Vì Biển Đông - Trung Quốc có đánh Việt Nam không?

11-07-2014 18:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chỉ đến khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại Hoàng Sa - vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, nhiều người mới nói đến liệu Trung Quốc có đánh Việt Nam không?

Chỉ đến khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại Hoàng Sa - vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, nhiều người mới nói đến liệu Trung Quốc có đánh Việt Nam không?

Câu hỏi ấy bây giờ mới đặt ra là muộn, bởi từ ngàn năm nay Trung Quốc luôn nuôi mộng xâm lược Việt Nam và giấc mộng bá quyền. Trong những thập kỷ gần đây khi Trung Quốc thành công về kinh tế thì giấc mộng ấy lại càng trỗi dậy hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên nhìn đi nhìn lại xung quanh, Trung Hoa đại lục nằm vào cái thế không thể vươn ra vì phía bắc là con hổ Nga, phía tây là chú voi Ấn Độ, phía đông là nền kinh tế hùng mạnh Nhật Bản và Hàn Quốc lại có chung hiệp ước đồng minh quân sự với Hoa Kỳ. Muốn cựa mà không cựa nổi. Suy đi tính lại chỉ còn cửa phía nam là Biển Đông, biết là không phải của mình nhưng cứ liều thôi, cứ chơi bài lỳ may ra xơi được. Khốn nỗi, cả ngàn năm chỉ biết nội chiến huynh đệ tương tàn, khoanh vùng cát cứ lòng vòng trong cái chảo đại lục chứ biết gì đến biển. Cho đến tận thế kỷ 18-19 khi mà cuộc chiến tranh nha phiến từ phía biển đổ bộ vào đã dìm Trưng Hoa trong cơn phê mơ màng đến mất cả cơ đồ. Do vậy thời kỳ đó người Trung Quốc sợ biển đến mức coi như một sự huý kỵ, những ai nói đến biển với triều đình đều bị coi như phản quốc. Nhưng chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc rồi Trung Hoa giành được độc lập, Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời (1949) đã nghĩ ngay đến việc phải xâm chiếm Biển Đông.

Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại Hoàng Sa - vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại Hoàng Sa - vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 1956 họ đã ngang nhiên chiếm một phần Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó là các năm 1974 chiếm hoàn toàn Hoàng Sa, 1988, 1995 chiếm đảo Gạc Ma và đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay, các bước chuẩn bị đấu tranh quân sự của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam) lại vô cùng rầm rộ.

Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của các chuyên gia quân sự về cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt nếu quyết chiếm Biển Đông bằng hành động quân sự và có thể sẽ thiêu huỷ hoàn toàn hình tượng quốc tế “Hoà bình phát triển” mà Trung Quốc tạo dựng trong gần 20 năm qua. Hệ quả là sự cảnh giác của Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản và cả Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN) đối với Trung Quốc sẽ tăng cao. Nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các bước đi về phía Biển Đông một cách trắng trợn theo kiểu lấy thịt đè người và bỏ qua mọi sự đúng đắn của pháp lý Quốc tế. Với một suy tính đường cùng họ đã đặt lên bàn lựa chọn tại khu vực Biển Đông, hiện nay có ba nước tồn tại bất đồng lớn nhất với Trung Quốc về lãnh hải và hải đảo là Việt Nam, Philippines và Malaysia, trong đó Việt Nam là hàng đầu. Vì thế, khả năng bùng nổ xung đột quân sự tại khu vực biển Đông chỉ có thể là Trung Quốc tấn công quân sự đối với Việt Nam. Thế nhưng sự cuồng vọng đã làm cho Trung Quốc quên rằng gần đây hợp tác và trao đổi quân sự giữa Mỹ với ASEAN và Việt Nam đã có những bước tiến lớn, một khi Trung Quốc áp dụng hành động quân sự, dư luận và báo chí chính thức của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác sẽ đứng về phía Việt Nam. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản thậm chí còn cung cấp cho Việt Nam chi viện về tình báo và hậu cần quân sự cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, “Học thuyết quân sự mới” của Ôxtrâylia cho rằng biển Đông chính là “biên cương lợi ích” của Ôxtrâylia sẽ có cớ phát triển. Họ cũng quên một điều là một khi chiến tranh bùng nổ, sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự thành lập chính thức của tập đoàn “NATO biển Đông”, bước đi Nam tiến của Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cũng sẽ trở thành hiện thực và tạo ra căn cứ hợp pháp để Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp. Trung Quốc đang vẫn chỉ nhìn bề ngoài mà ỷ thế sức mạnh quân sự của họ có thể áp đảo Việt Nam, nhất là ưu thế về số lượng và chất lượng tàu mặt nước, tàu ngầm cỡ lớn. Thế nhưng, trên thực tế nếu như bùng nổ chiến tranh trên không và trên biển với Việt Nam, ưu thế sức mạnh quân sự không hẳn đã nghiêng về Trung Quốc. Bởi vì đặc điểm mới của chiến tranh kỹ thuật công nghệ cao với vũ khí tên lửa là không có khái niệm so sánh sức mạnh của nước mạnh, nước yếu. Theo đó, nước yếu dù có một số ít tên lửa hiện đại, trong chiến tranh trên biển và trên không, vẫn có thể dựa vào ưu thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa và lợi thế địa lý v.v. Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam mỗi khi dân tộc có hoạ xâm lăng chính là thứ vũ khí mà không dễ gì Trung Quốc có được.

Việt Nam và Trung Quốc đã đi qua chiều dài lịch sử với những thăng trầm về quan hệ bang giao. Người Việt Nam hiểu rõ lắm láng giềng, nhưng Việt Nam khao khát hoà bình, chỉ muốn yên ổn làm ăn. Vì thế mà sẵn sàng bỏ qua những hiềm thù nhưng không vì thế mà mất cảnh giác và lại càng “không vì tình hữu nghị viển vông mà đánh đổi chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng”. Nói rằng Việt Nam có sợ Trung Quốc không? Câu trả lời sẽ là Không và Việt Nam cũng đang sẵn sàng một khi 'không hòa bình' như là Trung Quốc đang làm để bảo vệ chủ quyền Quốc gia dân tộc. Và tất nhiên, Việt Nam không cô đơn trong cuộc chiến này.

Trịnh Đình Nghi

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

 

 
Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

 

 


Ý kiến của bạn