Nghệ thuật truyền thống luôn được xem là vốn quý của mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn toàn cầu hóa, khi giữ vững bản sắc dân tộc đang trở thành một yêu cầu cốt tử thì việc gìn giữ, phát huy những giá trị của nghệ thuật truyền thống càng trở nên cần thiết hơn lúc nào hết. Nhưng nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng, khó mà “đóng đinh” những gì được định danh là truyền thống hay kinh điển mà phủ nhận sức sáng tạo của các thế hệ sau.
Từ khi nhu cầu cách tân nghệ thuật truyền thống bắt đầu nhen nhóm, đã có không ít ý kiến của các nhà quản lý, những chuyên gia văn hóa đề xuất gìn giữ nghệ thuật truyền thống nguyên gốc. Nghĩa là phục dựng lại bằng hết khả năng có thể những môn nghệ thuật truyền thống và tiếp tục lưu truyền theo đúng nguyên bản. Dẫu vậy, người trong cuộc vẫn không tránh khỏi những trăn trở, lo lắng khi mà vấn đề toàn cầu hoá đang đặt ra những thách thức lớn đối với yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là ở tầng lớp thanh, thiếu niên đã có những biểu hiện coi nhẹ hoặc không quan tâm đến các giá trị văn hoá truyền thống, chạy theo những môn nghệ thuật mới mẻ, lạ lẫm với con người và văn hóa Việt Nam. Điều nguy hiểm là trào lưu "sính ngoại" đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống.
Bản thân sân khấu truyền thống thường rất chuẩn mực, biến tấu không khéo léo sẽ làm mất đi bản sắc vốn có.
Nhưng xét đi xét lại, muốn bảo tồn được nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, múa rối... thì người làm nghề phải thay đổi, tìm hướng ra, tìm đất diễn, khán giả. Và các nghệ sĩ phải cách tân để góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc.
Vài năm trở lại đây, cách tân, cải biên được xem như một liệu pháp cho căn bệnh thiếu khán giả của sân khấu truyền thống. Nhưng để làm tốt điều này, giới làm nghề biết rằng họ phải có tài năng và thật sự tâm huyết, nếu không sẽ càng đẩy khán giả xa rời nghệ thuật truyền thống. Điều này được chứng minh qua việc các nghệ sĩ chuyển sang làm các nghề khác hoặc chạy sô nhiều hơn là chuyên tâm vào nghề.
Nhưng hãy khoan bàn đến yếu tố con người, chúng ta cần phân tích rõ ràng khái niệm cách tân trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Cách tân không phải là phép cộng đơn thuần giữa yếu tố truyền thống với nét hiện đại. Làm như vậy chỉ khiến nghệ thuật truyền thống thành thứ nghệ thuật hỗn tạp, thiếu bản sắc. Nói cách khác, bảo tồn là giữ nguyên vẹn giá trị, nguyên gốc mà không thay đổi một phần nào. Còn phát triển để bảo tồn là phát huy những cái phụ, bồi đắp thêm một số yếu tố mới trên nền tảng bản chất cốt lõi đó, không làm méo mó các giá trị truyền thống.
Bản thân sân khấu truyền thống thường rất chuẩn mực, biến tấu không khéo léo sẽ làm mất đi bản sắc vốn có. Có thể lấy nghệ thuật chèo làm ví dụ điển hình. Các nghệ sĩ đều thừa nhận, rất khó làm chèo về đề tài đương đại. Tưởng như chỉ cần quan sát tinh tế những câu chuyện xảy ra hàng ngày, những đề tài nóng hổi mang tính thời sự để đưa lên sân khấu chèo thì chắc chắn sẽ được khán giả quan tâm. Nhưng dù thế nào, chèo vẫn cần phải giữ cái gốc của nó, nghĩa là nếu cải biên, phải kết hợp một cách khéo léo giữa giá trị truyền thống và hiện đại, quan tâm đến những tiểu tiết trong chèo hiện đại để cho khán giả có thể thưởng thức được.
Có thể thấy, xu hướng cách tân nghệ thuật truyền thống đang lan rộng. Nhưng dễ dàng nhận thấy thời gian qua, để nghệ thuật truyền thống gần hơn với khán giả thì các tiết mục biểu diễn đã có nhiều thay đổi về hình thức cũng như tiết tấu. Điển hình như ca Huế, tiết tấu, hòa âm được thay đổi, các nghệ sĩ không hát một bài riêng lẻ mà kết hợp 3 đoạn của 3 bài khác nhau để tạo nên sự đa dạng, thú vị với người xem. Từ chậm sang nhanh rồi trở lại chậm, nhiều cao trào mới phù hợp với thị hiếu số đông, không gây nhàm chán như trước. Với múa Lục cúng hoa đăng, trước đây, chỉ có 16, 32 hoặc 64 nghệ sĩ biểu diễn chính giữa sân khấu, nay tăng thêm số lượng nghệ sĩ múa phụ họa xung quanh, điều này làm tôn thêm cho phần cốt chính ở giữa, tăng tính hấp dẫn của bài múa.
Nếu chúng ta không tự giới hạn suy nghĩ và quan điểm của mình và nhìn từ một góc độ khác thì truyền thống là cái còn lại trong ký ức con người, trong di sản của nhân loại khi thời gian đi qua. Bởi vậy, mọi cách tân có giá trị đều trở thành truyền thống. Những sáng tạo của hôm nay cũng chính là hành trình đi đến truyền thống của ngày mai. Việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng sự phát triển, cách tân, làm mới sao cho phù hợp với cuộc sống hiện nay là điều quan trọng, là phương pháp mang tính lâu dài và bền vững.
Tuy nhiên, có những loại hình nghệ thuật như nhã nhạc cung đình Huế, tuồng cổ... thì sự cách tân nhiều khi làm cho bản chất, ý nghĩa bị biến dạng, do đó cần bảo tồn nguyên gốc.