Vết thương hiếm gặp do thỏi đinh

29-11-2017 11:15 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Một học sinh lớp 12 trường Trung học Quy Nhơn, em Ng.V.Th, được đưa vào khoa cấp cứu bệnh viện Quy Nhơn với vết thương vùng ngực do trái nổ.

Sau khi làm vệ sinh ở sân trường, em Th. thu dọn rác châm lửa đốt, một tiếng nổ lớn như sét đánh khiến em ngã vật xuống đất và hôn mê. Khi mọi người chạy tới thì thấy máu ướt đẫm trên ngực em, liền đưa em đi cấp cứu.

Tại phòng cấp cứu bệnh viện Quy Nhơn em đã tỉnh lại. Các bác sĩ quyết định gây mê, mở ngực phải tối thiểu để cầm máu. Không tìm thấy vết thương gây chảy máu, nạn nhân được chuyển tới một bệnh viện quân đội gần đó. Các bác sĩ đã mở ngực rộng hơn, mở màng ngoài tim, chỉ thấy ít máu còn đọng lại trong khoang màng ngoài tim và một vết bầm tím trên thành tâm thất phải. Nạn nhân được đóng thành ngực lại và được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, với lý do bệnh nhân than đau tức ngực dữ dội.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chụp X-quang ngực, phát hiện bóng một thỏi kim khí ở nửa tim phải.

Sau khi làm các xét nghiệm thường quy, vết mổ ngực phải được mở ra, mở màng ngoài tim trước dây thần kinh hoành phải. Thăm dò bằng kẹp Kelly qua vết bầm ở thành tâm thất phải, thấy tiếng chạm vào kim khí. Dùng kẹp Kelly gắp thỏi kim khí ra và khâu vết thương tim bằng mũi chỉ Perlon 5.0. Thành ngực được đóng kín sau khi khâu thưa màng ngoài tim bằng hai mũi silk và dẫn lưu kín khoang màng phổi như thường lệ.

Sau mổ, kiểm tra thấy một tiếng thổi liên tục tâm thu - tâm trương ở liên sườn IV bên phải, dự đoán có thể tiếng thổi này là do sự tồn tại của một lỗ thủng van ba lá do thỏi đinh gây ra.

Bệnh nhân được cho xuất viện và hẹn tái khám. Sáu tháng sau mổ, tiếng thổi liên tục đã biến mất do chỗ thủng van ba lá đã tổ chức hóa.

Trường hợp như trên rất hiếm gặp trong thực hành phẫu thuật, vì trên thực tế chỉ thấy vết thương tim do vũ khí nóng như súng, đạn, bom hoặc do vũ khí lạnh như các vật sắc nhọn như dao, kéo, cung tên gây nên mà thôi!

Những vết thương tim có trong chiến tranh thường làm nạn nhân chết ngay trên trận địa, còn vết thương tim trong thời bình đại đa số được cứu sống, không để lại di chứng. Tuy vậy, khi bị thương vùng ngực, nghi ngờ có vết thương tim, phải gọi ngay xe cấp cứu đưa nạn nhân đến một bệnh viện đa khoa gần nhất, đồng thời lấy khăn sạch cuốn lại, dùng tay hay băng keo bản lớn ép chặt cuộn khăn lên chỗ vết thương đang chảy máu, để cầm máu tạm thời. Chuyển viện và sơ cứu phải thực hiện cùng lúc, càng nhanh gọn càng tốt thì mới mong cứu sống người bệnh.


GS.TS. NGUYỄN KHÁNH DƯ
Ý kiến của bạn