1. Oxy già có tác dụng gì với vết thương?
Từ trước tới nay, dung dịch oxy già được sử dụng trong y tế để sát trùng vết thương hiệu quả. Thuốc có tác dụng làm sạch, sát khuẩn vết thương ngoài da bị loét, có mủ, làm sạch răng miệng trong điều trị viêm răng, miệng cấp (súc miệng khử mùi, làm sạch ống chân răng và các hốc tủy…).
Tuy nhiên ở mỗi trường hợp cần dùng với nồng độ oxy già khác nhau. Chẳng hạn, với các vết thương ngoài da nồng độ cho phép sử dụng sát trùng vết thương trên da là 3%. Nếu sử dụng oxy già 5% có thể gây cháy da khi tiếp xúc. Vì vậy, nếu sử dụng oxy già không đúng, càng khiến vết thương nặng hơn.
2. Trường hợp nào không nên sử dụng oxy già?
Khá nhiều trường hợp bị trầy xước ngoài da đã sử dụng oxy già mỗi ngày để sát trùng vết thương, nhưng vết loét ngày càng rộng, sâu hơn, không lành dẫn đến đau nhức nhiều hơn.
Như chúng ta đã biết, oxy già có tính sát khuẩn, tức là giết vi khuẩn và làm sạch vết thương, nhưng đồng thời nó cũng làm tổn thương các mô lành và làm chậm lại quá trình lành da. Chính vì thế, những trường hợp sau đây nên tránh sử dụng oxy già:
- Vết thương hở, không có mủ: Khi mới bắt đầu bị thương có thể dùng oxy già để làm sạch vết thương. Nhưng sau đó không được sử dụng tiếp, vì oxy già làm tổn thương cả những tế bào da khỏe mạnh, khiến cho quá trình lành vết thương diễn ra chậm hơn.
Tốt nhất là rửa vết thương bằng nước thật sạch (hoặc nước muối sinh lý). Sau đó thấm khô, bôi thuốc mỡ và băng gạc sạch.
- Vết thương đang lên da non: Khi vết thương đang lên da non thì vùng da này rất dễ bị bỏng, tổn thương. Do đó nếu tiếp tục sử dụng oxy già trong giai đoạn này khiến vết thương khó lành, bị loét sâu hơn và để lại sẹo.
3. Cách chăm sóc vết thương đúng
Vết thương ngoài da được chia làm 3 cấp độ: Nhẹ, vừa và nặng (tùy theo mức độ tổn thương và độ sâu của vết thương).
Vết thương nhẹ chỉ tổn thương phần thượng bì, vết thương vừa tổn thương cả thượng bì và hạ bì, vết thương nặng tổn thương cả thượng, hạ và tổn thương mô mỡ mạch máu bên dưới.
Ngay khi bị thương, nên dùng nước sạch và xà phòng nhẹ rửa sạch và lấy chất bẩn từ vết thương. Nếu vết thương có chảy máu, dùng gạc băng nhẹ để cầm máu. Nếu chảy máu nhiều, không cầm thì cần đi gặp bác sĩ.
Với vết thương nhẹ và vừa chỉ cần chăm sóc tại nhà bằng cách theo dõi xem vết thương có mau lành không. Nếu vết thương chảy dịch, có mủ, sưng đau, có thể dùng nước ấm để rửa sạch và bôi kem có kháng sinh, băng lại.
Nếu vết thương nặng, sâu, cần đến bệnh viện để được bác sĩ khám, điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc theo dõi vết thương.
Trong quá trình theo dõi, nếu thấy các hiện tượng sau thì cần đi gặp bác sĩ:
- Vết thương không lành mà loét to thêm, chảy mủ, sưng nhức, tấy lan đỏ rộng ra.
- Tê hay yếu vùng gần vết thương hay vùng xa vết thương.
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi…
Lưu ý, không nên băng quá kín, quá chật vì sẽ làm vết thương lâu lành hơn do thiếu máu, thiếu oxy và dinh dưỡng...
Mời độc giả xem thêm video:
6 cách cực đơn giản để giảm cân và "chuẩn 3 vòng" ngày hè | SKĐS