Hà Nội

Vẹo cổ ở trẻ cần phát hiện sớm

12-01-2023 10:00 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Vẹo cổ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ từ 0 tới 6 tháng tuổi. Với tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ trai và gái gần như bằng nhau. Đây là một bệnh lý lành tính, có thể điều trị dứt điểm nếu trẻ được chẩn đoán và can thiệp sớm.

Nguyên nhân gây vẹo cổ bẩm sinhNguyên nhân gây vẹo cổ bẩm sinh

SKĐS - Con trai tôi 4 tháng tuổi, đã biết lẫy, tuy nhiên, tôi thấy bé hình như chỉ nhìn sang 1 bên. Nhiều người nói có thể bé bị tật vẹo cổ làm tôi rất lo lắng.

Nguyên nhân của bệnh vẹo cổ ở trẻ nhỏ?

Vẹo cổ ở trẻ có hai nguyên nhân thường gặp nhất, trong đó vẹo cổ do bệnh lý u cơ ức đòn chũm - là một khối u trên một cơ nằm ở phía bên cổ (nối từ phía sau tai đến xương đòn gánh và xương ức của trẻ). Điều này sẽ làm cho cơ ức đòn chũm của trẻ bị co thắt lại và kéo cổ của trẻ nghiêng qua một bên. Khối u này đa phần sẽ tự tan khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm thì cơ ức đòn chũm của trẻ sẽ bị co rút, cột sống cổ bị biến dạng, để lại di chứng vẹo cổ vĩnh viễn về sau, cần phải can thiệp phẫu thuật để chỉnh sửa.

Nguyên nhân thứ 2 có thể khiến trẻ vẹo cổ là do tư thế trong bào thai, hay do tư thế chăm sóc chưa đúng của người nhà, tạo cho trẻ thói quen chỉ duy trì tư thế đầu và cổ nghiêng về một phía.

Ở một số trẻ chưa có khả năng kiểm soát đầu cổ tốt, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 - 3 tháng tuổi hoặc ở trẻ chậm phát triển vận động, thì cổ của trẻ cũng thường bị nghiêng về một bên khi trẻ ở tư thế nằm sấp, hay ẵm ngồi.

Vẹo cổ ở trẻ cần phát hiện sớm - Ảnh 2.

Vẹo cổ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ từ 0 tới 6 tháng tuổi. Ảnh minh hoạ.

Dấu hiệu thường gặp ở trẻ có bệnh lý vẹo cổ

Khi mắc bệnh lý vẹo cổ, trẻ thường có khuynh hướng nghiêng cổ về một bên và mặt xoay về bên đối diện. Ví dụ trẻ bị vẹo cổ bên phải thì đầu trẻ sẽ nghiêng về bên phải nhiều và mặt trẻ sẽ thường xuyên xoay về bên trái.

Đối với trẻ mắc vẹo cổ thì trẻ sẽ gặp khó khăn khi xoay mặt về phía bên bị bệnh. Trong trường hợp bú mẹ, trẻ có thể chỉ thích bú một bên, vì khi xoay về bên ngược lại trẻ sẽ cảm thấy khó chịu. Ví dụ: Trẻ bị vẹo cổ phải sẽ không thích, hay gặp khó khăn khi xoay mặt về bên này.

Khi chăm sóc có thể sẽ sờ thấy một khối bất thường ở cổ của trẻ nếu trẻ có u cơ ức đòn chũm. Vì vậy, nếu nghi ngờ hoặc thấy có các biểu hiện vẹo cổ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa Phục hồi chức năng Nhi để được khám và tư vấn kỹ hơn.

Vẹo cổ ở trẻ cần phát hiện sớm - Ảnh 3.

Phát hiện những bất thường sớm và đưa trẻ đi khám là biện pháp phòng ngừa bệnh lý vẹo cổ tốt nhất ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

Điều trị trẻ bị vẹo cổ

Bệnh lý vẹo cổ có thể điều chỉnh được một cách hiệu quả, do thường phát hiện khi trẻ được vài tuần tuổi, khi cơ cổ của trẻ đã phát triển hơn và trẻ bắt đầu lúc lắc qua lại nhiều hơn.

Các phương pháp điều trị thường được áp dụng nhất cho trẻ bị vẹo cổ là duy trì tư thế đúng khi sinh hoạt. Đầu trẻ nên được giữ thẳng khi ẵm, bú, hay ngủ.

Trẻ sẽ được thực hiện các bài tập kéo dãn cơ ức đòn chũm. Ví dụ: Thụ động kéo cổ trẻ nghiêng về phía bên lành, hoặc thụ động kéo xoay mặt trẻ về bên bệnh… Các bài tập cho trẻ thực hiện để làm mạnh cơ ức đòn chũm đối bên, kích thích cho trẻ tự chỉnh tư thế đầu về vị trí đúng.

Với những trẻ trên 6 tháng tuổi bị vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm và có tình trạng co rút cơ này hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn trên, thì trẻ cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng cần được can thiệp sớm ngay sau sinh hoặc ngay sau khi phát hiện thấy vẹo cổ. Cha mẹ sẽ được các bác sĩ hướng dẫn để tập cho bệnh nhi tập tại nhà trong 3 tháng đầu. Thông thường sẽ tái khám thường quy sau 1, 2, 3 tháng cho đến khi khỏi. Nếu không hiệu quả sẽ được điều trị tại khoa Phục hồi chức năng sau 3 tháng tuổi.

Lưu ý: Người không có chuyên môn không nên tự ý kéo giãn cho trẻ, đề phòng tai biến nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Không đặt đầu xoay khi trẻ ngủ về một trong hai phía bên lành hay bên bệnh như một số chia sẻ trên mạng xã hội, bởi sẽ gây thêm nghẹo cổ (nếu đầu mặt xoay bên bệnh) hoặc trẻ bị chèn ép đường thở (nếu đặt đầu mặt xoay bên lành). Chỉ thực hành theo hướng dẫn của người có chuyên môn, tuyệt đối không làm theo sự mách bảo.

Ngoài ra, chú ý trong việc chăm sóc, phát hiện những bất thường sớm và đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh lý vẹo cổ tốt nhất cho trẻ.

Trẻ bị vẹo cổ có mổ được không?Trẻ bị vẹo cổ có mổ được không?

SKĐS - Ca mổ chỉ diễn ra chưa đầy 30 phút, tuy nhiên phụ huynh phải hết sức lưu ý, khi bé có ý thức và kiểm soát được bản thân thì nên thực hiện mổ.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-

.


BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn