Hệ quả của những mâu thuẫn tại Venezuela là các cuộc biểu tình trên quy mô cả nước của những người ủng hộ Chính phủ và cả phe đối lập. Ngày 6/4, hàng chuc nghìn người đã xuống đường biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ hợp hiến của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Những người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ với các công nhân viên thuộc công ty nhà nước Corpoelec, người đã tiến hành khôi phục dịch vụ điện sau hàng loạt sự cố mất điện trên cả nước.
Trong khi đó, các nhóm ủng hộ phe đối lập cũng tổ chức xuống đường theo lời phát động của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido với hàng nghìn người tham gia, họ yêu cầu Tổng thống Maduro từ chức.
Hàng nghìn người xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Venezuela Maduro
Không chỉ có khủng hoảng chính trị, Venezuela còn lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo và xã hội như tình trạng lạm phát tăng cao, người dân thiếu thuốc men, lương thực… . Vào cuối tháng 3 Venezuela bị mất điện trên diện rộng, kéo theo cả việc mất nước, mạng internet, điện thoại, hoạt động của các bệnh viện bị ngưng trệ chỉ vì không có điện . .. Sau các cuộc điều tra, Chính quyền Venezuela cho biết, các bằng chứng đều cho thấy có sự “nhúng tay” can thiệp của Mỹ và các thế lực thù địch, các vụ tấn công vào hệ thống điện lực của Venezuela thời gian vừa qua đều xuất phát từ thành phố Houston của Mỹ, hay từ Chile và Colombia.
Cho dù có sự hậu thuẫn từ Nga nhưng Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro không thể thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn đối với lãnh đạo đối lập bới ông này vẫn nhận được sự ủng hộ không nhỏ của người dân và cộng đồng quốc tế.
Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Venezuela
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela càng trầm trọng thì càng lộ ra những toan tính chiến lược đằng sau nó của các nước lớn. Không phải ngẫu nhiên mà Nga lên tiếng ủng hộ Tổng thống Venezuela Maduro, trong khi Mỹ và các quốc gia phương Tây quay lưng với nhà lãnh đạo Nam Mỹ này, ủng hộ thủ lĩnh đối lập Guaido, thậm chí còn công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela.
Những người ủng hộ thủ lĩnh đối lập cũng xuống đường trong ngày 6/4.
Nhà khoa học chính trị tại Đại học Icesi, California ông V. Rouvinski cho rằng, Nga có quá nhiều lợi ích ở Venezuela như các dự án dầu mỏ, các hợp đồng quân sự, cho đến vị trí địa chính trị của Venezuela thích hợp để trở thành đồng minh của Nga chống Mỹ ở phía Tây. Ông Rouvinski ví von, Venezuela là sân sau của Nga ở khu vực Mỹ La tinh cũng giống như Ukraine là đồng minh của Mỹ để đối phó với Nga.
Một số quốc gia cũng lên tiếng ủng hộ ông Maduro là Tổng thống hợp pháp duy nhất của Venezuela như Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ … Thậm chí mới đây, Nga còn mở cả mặt trận ngoại giao lên tiếng ủng hộ Tổng thống Venezuela. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela, chấm dứt đe dọa, trừng phạt kinh tế, thúc đẩy đối thoại. Và Nga sẵn sàng làm trung gian trong các cuộc đối thoại của các lực lượng chính trị ở Venezuela.
Lời kêu gọi của Nga chỉ như “đá ném ao bèo”, Mỹ liên tục dội các lệnh trừng phạt lên quốc gia Nam Mỹ này. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không giấu giếm mục tiêu của Mỹ là nước này sẽ “sử dụng tất cả các áp lực kinh tế và ngoại giao để đem về môt cuộc chuyển tiếp hòa bình”.
Diễn biến căng thẳng nhất trên chính trường Venezuela là việc Nga công khai đưa 100 binh sĩ và hàng chục tấn hàng tới thủ đô Caracas, khiến dư luận dấy lên lo ngại Nga sẽ biến Venezuela thành một Syria thứ 2. Mỹ và các nước phương Tây cho rằng Nga đang làm phức tạp thêm tình tình, gia tăng thêm căng thẳng. Trả lời những đồn đoán của dư luận, Tổng thống Nga Putin cho biết Venezuela sẽ không thể là một Syria thứ 2. Thậm chí , mới đây một số thông tin quân sự cho rằng, có thể Nga sẽ điều thêm binh sĩ nữa tới Venezuela.
Trang CNBC đã bình luận, những tranh chấp của các nước lớn đang đẩy Venezuela vào một giai đoạn nguy hiểm mới. Dù các bên tuyên bố Venezuela nên tự quyết vận mệnh của mình, nhưng dường như Venezuela không đủ khả năng và không thể tự tìm ra hướng tới hòa bình cho đất nước…