòng rưng rưng nhắc lại tình cảm của Bộ trưởng, vào năm 1962 khi ông tiễn đoàn Bác sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam đến tận giới tuyến tạm thời Vĩnh Linh. Khi chia tay ông siết chặt tay từng người, dặn dò động viên nhiều điều khi vượt qua dải Trường Sơn dày đặc đạn bom, bệnh tật và thiên nhiên khắc nghiệt. Ông hẹn chắc chắn sẽ gặp lại các đồng nghiệp tại chiến trường miền Nam trong thời gian sớm nhất, vì đó là niềm ước vọng đau đáu vò xé ông suốt những tháng năm đã qua. Sau nhiều lần tha thiết đề nghị, ông được Nhà nước đồng ý cho trở lại miền Nam phục vụ chiến đấu.Trên chiến trường B2 Nam Bộ đầy hiểm nguy, ông cùng đồng nghiệp lao vào công cuộc chiến đấu trên mặt trận y tế, cứu chữa bộ đội, nhân dân vượt qua bệnh tật, chiến thương nặng nề. Gian khổ thiếu thốn của thời chiến đã làm sức khỏe ông suy giảm và căn bệnh nặng nề đã giáng xuống cuộc đời ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh không cầm nổi nước mắt, ngồi lặng hồi lâu khi nghe tin ông qua đời tại chiến trường Nam Bộ. Cuộc đời, tên tuổi với sự nghiệp vẻ vang mà ông để lại đã được nêu trong Điếu văn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trong Lễ tang được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Cả ngành y tế nước ta tuôn trào nước mắt tưởng nhớ ông với tấm lòng tôn kính sâu xa. Bạn bè quốc tế đã dành sự kính trọng chân thành và sâu sắc đối với ông.

GS.BS. Phạm Ngọc Thạch, Anh hùng Lao động, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khắc ghi những dòng chữ vàng son ngời sáng trong Biên niên sử của nền y tế cách mạng Việt Nam. Phẩm chất cao quý, tấm gương trong sáng, sự nghiệp vẻ vang của vị Bộ trưởng gần gũi với nhân dân, xả thân vì đất nước, mang tên PHẠM NGỌC THẠCH sống mãi trong tâm trí chúng ta!


Lâm Đức Hùng
Ý kiến của bạn