1. Nguyên nhân gây ra vết bầm tím dưới da
Vết bầm tím là tình trạng tụ máu dưới da và vết rách trong mạch máu có thể dẫn đến chảy máu. Nguyên nhân dễ gây bầm tím và chảy máu như chấn thương (va đập). Khi bạn già đi, làn da trở nên mỏng đi cũng có thể dẫn đến nhiều vết bầm tím hơn vì da không thể bảo vệ tốt các mạch máu.
Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể dẫn đến dễ bị bầm tím và chảy máu hơn:
- Người có rối loạn chảy máu
- Thiếu vitamin C hoặc vitamin K (vitamin C rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương và vitamin K giúp kiểm soát chảy máu. Nếu bạn không nhận đủ vitamin C hoặc K từ chế độ ăn uống, có thể dễ bị bầm tím và chảy máu).
- Bệnh gan (gan chịu trách nhiệm tạo ra các protein kiểm soát chảy máu. Những người bị bệnh gan và gan không thể tạo ra đủ lượng protein này, có thể dễ bị bầm tím hoặc chảy máu hơn. Một nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh gan là sử dụng rượu nặng).
- Ung thư (những người mắc một số bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư máu, có thể không có đủ tiểu cầu. Một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể làm giảm lượng tiểu cầu).
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc và chất bổ sung (đây là nguyên nhân phổ biến dễ gây bầm tím).
Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu, dẫn đến bầm tím và chảy máu nhiều hơn. Nếu người bệnh đang dùng thuốc xuất hiện vết bầm tím và/hoặc chảy máu nghiêm trọng, hãy đi khám ngay lập tức.
2. Các loại thuốc dễ gây bầm tím
2.1 Thuốc kháng tiểu cầu dễ gây bầm tím
Thuốc kháng tiểu cầu như aspirin, clopidogre (plavix)… thường được khuyên dùng sau cơn đau tim (quá nhiều tiểu cầu kết tụ lại với nhau có thể làm tăng nguy cơ đông máu và đau tim). Thuốc kháng tiểu cầu giúp ngăn ngừa sự vón cục hoặc đông máu quá mức này. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hoạt động của tiểu cầu cũng có thể dễ gây bầm tím và chảy máu.
2.2 Thuốc giảm đau NSAID
Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (motrin, advil) và naproxen (aleve), thường được sử dụng để giảm đau và hạ sốt, nhưng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Các thuốc NSAID có thể dễ gây bầm tím và chảy máu vì chúng ảnh hưởng đến hoạt động của tiểu cầu. Nguy cơ này càng lớn hơn khi bạn kết hợp NSAID với các thuốc làm loãng máu khác, ví dụ như thuốc chống tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu.
2.3 Thuốc chống đông máu
Đối với người mắc tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, như rung tâm nhĩ (một loại nhịp tim bất thường), có thể cần phải dùng thuốc chống đông máu.
Thuốc chống đông máu hoặc động bằng cách ngăn chặn các protein đặc biệt được gọi là yếu tố đông máu (kiểm soát chảy máu). Mặc dù điều này có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông nhưng nó cũng có thể dễ gây bầm tím và chảy máu. Một số ví dụ về thuốc chống đông máu bao gồm: Warfarin (coumadin, jantoven), enoxaparin (lovenox), rivaroxaban (xarelto), apixaban (eliquis)…
2.4 Steroid
Steroid là loại thuốc phổ biến được sử dụng cho nhiều tình trạng khác nhau, như hen suyễn, viêm khớp dạng thấp, các vấn đề về da (vẩy nến)… Một số ví dụ về steroid bao gồm prednisone, hydrocortisone…
Steroid có thể gây một số tác dụng phụ như có thể gây tổn thương collagen. Sự phá hủy collagen có thể làm mỏng da và da mỏng dễ bị bầm tím và chảy máu.
2.5 Một số loại kháng sinh
Penicillin (Amoxicillin và ampicillin) và cephalosporin (ceshalexin, cefaclor, cefuroxime-axetil) là những loại kháng sinh thường được kê đơn để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Mặc dù hiếm gặp nhưng thuốc có thể gây giảm tiểu cầu, có thể dẫn đến dễ bị bầm tím và chảy máu.
2.6 Thuốc chống trầm cảm SSRI
Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là một loại thuốc chống trầm cảm và được sử dụng cho nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần. Một số ví dụ về SSRI bao gồm fluoxetine (prozac), sertraline (zoloft) và paroxetine (paxil).
SSRI cũng có tác dụng phụ hiếm gặp nhưng có thể nghiêm trọng là dễ bị bầm tím và chảy máu. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ này sẽ cao hơn khi dùng SSRI kết hợp với một số loại thuốc cũng làm tăng nguy cơ chảy máu, như NSAID. Tương tự như NSAID, SSRI cũng ngăn chặn hoạt động của tiểu cầu.
3. Thực phẩm bổ sung có thể dễ gây bầm tím không?
Một số chất bổ sung trong chế độ ăn uống cũng có thể dẫn đến dễ bị bầm tím và chảy máu. Một số có thể tương tác với các loại thuốc được liệt kê ở trên khiến điều này càng dễ xảy ra hơn. Do đó, nên trao đổi với bác sĩ trước khi thêm bất kỳ chất bổ sung vào chế độ hàng ngày. Một số chất bổ sung có thể có tác dụng chống lại tiểu cầu như: Tỏi, gừng, bạch quả, nghệ…
Một số chất bổ sung có thể có tác dụng chống lại các yếu tố đông máu như: Hoa cúc, cỏ ba lá đỏ…
Một số chất bổ sung cũng có thể ngăn chặn cả tiểu cầu và các yếu tố đông máu hoạt động tốt như: Nhân sâm, hoa anh thảo, omega – 3 và dầu cá…
4. Khi nào cần đi khám về tình trạng dễ bị bầm tím
Vết bầm tím và chảy máu quá nhiều có thể cảnh báo về tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Dó đó, nên đi khám nếu:
- Vết bầm tím lớn hoặc thường xuyên mà không rõ nguyên nhân.
- Những thay đổi về vị trí và tần suất bị bầm tím trên cơ thể.
- Chảy máu không hết sau 10 phút.
- Chảy máu mũi thường xuyên hơn 5 lần mỗi năm
- Chu kỳ kinh nguyệt nhiều kéo dài hơn 7 ngày
- Chu kỳ kinh nguyệt nhiều đòi hỏi phải thay băng vệ sinh thường xuyên sau mỗi 2 giờ.
Mời độc giả xem thêm video:
Bắp cải -món ăn bài thuốc | SKĐS