(SKDS) - Bận luôn chân luôn tay nhưng nhiệt tình, ân cần, thân thiện… - đó là điều mà mỗi bệnh nhân đến khám ở Phòng khám đa khoa Sinh Hậu (phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) của bác sĩ Nhâm Văn Sinh cảm nhận được.
“Vị cứu tinh” SH-91
“Phải khẳng định thuốc chữa bỏng của tôi là tốt nhất ở Việt Nam. Tôi muốn nó sẽ được phổ biến rộng hơn nữa, giúp cho nhiều bà con được điều trị một cách tốt nhất”, bác sĩ Nhâm Văn Sinh sốt sắng vừa tâm sự, vừa thay băng cho một bệnh nhân bị bỏng nặng, hiện đang được ông điều trị tại phòng khám.
Suốt cả cuộc đời, ông Sinh vừa làm việc cần mẫn, vừa nghiên cứu để tìm ra phương thuốc chữa bỏng tốt nhất cho bệnh nhân kém may mắn. Vào năm 1989, ông đã chế tạo ra máy bơm hơi tháo lồng ruột trẻ em. Công trình này đã được Nhà nước công nhận, được Bộ Y tế cho phép sử dụng toàn quốc, Cục Sáng chế cấp bằng độc quyền, giải pháp hữu ích và đạt Huy chương Đồng trong Triển lãm Kinh tế - Kỹ thuật năm 1990 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.
Song song với việc nghiên cứu này, ông nghiên cứu ra thuốc chữa bỏng, có tên SH-91, cũng chính là đề tài ông làm luận án tiến sĩ có tên “Nghiên cứu tác dụng, điều trị tại chỗ vết thương bỏng và vùng lấy da của thuốc SH-91 bào chế từ cây bòn bọt và cây hoa dẻ”. Đây là công trình để đời của ông. Tất cả những dược liệu để bào chế thuốc này đều có ở trong nước. Ngay cả giáo sư, tiến sĩ Lê Thế Trung (Viện Quân y 103) cũng công nhận điều đó. “Nhưng có lẽ đó là sự tích hợp của vốn sống, kinh nghiệm, sự bền bỉ và may mắn”, vị giáo sư chia sẻ.
“Hiện tại, trên thế giới tôi chưa thấy loại nào có tác dụng tốt nhất mà chỉ có mỗi kháng khuẩn. Người bị bỏng đau đớn đã đành, lại tiết huyết tương quá nhiều dẫn đến mất nước và rất dễ nhiễm khuẩn. Thuốc SH-91 được chứng minh bằng khoa học là có tác dụng kháng khuẩn tốt, thậm chí còn kháng tốt hơn một số loại tốt nhất ở Mỹ hiện nay. Nếu bôi thuốc này vào người bị bỏng, chỉ ít phút sau là giảm đau ngay! Nó góp phần giảm tử vong, giảm tàn tật!”, ông Sinh tự hào giới thiệu. Đôi mắt ông ánh lên niềm tin, niềm tự hào và hừng hực lửa cống hiến.
Vậy nhưng, ông Sinh cũng gặp phải một vướng mắc là ngay chỉ ở Vĩnh Phúc, với một loại thuốc tốt như vậy, phải mất 20 năm mới đến được với bà con, được bà con tin tưởng. Giờ bệnh nhân rất đông, nhưng ông Sinh ngại là sức khỏe có hạn, để loại thuốc này được dùng trong nhiều tỉnh thành khác, cần có rất nhiều thời gian. Có thể nói, thành công mà SH-91 mang lại khiến không ít bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân bỏng nhắc đến ông như thể “vị cứu tinh” của mình.
Ví như bệnh nhân Phạm Văn Trung (xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên) bị bỏng nặng đã được bác sĩ Sinh cứu chữa. Ông Trung tâm sự: “Tôi bị ngã xuống hố vôi khi đang tôi vôi, bị bỏng nặng toàn thân, có chỗ độ 3, độ 4. Sau khi sơ cứu, bệnh viện yêu cầu gia đình đưa tôi về Hà Nội điều trị. Vì quá nghèo, nếu phải về đấy thì tốn kém lắm. Gia đình quyết định đến nhờ bác sĩ Sinh và đã được ông tận tình giúp đỡ. Sau chừng 1 tháng điều trị, tôi đã khỏe trở lại, không cần cấy ghép da. Rồi ông còn đưa tôi về, hàng tuần vẫn đến thăm khám cho tôi với tinh thần vô tư…”.
Sống để làm việc tốt
Hàng chục người đã được ông Sinh cứu giúp, trở về trong niềm biết ơn vô hạn, bởi nếu không có ông thì họ sẽ tốn kém hơn mà chẳng biết kết quả có được khả quan như vậy. Trong tinh thần “chiến thắng” như vậy và để có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người bệnh, vào cuối năm 2007, Phòng khám đa khoa Sinh Hậu được thành lập do bác sĩ, tiến sĩ Y khoa Nhâm Văn Sinh làm Giám đốc. “Tôi về hưu năm 2005 nhưng thấy mình còn sức, còn làm được việc. Nghề gì chứ với nghề y, càng có tuổi thì càng có kinh nghiệm. Nếu mình không cống hiến thì những điều đó trở nên phí phạm. Hơn nữa, duyên nợ của tôi với nghề còn rất nhiều”, bác sĩ Sinh chia sẻ.
Bác sĩ Nhâm Văn Sinh điều trị cho bệnh nhân bỏng. |
Mở phòng khám, ông cũng mời nhiều bác sĩ, y sĩ, y tá tuyến tỉnh giàu kinh nghiệm về làm việc, cộng với nhiều trang thiết bị hiện đại, phòng khám đa khoa Sinh Hậu hiện nay là một địa chỉ tin cậy với người dân trong vùng. Trung bình mỗi ngày tại đây khám và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bao gồm cả bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế và bệnh nhân không có bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, đây là một địa chỉ tin cậy trong việc cấp cứu và điều trị bệnh nhân bỏng. Mặc dù đầu tư khá nhiều kinh phí để mua trang thiết bị đầu tư cho phòng khám nhưng bác sĩ Sinh không chú trọng việc kinh tế để “sớm thu lại vốn” mà luôn đặt sức khỏe của người bệnh lên trên tất cả. Phương châm của ông là “Khám bệnh theo chẩn đoán của thầy thuốc” để giảm tới mức thấp nhất kinh phí cho người bệnh.
Ông khẳng định: “Chúng tôi luôn lắng nghe lời kể của bệnh nhân, khám tỉ mỉ, thận trọng để đưa ra kết luận chính xác, phác đồ điều trị phù hợp để giảm tối đa chi phí trong việc điều trị. Đối với những bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên, người nghèo, người tàn tật, cơ nhỡ, người bị bệnh động kinh… được miễn phí 100% chi phí khám bệnh. Các bệnh nhân bị bỏng cũng được giảm chi phí điều trị tùy diện tích tổn thương”.
Khi tôi hỏi các phòng khám khác đều chú trọng lợi nhuận, vậy ông có sợ bị các phòng khám khác tẩy chay? Ông Sinh nghiêm khắc cho biết, đã làm việc tốt thì không sợ gì cả. Người nghèo đã khổ, mắc bệnh càng khổ hơn. Lại khổ hơn nữa nếu bị “chặt, chém” bởi các phòng khám tư. Nếu ai cũng “bao vây” bệnh thì chẳng biết những người nghèo tận cùng xã hội sẽ sống ra sao (?!) Cứ như thế, những phận người mắc bệnh éo le, vất vả, cùng khổ khi đến với bác sĩ Sinh đều được ông cùng các nhân viên tận tình, ân cần, thân ái.
Nhiều bệnh nhân bị bỏng sâu, bỏng toàn thân trong quá trình điều trị vừa đau đớn vừa ngứa ngáy không chịu được đã tự tháo bỏ thuốc để gãi, không chịu hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị, song ông không tỏ thái độ cáu gắt, bực bội mà vẫn ôn tồn động viên để băng bó lại vết thương cho bệnh nhân.
Hiện tại, phòng khám Sinh Hậu có tất cả 40 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, trong đó, ông cũng tạo điều kiện dạy nghề cho một số anh em trẻ, nuôi ăn, ở. Số y sĩ được ông đào tạo là 11 người. Với bệnh nhân, ông luôn ân cần, với cấp dưới, ông luôn nhẹ nhàng bảo ban. Họ cũng được ông căn dặn, luôn giữ tinh thần, cái tâm trong sáng, giữ tròn cái đức của người thầy thuốc. Ngoài ra, bác sĩ Sinh còn thầm lặng làm từ thiện. Ví như cấp học bổng cho con nhà nghèo học giỏi trong khu vực, ủng hộ người dân vùng lũ, ủng hộ 8 đội xe tình nguyện viên, xe ôm CTĐ thuộc các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, TP. Vĩnh Yên toàn bộ tiền mua bông băng và thuốc sơ cấp cứu ban đầu phục vụ chuyên môn.
Xuất thân từ gia đình nghèo, ước mơ làm bác sĩ để giúp người, ông Nhâm Văn Sinh đã được toại nguyện. Bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu gian nan vất vả để “trụ” lại với nghề và trở thành cha đẻ của phương thuốc chữa bỏng đặc hiệu, ông vẫn không nguôi những khát vọng. Khát vọng đó không phải làm giàu mà “gia đình bác sĩ” Nhâm Văn Sinh muốn trồng cây phúc, để đời có thêm bóng mát, để người nghèo bớt khổ, người bệnh bớt đau. Điều đó thật đáng quý!
Đinh Thùy Vân