Với hơn 3.500 tác phẩm ban đầu của 1.382 tác giả trong cả nước gửi về tham dự, Ban Tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã lựa chọn 497 tác phẩm (điêu khắc, sắp đặt, hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art...) của 483 tác giả để trưng bày tại Hà Nội. Đây là sự kiện mỹ thuật lớn nhất Việt Nam, đồng thời là cơ hội để đông đảo người yêu nghệ thuật có dịp tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật mới, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, góp phần tạo thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận các tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Tác giả bộ điêu khắc gốm Đông về chia sẻ về việc mất 1 bức tượng, tượng bị vỡ tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 gần đây.
Không thể phủ nhận những giá trị mà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 vừa qua đem lại, tuy nhiên sự kiện này cũng có “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đầu tiên là họa sĩ Nguyễn Quốc Huy bức xúc với Ban Tổ chức do để tác phẩm sơn mài Địa linh nhân kiệt của ông sáng tác “dính” 5 vệt xước sâu và dài, mất đi giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã rút tác phẩm khỏi triển lãm. Đây là sự việc đầu tiên diễn ra tại một sự kiện mỹ thuật quy mô, tầm cỡ nhất nước ta từ trước đến nay.
Cùng cảnh ngộ, họa sĩ Cao Nam Tiến có tác phẩm sơn dầu Bé Uyên Minh - chân dung con gái mình - được trưng bày tại triển lãm. Niềm vui và niềm tự hào ngắn chẳng tày gang khi họa sĩ Cao Nam Tiến có mặt ở triển lãm, thấy bức tranh của mình bị 2 vệt xước ngang và dọc khoảng từ 12-40cm, sâu tới lớp sơn dầu. Tương tự, tác phẩm Bình yên của họa sĩ Lê Văn Lương cũng bị xước một vệt dài khoảng 10cm. Trong khi đó, bộ tác phẩm điêu khắc gốm Đông về của điêu khắc gia Triệu Ngọc Thạch ban đầu gồm 7 tác phẩm chứa đựng cảm xúc về tình yêu với những người mẹ, khi được trưng bày tại triển lãm thì tác giả phát hiện đã mất 1 bức tượng. Điều này ảnh hưởng đến tính toàn vẹn cũng như thông điệp mà tác giả gửi gắm. Chưa kể, tác giả Triệu Ngọc Thạch còn thấy một trong số bức tượng còn lại bị vỡ.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định, lỗ hổng lớn của hoạt động tổ chức triển lãm trong nước là không có đơn vị vận chuyển, trưng bày chuyên nghiệp. Khi không có bộ phận, nhân công chuyên nghiệp thì họ thường coi các tác phẩm nghệ thuật là hàng hóa bình thường. Thêm nữa, các họa sĩ không ai tham gia bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật của mình nên khi gặp những sự cố kể trên, tác giả chẳng biết kêu ai. Trước những hư hại về tác phẩm kể trên, Ban Tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 cho biết đã thông báo, xin lỗi, thỏa thuận làm việc với các tác giả sau khi triển lãm kết thúc. “Tác phẩm bị hỏng, chúng tôi cũng rất đau xót. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vào những dịp triển lãm sau” - đại diện Ban Tổ chức cho biết.
“Khi xảy ra sự cố, họa sĩ là người chịu tổn thương tinh thần lẫn tổn thất về tài chính. Thế nên, Ban Tổ chức nên thực sự tâm tư cùng họa sĩ, cách làm chuyên nghiệp hơn để những kỳ triển lãm tiếp theo các họa sĩ yên tâm trao gửi đứa con tinh thần của mình” - họa sĩ Cao Nam Tiến chia sẻ. Nếu những “vết xước” trên được khắc phục, tin chắc rằng triển lãm sẽ thực sự trở thành ngày hội mỹ thuật của nước nhà, đáp ứng được sự kỳ vọng và háo hức của giới nghệ sĩ, khán giả yêu nghệ thuật tạo hình.