Vị bác sĩ 20 năm kiên trì chữa bệnh tự kỷ cho con

01-12-2018 07:21 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - 20 năm trước, phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường, đi khám bệnh cho con ở những bệnh viện khác nhau thì chỉ có một kết luận chung chung là “thần kinh cháu không bình thường”, anh Đinh Văn Bích (cũng là một bác sĩ) đã dấn thân vào một hành trình dài chạy chữa cho con.

Sự kiên nhẫn tận cùng

“Một căn bệnh lạ, thậm chí trong y văn hồi đó chưa hề nhắc tới”, anh Bích nhớ lại: “Cháu Đinh Đỗ Đức Trọng con trai tôi khi được hơn 1 tuổi thì phát triển bình thường, nói và hát được theo người lớn. Nhưng đến 3 tuổi thì cháu câm nín dần”. Gia đình đưa con đi châm cứu, cứ châm 2 tuần thì về nhà nghỉ 2 tuần, kéo dài liệu trình điều trị cả năm, Trọng vẫn không nói được.

Anh Đinh Văn Bích khám bệnh cho các cháu tự kỷ tại trung tâm.

Anh Đinh Văn Bích khám bệnh cho các cháu tự kỷ tại trung tâm.

Năm 2003, Trọng đến tuổi vào lớp 1 nhưng do con vẫn không nói được nên anh Bích đưa con tới Bệnh viện Bạch Mai khám. Sau khi khám cho con, đã chẩn đoán: Trọng bị rối loạn nhân cách, chậm ngôn. Bác sĩ cũng đưa ra liệu trình điều trị nhưng không kết quả.

Anh Bích buồn lắm, là một người trong ngành y mà bó tay trước bệnh tình của con mình thì thực khổ tâm và không thể đành lòng. Tìm kiếm nhiều nguồn thông tin khác, anh nhận ra rằng, hình như xã hội chưa hề quan tâm đến một thứ bệnh lạ mà Trọng mắc phải. Dẫu vậy, anh tự nhủ lòng mình, rằng phải kiên nhẫn thôi.

Cho tới năm 2005, một số bác sĩ tu nghiệp từ Pháp, Mỹ về mới đưa ra khái niệm bệnh tự kỷ và lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Qua đó, anh Bích biết được những gia đình có con đồng bệnh. Họ tìm cách liên lạc với nhau để chia sẻ thông tin, mách cho nhau những địa chỉ điều trị, những phương pháp mới hỗ trợ cho con. Đó là năm 2007, khi Trọng lên 10 tuổi, anh Bích đã quyết định đưa con trai tới Trung tâm Hy vọng - một trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ để chữa cho con. Mặc dù chi phí để được điều trị ở trung tâm này khá cao nhưng anh chứa chan hy vọng vì đây là lần đầu tiên anh tìm được một nơi chuyên nghiệp về trẻ tự kỷ để gửi gắm con mình. Thật mừng khi Trọng có những tiến bộ trong ăn uống, tự vệ sinh cá nhân, bớt phá phách.

Do chi phí chữa bệnh cao, cộng thêm việc anh Bích thường xuyên phải nghỉ việc để từ Quảng Ninh lên Hà Nội với con nên kinh tế gia đình suy kiệt. Mọi nguồn thu chính chỉ từ việc chạy chợ của vợ anh. Cuối cùng, sau 2 năm ở Trung tâm Hy vọng, anh Bích đành đón con về nhà.

Ở nhà, anh kiên trì tự dạy dỗ con trai. Sau đó, anh mạnh dạn xin cho con vào học trường phổ thông. Trọng khá thông minh, cũng nhớ được mặt chữ, đọc và nói được tuy không nhiều. Nhưng rõ ràng cách ứng xử của con khác hẳn với các bạn trong lớp nên mỗi khi con đọc thì bị các bạn nhại lại và cả lớp cười ồ lên. Các bạn trong lớp về nhà kể với bố mẹ về một bạn học không bình thường là Trọng. Do đó, các phụ huynh khác gặp cô chủ nhiệm phản đối việc để Trọng học cùng con của họ, sợ rằng sẽ ảnh hưởng không tốt tới con họ. Cô giáo và nhà trường cũng e ngại Trọng sẽ làm ảnh hưởng tới thành tích thi đua của lớp, trường nên vận động anh Bích thông cảm, cho con nghỉ học.

