Hà Nội

Vị bác sĩ yêu trẻ

15-06-2014 06:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mối lương duyên với ngành y đến với bác sĩ Dũng hết sức tự nhiên. Nó cũng hồn nhiên và chân thành giống như con người của anh.

Vì một lý do ngẫu nhiên, anh học trò nhà quê Nguyễn Tiến Dũng đã trở thành bác sĩ (BS). Cũng vì cái duyên với nghề, anh rất gắn bó và yêu thương trẻ em. Yêu đến mức đam mê, không dứt ra được...

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhi.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhi.

Tự nhiên thành... bác sĩ nhi khoa

Đúng là “mối lương duyên” với ngành y đến với Dũng hết sức tự nhiên. Nó cũng hồn nhiên và chân thành giống như con người của anh. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nhưng Dũng học rất giỏi, đặc biệt là môn Toán. Chính vì học khá các môn tự nhiên nên anh thích thi vào Trường đại học Bách khoa. Nhưng rồi niềm mơ ước của Dũng đã không được thực hiện khi cô em gái út bị ốm nặng. Trong cơn hoảng loạn, bố Dũng bế em gái anh ra bến xe để bắt xe lên Hà Nội khám bệnh nhưng lại không có xe. Khi chuyển được em lên Bệnh viện (BV) Tâm thần T.Ư thì bé đã tử vong sau những cơn co giật và sốt cao triền miên. Sau khi em mất, cả nhà anh điêu đứng trong một thời gian khá dài. Rồi một hôm, bố Dũng gọi anh ra hè khuyên con đi học y. Không chút lưỡng lự, anh đã chọn ngành y theo nguyện vọng của gia đình.

Năm đầu tiên học trường y, Dũng không thấy hứng thú lắm. Nhưng sang năm thứ hai, anh bỗng thấy say mê với suy nghĩ “sau này ra trường có thể giúp được nhiều người bệnh nghèo”. Suy nghĩ tích cực đó đã khiến anh có động lực để lao vào học và anh học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội (năm 1979) với số điểm rất cao, Dũng tiếp tục học nội trú 4 năm tại BV Nhi T.Ư và trở thành học viên có số điểm tuyệt đối: 41 điểm (sau này cũng ít ai đạt được số điểm đó). Điều này ngay chính bản thân anh cũng không ngờ tới. Học xong nội trú, với số điểm cao như vậy, anh được lựa chọn khoa. Bản thân rất thích sản khoa, nhưng khi phải lựa chọn Dũng lại lăn tăn giữa nhi và sản. Suy đi, tính lại, BS. Dũng quyết định chọn nhi vì “sản không phải là bệnh”, mà anh thì lại mong muốn được chữa bệnh. Hơn nữa, thời đó mọi người có câu “Giỏi đi nhi, ngu si đi sản”..., vậy là anh “hồn nhiên” chọn khoa nhi.

Một ngày vất vả và đầy tận tâm của các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhi mắc sởi.

Một ngày vất vả và đầy tận tâm của các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhi mắc sởi.

... Sáng tạo trong công việc và yêu trẻ thơ

Cả khóa nội trú năm đó chỉ có hai người học nội trú nhi, vì thế, BS. Dũng quyết định về BV. Lúc mới đặt chân đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai, anh cũng hơi buồn vì cơ sở vật chất, trang thiết bị ở đây thiếu thốn nhiều. Với vai trò của một Trưởng Phòng cấp cứu, chuyên điều trị cho những bệnh nhân (BN) nặng, BS. Dũng đã phải mày mò, sửa chữa, tân trang lại các thiết bị cũ, hỏng, biến những thiết bị, máy móc dùng cho người lớn thành phương tiện cấp cứu cho bệnh nhi. Trường hợp đầu tiên mà BS. Dũng không thể quên được đó là trường hợp của BN mới 8 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc chống dị ứng dẫn đến ngừng thở. Nhìn đứa trẻ đã “tám phần chết, chỉ còn hai phần sống”, trong khi máy thở của trẻ con không có, BS. Dũng đã phải nghĩ ra cách nối thêm dây thở để tạo thành áp lực thấp sử dụng cho bệnh nhi. “Cái khó, ló cái khôn”, sáng kiến hữu ích của anh đã được lãnh đạo khoa đề nghị BV khen thưởng.

Cùng với trường hợp kể trên, cứu sống cả hai mẹ con sản phụ bị cúm A/H5N1 nhờ việc nhanh nhạy, sáng tạo trong việc sử dụng thuốc tamiflu cho người mẹ cũng là một trong những ca bệnh thành công ngoài sức tưởng tượng được giới chuyên môn đánh giá cao. Và cảm động, đáng khâm phục hơn là câu chuyện về đứa trẻ 7 lạng bị nhiễm trùng huyết được BS. Dũng và kíp cấp cứu Khoa Nhi, BV Bạch Mai cứu sống từ người mẹ bị suy đa phủ tạng. Vô cùng biết ơn các BS, bố đứa trẻ đã đặt tên con là Hoài Thương để nhớ mãi về kỷ niệm này...

Đặc biệt nhất phải kể đến trường hợp trẻ bị suy hô hấp do hít phân xu trong bụng mẹ. Đó là trường hợp một người nước ngoài lấy vợ là người Việt Nam. Trước đó, người cha đã liên hệ với BV Việt - Pháp nhưng bị từ chối. Nguy kịch quá nên ông ta đã chuyển con sang Khoa Nhi, BV Bạch Mai. Tuy nhận BN nhưng trong lòng BS. Dũng vô cùng lo lắng vì phải chịu áp lực cả hai phía (ông bố người Mỹ thì không tin tưởng vào các BS Việt Nam nên cứ thúc giục và đề nghị này kia, đồng nghiệp cùng khoa thì e ngại và khuyên chuyển BN sang BV Nhi T.Ư). Tuy nhiên, thấy BN đang trong tình trạng nguy kịch, với trách nhiệm của mình, BS. Dũng đã dồn hết sức vào việc cấp cứu BN, đồng thời tìm ra nguyên nhân của căn bệnh. Với những kinh nghiệm về chuyên ngành nhi và sự say mê với công việc, BS. Dũng đã xử lý ổn thỏa ca bệnh. Trong niềm hân hoan và sự thán phục khả năng và tài nghệ của các BS Việt Nam, trong cái xiết tay rất chặt, vị khách nước ngoài cảm động không nói lên lời...

Qua công việc của mình, BS. Dũng phát hiện mình rất yêu trẻ con. Không chỉ ngày ngày giao tiếp với những bệnh nhi, anh còn quan tâm đến những mối quan hệ liên quan đến những đứa trẻ. Từ đây, những chân trời kiến thức xã hội vô cùng phong phú mở ra trước tầm mắt anh và anh thấy hứng thú với điều đó. Nó cũng khiến anh lạc quan, yêu đời hơn và trẻ mãi... “Có khi đang đi ngoài đường, ra nước ngoài, đi lễ... cũng có người chào BS. Dũng. Có những gia đình cả ba thế hệ đều được mình khám cho. Từ những người lái xe ôm đến các GS, TS cũng ngưỡng mộ mình vì đã cứu chữa cho con em của họ. Điều đó đã động viên, cổ vũ tinh thần mình rất lớn. Yêu thương con người và được mọi người yêu thương mình - đó là điều hạnh phúc nhất!” - BS. Dũng chia sẻ.

Thích đi thực tế, mê nghiên cứu khoa học và “truyền lửa” cho thế hệ kế cận

Từ thực tế hoạt động điều trị, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng vô cùng trăn trở trước tình trạng quá nhiều trẻ em chết vì bệnh viêm phổi, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do các ông bố, bà mẹ đưa con đến BV quá muộn. Làm thế nào để họ đưa con đến khám và điều trị sớm hơn, giảm tỷ lệ tử vong là mong muốn của anh cũng như các chuyên gia y tế lúc bấy giờ (khoảng những năm 1990-1991). May mắn, thời điểm đó các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới sang giúp Việt Nam phòng, chống nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ em, BS. Dũng đã đăng ký tham gia chương trình này. Bên cạnh việc tìm ra các hướng đi mới trong lĩnh vực điều trị, anh còn lặn lội cùng đoàn chuyên gia đến các bản làng dân tộc, vùng sâu, xa, hải đảo để hỗ trợ y tế tuyến dưới tập huấn, giám sát điều trị bệnh, đặc biệt tuyên truyền làm thay đổi suy nghĩ của người dân về cách phòng bệnh, trị bệnh, nhờ đó cứu sống được rất nhiều ca bệnh, không phải chuyển lên tuyến trên.

