Ông được tái hiện qua lời kể của đồng bào dân tộc nơi đây hư hư, thực thực. Tư liệu còn lại về ông không nhiều, nhưng những chứng tích, ghi chép ít ỏi ấy sẽ mãi là “nguồn sống” quý giá đối với đồng bào xứ Thanh nói riêng và 2 nước Việt Nam - Lào nói chung.
Anh hùng trấn ải biên cương
Hạ tuần tháng 10, theo chân cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện vùng cao Quan Sơn, chúng tôi có mặt ở bản Chung Sơn, xã biên giới Sơn Thủy cũng là lúc trời nhá nhem tối. Chuyến công tác lần này, chúng tôi may mắn được nghe câu chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên: Tư Mã Hai Đào.
Dưới chân núi Pha Dùa, đền thờ thần Tư Mã Hai Đào như lời nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta phải biết ơn công lao to lớn của thế hệ đi trước. Ảnh: TA
Dưới ánh trăng mờ ảo ở chân núi Pha Dùa, hình ảnh vị thần “giữ vía” cho Mường được hiện lên một cách rành rọt qua lời kể của già làng Hà Văn Dậu (84 tuổi, dân tộc Thái). Trăng tỏ rõ khuôn mặt quắc thước của một người cao tuổi của làng. Mọi người háo hức chờ đợi, già làng bắt đầu kể: Theo những ghi chép còn sót lại, khoảng thế kỷ XVII, dân làng còn nghèo, còn khó, còn khổ. Cái họa luôn rình rập ngày đêm... Lúc bấy giờ, giặc ngoài đang xâm lược bờ cõi, triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc. Nghe tin ấy, Hai Đào lập tức xuôi về kinh dâng sớ tấu trình xin được tham gia hội thi đấu võ.
Vốn là con thứ hai trong một gia đình mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé lớn lên trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của cư dân Mường Đào - Mường Khô (nay thuộc huyện Bá Thước). Vì ra đời ở Mường Đào nên bà con dân bản thường gọi cậu với cái tên trìu mến: Hai Đào! Lúc còn nhỏ, Hai Đào đi chăn trâu, cắt cỏ, chơi các trò chơi dân gian với các bạn cùng trang lứa.
Đặc biệt, Hai Đào thích chơi trò bắn cung, bắn nỏ, luyện kiếm, đánh cù, bày trò trận giả, luyện võ thi tài nhưng cậu hơn các bạn cùng trang lứa ở chỗ: cậu cao to, đôi tay dài, lại có đôi mắt tinh anh rực sáng, tướng mạo oai phong, võ nghệ tinh tài... Sống trong tình yêu thương của bà con dân bản, cậu ngày một trưởng thành, đứa bé Hai Đào ngày nào giờ trở thành chàng trai khỏe mạnh lực lưỡng như cây rừng mọc thẳng.
Trong võ đài năm ấy, rất nhiều chàng trai tham gia nhưng không ai qua được Hai Đào. Võ nghệ cao cường của chàng trai người rừng Mường Đào đã làm rung động trái tim công chúa. Khi biết tin, nhà vua lập tức cho triệu vào yết kiến. Vừa thấy tướng mạo phi phàm của ông, nhà vua liền đồng ý tác thành cho đôi lứa rồi truyền thầy dạy văn, võ.
Dừng một chút, già làng chợt kể bằng giọng trầm, chắc nịch: Từ chàng trai nghèo, Hai Đào trở thành phò mã đúng vào thời điểm giặc ngoại xâm quấy nhiễu và xâm chiếm vùng biên ải nước ta. Phò mã Hai Đào lập tức xin phép vua cha được cầm quân đi dẹp giặc, trấn giữ biên cương. Với khí phách của người anh hùng, có mưu mẹo và võ nghệ tinh thông, lại được 2 anh em ruột là tướng Ót Đanh và Ót Dọ phò tá, quân của Hai Đào tiến đánh quân giặc dọc theo biên giới kéo dài cả trăm km từ Tén Tằn huyện Mường Lát qua huyện Quan Hóa đến Mường Xia huyện Quan Sơn.
Quân sĩ của Phò mã Hai Đào tiến đến đâu, quân giặc bỏ chạy đến đó. Chỉ trong thời gian ngắn, vùng biên cương rộng dài phía Tây tỉnh Thanh không còn bóng giặc, cư dân các Mường lại được sống trong yên bình, mọi người đều trở về thôn bản làm ăn...
Tướng quân Hai Đào được vua phong tước Tư Mã biên phòng cai quản biên cương của Tổ quốc. Kể từ đó đến nay, nối tiếp nguồn mạch, khí phách của tướng quân Tư Mã Hai Đào, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia cùng nhau bảo vệ vững chắc đường biên, đồng thời xây dựng tình hữu nghị Việt - Lào son sắc.
Đền thờ Tư Mã Hai Đào đã có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: TA
Sống mãi với thời gian
Nhấp một ngụm trà, già làng cất cao giọng: Khi biên cương bình yên, tướng quân Tư Mã Hai Đào chọn Mường Xia nơi “sơn thủy hữu tình” để xây dựng thủ phủ và sống trọn đời với vùng biên cương mà ông cùng với các binh Mường đã từng nhiều năm chống giặc ngoại xâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Hàng đêm, dưới chân núi Pha Dùa, trai gái lại rộn ràng nhịp chày khua luống, những lời khặp cất lên ngọt ngào, quấn quýt trong tiếng khèn gọi bạn. Khi Tư Mã Hai Đào mất, ông được người dân nơi đây an táng tại một trong những hang động trên núi Pha Dùa. Từ đó, bà con nhân dân trong vùng gọi ông là Thần Tư Mã Pha Dùa, tuy nhiên, tại hang động nào của núi Pha Dùa đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Cái chết của người anh hùng đất Mường ấy đã được thiêng hóa và người dân Mường Xia tôn ông là người “giữ vía” cho Mường.
Tiếp câu chuyện của già làng Hà Văn Dậu, ông Hà Văn Thông (dân tộc Thái) - Trưởng bản Chung Sơn (cũng là người phụ trách, quản lý trông coi đền thờ thần Tư Mã) cho biết: “Bản có việc to, việc nhỏ gì như đánh trống, khua chiêng, khặp… đều phải đến mời Thần. Theo quy định, lễ vật gồm: 5 mâm lễ, vải trắng, trầu cau, tiền, đồ trang sức... Hàng năm, vào ngày 9, 10/2 âm lịch, người dân trong vùng nô nức đi Lễ hội Mường Xia để tri ân công đức của thần, cùng với mong muốn cầu cho bà con dân bản có một mùa mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Đặc biệt, mỗi khi trong Mường có con em đi bộ đội hoặc đi làm ăn xa, người thân đều mang áo của người sắp lên đường đến đền thờ thần Tư Mã Hai Đào thắp hương xin ông phù hộ cho con em chân cứng, đá mềm, giữ cho vía yên, vía lành đi đến nơi, về đến chốn”.
Theo ông Thông, có một điều lạ ở đây là tất cả những người xin được gửi, nhờ giữ vía tại đền thờ và “hòn đá Vía” của Mường đều bình an nơi trận mạc. Hiện nay, ở bản Chung Sơn vẫn còn nền móng nhà của gia đình thần Hai Đào ở khu sân hành lễ nhà thờ và móng thủ phủ nơi ông làm việc tại khu vực Trường THCS xã Sơn Thủy.
Cụ Vi Văn On (87 tuổi, dân tộc Thái) chia sẻ: “Tương truyền rằng, khi làng có việc lớn việc nhỏ, hay gia đình nào có việc muốn trình Thần thì chỉ người họ Hà mới được phép cúng tế, xin lễ. Bao nhiêu đời nay, người dân Mường Xia đều tuân thủ theo lời truyền đó”.
Những ngày lễ hội, không chỉ có cư dân Việt mà cư dân Mường Bén, Mường Xôi nước bạn Lào cũng cùng sang tham dự. Lễ hội Mường Xia và đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào từ lâu đã trở thành địa chỉ tâm linh để người dân khắp nơi đến thờ phụng, chiêm bái… Trong lễ hội Mường Xia, vật cúng tế không thể thiếu - đó là: 1 con trâu trắng, 4 con lợn, hơn chục con gà và 1 con vịt. Bởi quan niệm, trâu trắng được coi là “hồn, cốt” làm nên đặc trưng trong văn hóa, không những là yếu tố vật linh trong tín ngưỡng của người Thái xứ Thanh mà trâu còn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Người Thái coi trâu là một báu vật, vật thiêng của trời đã ban tặng cho con người. Nên trong nghi lễ cúng tế của các lễ hội, trâu trắng là lễ vật quan trọng không thể thiếu để tế trời.
Bà Hà Thị Mai - Trưởng phòng Văn hóa & thông tin huyện Quan Sơn cho biết: Đền thờ cũ của ông cách đền hiện giờ khoảng 500m đi ngược về phía núi Pha Dùa. Năm 2010, đền thờ được Nhà nước xây dựng lại ngay chính trên nền nhà cũ của ông và đã được công nhận di tích cấp huyện. “Sắp tới, chúng tôi sẽ làm hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh. Dù được bà con đồng bào xứ Thanh tôn thờ, coi ông như thần giữ vía cho cả Mường nhưng những chứng tích, tài liệu ghi chép về ông lại quá ít ỏi nên rất khó. Hiện đền thờ đang có dấu hiệu xuống cấp, vì vậy, rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc trùng tu, tôn tạo”, bà Mai chia sẻ.