Rất thất vọng, nhưng anh Bích đành chấp nhận đưa con về nhà tự dạy học. Vừa dạy con, anh vừa để ý tìm kiếm những môi trường khác dành riêng cho trẻ tự kỷ để mong có thể gửi con tới học. Khi Trọng 15 tuổi, anh Bích tìm được một lớp học cho trẻ tự kỷ, quy mô nhỏ tại Hà Nội. Anh lại khăn gói đưa con lên Hà Nội gửi vào lớp. Ở đây, Trọng đã được học đọc, viết, làm các phép toán đơn giản. Chưa kịp mừng thì sau 6 tháng, anh Bích lại phải đón con về nhà do lớp đóng cửa vì quá khó khăn, thu không đủ bù chi.

Nhiều đêm thức cùng con trai, nhìn con ngày một cao lớn, anh Bích cố gắng gạt bỏ những tuyệt vọng. Chắc ông trời còn muốn thử thách thêm nữa đây. Nếu còn sức lực, anh sẽ còn đồng hành với con, tìm bằng được một người thầy đích thực cho con, tìm bằng được một thế giới dành riêng cho con. Anh tin rằng, chỉ cần mình kiên tâm đi tìm, rồi nhất định sẽ tìm được.

Tại gia đình, anh vừa đi làm, vừa tìm cách dạy con học. Sau giờ làm việc, anh xoay trần ra dạy con, 2 bố con cùng tập đọc, tập viết. Trong nhà, nơi bàn học dày lên những mẫu chữ viết anh làm ra để dạy con. Từng chữ đơn giản nhưng cũng phải lặp đi lặp lại hàng trăm lần, mà con vẫn khó nhớ. Mỗi lần đưa mẫu chữ cũ ra hỏi con, nhìn nét mặt ngơ ngơ của con, bàn tay anh Bích muốn xuôi xuống. Nhưng anh tự dặn mình không được phép từ bỏ. Anh cần mẫn xóa từ “chấp nhận, buông xuôi” trong từ điển của mình. Anh sẽ tiếp tục đồng hành với con, cho dù chẳng có một dấu hiệu nào mới xuất hiện.

Đinh Đỗ Đức Trọng (áo trắng) luyện tập tại trung tâm.

Đinh Đỗ Đức Trọng (áo trắng) luyện tập tại trung tâm.

Đồng hành cùng tiến bộ của con

Đầu năm 2018, anh Bích quyết định nghỉ hưu trước thời hạn. Anh muốn dành nhiều thời gian cho con trai. Bằng linh cảm của người cha, anh thấy rằng, đây là thời điểm quan trọng đối với con anh và anh cần đầu tư tất cả tâm sức, thời gian của mình cho con.

Qua một nguồn thông tin, anh tìm được chị Hà - một chuyên gia về tự kỷ để đăng ký cho Trọng vào học lớp phục hồi trí tuệ. Học 1 cô giáo/1 trò. Học phí khá cao, lên tới 1 triệu đồng/1 giờ. Trọng cũng có một số tiến bộ như biết chào hỏi, tươi cười, thích nói chuyện với bố mẹ hơn. Nhưng sau một thời gian ngắn thì cơ sở của chị Hà lại bị đóng cửa.