Sau thành công của chương trình hô hấp, BS. Dũng còn tham gia thực hiện nhiều dự án khác về y tế, trong đó có Dự án kháng kháng sinh. Anh cho biết, tình trạng lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh bừa bãi trong điều trị của các BS và người dân là rất phổ biến. Lý do chính là họ không hiểu biết sự nguy hại của việc làm này. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về kháng kháng sinh, từ đó sử dụng kháng sinh an toàn và hợp lý là mục tiêu mà dự án hướng tới.

Là một trong những người được đánh giá là yêu nghề và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, nhưng BS. Dũng không bao giờ giấu nghề mà luôn dạy dỗ và mong muốn “truyền lửa” cho các học trò thân yêu của mình. Theo BS. Dũng, giáo dục y tế là phải nhìn về cội nguồn. Y tế cũng phải gắn với tri thức và quy cách ứng xử của con người. Với quan niệm: “Cái gì cũng phải trải qua giáo dục chứ không phải tự nhiên mà có”, BS. Dũng không chỉ giáo dục các sinh viên về cách thức ứng xử, về lòng yêu thương con người, đặc biệt là người bệnh nghèo mà còn khuyến khích các em phải đi thực tế thật nhiều, nhất là các vùng sâu, xa để xem điều kiện làm việc ở đó như thế nào, từ đó hiểu và thích nghi với những điều kiện thực tế cụ thể, cho dù là khó khăn và thiếu thốn nhất.

Bản thân có tất cả những tố chất của một người thầy thuốc - mẹ hiền nên anh cũng thường xuyên giảng giải cho sinh viên, các bác sĩ trẻ hiểu để có những cư xử đúng mực với BN, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong lĩnh vực khám chữa bệnh, tuân thủ các quy định của pháp luật trong mọi lĩnh vực cũng như chuyên môn. Cùng với đó, anh còn truyền đạt cho học trò của mình những kinh nghiệm sống, thái độ phản ứng nhanh trước từng tình huống, đặc biệt là tính sáng tạo và tâm lý vững vàng trước mọi sự kiện, bởi với anh: “Học không bao giờ là đủ và không bao giờ thừa!”.

Mãi gắn bó với bệnh nhi

Sau những thành công trong việc nâng cao nhận thức và hạ thấp tỷ lệ lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng và các BS , năm 2000, BS. Dũng tiếp tục đề xuất thiết lập hệ thống sản - nhi, dựa trên thế mạnh của một BVĐK hạng đặc biệt, nhờ đó cứu sống được rất nhiều em bé chẳng may bị mắc bệnh nặng từ lúc lọt lòng mẹ. Mô hình này được Bộ Y tế đánh giá rất cao và được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố (BV Nhi Ninh Bình; BV Sản - Nhi Bắc Giang; BVĐK Hà Nam; Sơn La; Hòa Bình; Bắc Kạn...). Là một BS chuyên khoa nhi, BS. Dũng luôn nung nấu ước mơ triển khai chương trình chẩn đoán trước sinh tại BV, để hạn chế đến mức thấp nhất những ca bệnh bẩm sinh khó phát hiện và tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh.

Không ngại khó, ngại khổ..., dù đã ở trên cương vị quản lý từ rất lâu rồi nhưng BS. Dũng chưa bao giờ rời bỏ chuyên môn, bởi với anh các bệnh nhi đã trở thành máu thịt của mình. Anh cho biết, anh sẽ mãi gắn bó với các bệnh nhi đến khi nào BV không còn trọng dụng mình nữa thì thôi. Cũng bởi sự “đắm say” với công việc mình đã chọn, lúc dịch sởi đang bùng phát dữ dội nhất, BS. Dũng không rời “trận chiến” nửa bước. Chứng kiến những bữa trưa đạm bạc của anh (khi thì vài cái bánh ngọt; mấy miếng giò, vài ba cái xúc xích...), tôi mới hiểu anh bận rộn và yêu nghề đến độ nào. Cũng bởi yêu nghề và gắn bó với BN, anh mới thẫn thờ mỗi khi không cứu được ca bệnh quá khó và đầy hứng khởi khi giúp một BN thoát khỏi vòng tay của tử thần. Đó cũng là lý do khiến anh phải trăn trở, mày mò đêm ngày để tìm ra những giải pháp tối ưu giúp BN trở lại với cuộc sống. Đặc biệt, BS. Dũng rất lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống. Có lẽ đó là lý do chính khiến anh “trẻ mãi không già” và say mê với chuyên khoa không chỉ khó, khổ, mà không phải ai cũng thích. 

Đoan Trang


Ý kiến của bạn