Một lần nữa, người cha lại đón con về nhà, vừa dạy con, vừa tìm kiếm nhiều kênh thông tin khác nhau, những mong điều kỳ diệu sẽ đến và anh sẽ tìm được người thầy đích thực cho con trai, dạy dỗ và hướng cho con anh đi đúng con đường để phát triển theo cách riêng của con. Từng ngày trôi qua, anh Bích càng thấu hiểu, rằng khi sinh con trai thì cuộc đời của anh đã thay đổi hẳn, chính con trai anh đã tạo nên số phận của anh và anh tự nguyện sống với số phận đó, không vì điều gì khác, ngoài tình yêu thương vô bờ bến mà một người cha có thể dành cho con trai mình.

Vào dịp lễ 30/4/2018, trong lúc xem tivi, anh Bích xem được một chương trình về trẻ tự kỷ được huấn luyện theo cách đặc biệt tại Trung tâm Tâm Việt. Điều gây ấn tượng với anh là việc TS. Phan Quốc Việt - người sáng lập Tâm Việt đã huấn luyện được 2 em nhỏ tự kỷ thành kỷ lục gia với thuật xiếc phối hợp 3 kỹ thuật khó: đi xe đạp 1 bánh (hoặc đứng trên con lăn), đội chai nước cân bằng trên đầu và tung hứng nhiều bóng. Hình ảnh đó thực sự gây chấn động. Ngay lập tức, anh Bích quyết định tìm đến Tâm Việt để tận mắt thấy những gì đang thực sự diễn ra ở đây. May mắn thay, anh gặp được TS. Phan Quốc Việt, anh đã bị thuyết phục hoàn toàn, tin tưởng vào triết lý khác biệt của TS. Việt và xin cho con trai được nhập học tại trung tâm.

Ngày con nhập học cũng là ngày bố Bích rời nhà ở Quảng Ninh để đến sống tại trung tâm với vai trò là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các con tự kỷ. Anh Bích với chuyên môn ngành y đã tự nguyện làm việc không thù lao tại trung tâm này với mong muốn lớn nhất là được gần con trai, được tận mắt thấy con tiến bộ từng ngày, đồng hành cùng con trong mỗi thay đổi và bên cạnh đó, anh được làm việc thiện, cống hiến sức lực và chuyên môn y học của mình chăm sóc cho các cháu tự kỷ khác.

Anh Bích cũng kêu gọi được một nhóm bác sĩ tình nguyện khám bệnh định kỳ cho các em nhỏ tự kỷ tại trung tâm. Bản thân anh hàng ngày ăn ngủ cùng các con, cấp cứu những con lên cơn động kinh bất thình lình, băng bó cho một vài con bị trầy xước chân tay, chăm nom săn sóc những cơn trái nắng trở trời cho các con...

Nhìn con trai mỉm cười hạnh phúc, luyện tập chăm chỉ và đã đi được xe đạp 1 bánh, đi tiến đi lùi đều được, vừa đội chai nước trên đầu cân bằng, vừa tung hứng 3 bóng, anh Bích thấy mình cuối cùng đã được nhận “phần thưởng”. Không những vậy, khi đã thành thục kỹ năng thì Trọng cũng rất chịu khó giúp đỡ tập luyện cho các bạn và em nhỏ khác để cũng làm được như mình, biết cách ứng xử tốt với các em cũng như với các thầy cô trong trung tâm. Anh Bích đã có được niềm tin rằng, con trai anh được sinh ra trên đời này là có ý nghĩa riêng, có vị trí riêng. Biết đâu, Trọng sẽ phát triển tốt nhất trong môi trường dành riêng cho mình và trong tương lai không xa, sẽ tiếp bước người thầy của mình, trở thành một huấn luyện viên cho các em nhỏ tự kỷ khác. Và anh dè dặt hy vọng về một bước phát triển cao hơn, khi Trọng đã trở thành một huấn luyện viên thành thục, anh sẽ tiếp tục đồng hành cùng con trên một hành trình mới, về Quảng Ninh quê hương mở ra một trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ, để Trọng có thể lan tỏa được câu chuyện thành công của con, giúp được nhiều trẻ tự kỷ khác phát triển và sống có ích như con.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn