Về việc vua Lê Thánh Tông ban “chiếu” giải oan cho Nguyễn Trãi

29-04-2017 16:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thuở nhỏ tôi thường nghe thầy giáo giảng như thế. Khi làm giáo viên dạy cho học trò, tôi cũng giảng cho các em như thế.

Thuở nhỏ tôi thường nghe thầy giáo giảng như thế. Khi làm giáo viên dạy cho học trò, tôi cũng giảng cho các em như thế. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng nghe nhiều nhà văn, thậm chí nhiều nhà khoa học phát biểu như thế. Đến khi tôi trực tiếp tìm hiểu văn bản của nhà vua, mới hay là không hẳn như vậy.

1. Trước hết hãy nói về tên vua Lê Thánh Tông. Thực ra Thánh Tông là miếu hiệu của vị hoàng đế thứ tư của nhà Lê, tức là tên quần thần dâng lên sau khi vua đã chết được 11 tháng. Như vậy nghĩa là thuở còn sống, vua không hề biết mình sẽ có tên để đời sau gọi là Lê Thánh Tông. Vậy tên vua của ông là gì? Vua có 2 tên, gọi theo niên hiệu của nhà vua  là Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Hầu hết các bài viết về lịch sử hiện nay đều lấy miếu hiệu ( như Lý Thánh Tông, Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông) thay cho niên hiệu. Chỉ riêng về nhà Nguyễn thì các sách đều dùng niên hiệu đúng với niên hiệu của nhà vua, không dùng miếu hiệu, không hiểu vì sao, điều ấy lại không xảy ra với các triều đại trước như Lê, Lý, Trần? Gọi tên vua lúc vua đang sống bằng tên sau khi đã chết (miếu hiệu) không hẳn là sai, nhưng về mặt khoa học, tôi nghĩ là không hẳn đã đúng.

2. Năm 1464, tức là sau 22 năm Nguyễn Trãi đã chết vì án tru di (1442 - 1464), vua Quang Thuận mới ban một đạo chế, mà các tác giả về sau đều gọi là chiếu hay sắc, gọi thế hay viết thế, đều là sai, vì chiếu, sắc, chế là 3 loại văn bản hành chính của Nhà nước phong kiến, với chức năng, nội dung và tầm quan trọng khác nhau. Trong trường hợp này là chế. Nguyên văn bản chế do văn thần soạn, vua Quang Thuận cho công bố, bản dịch như sau:

Bài chế phong tặng tước tế văn hầu cho Lê Trãi

Thuận mệnh trời, theo vận nước, Hoàng thượng nói rằng: Ta  vì muốn bắt chước phép nhà Ân mà trị nước, để mở rộng cơ nghiệp của tổ tông, muốn dựa theo lệ nhà Chu mà ghi công để thực hiện trị an cho đất nước, cho nên cần làm việc ban cấp sắc phong, sửa sang phần mộ.

Xét vị công thần khai quốc trước kia, được phong tước Trụ quốc Tân trù bá, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu là Lê Trãi, đem đạo học chân chính mà giúp việc nước nhà, vạch kế hoạch rộng lớn mà sửa nền chính trị. Trong buổi Tổ phụ ta khởi nghĩa ở Lam Sơn, để gây dựng lại cơ đồ nước Việt, ông đã vào Lỗi Giang theo quân lập được nhiều thành tích tốt, trong việc bình Ngô, danh vọng của ông vang lừng trong bốn bể, mưu lược của ông rõ rệt dưới hai triều. Dẫu rằng thời mệnh không đi đôi với nhau, khó biết được lẽ huyền bí, nhưng công lao của ông được ghi chép lâu ngày, hiện còn thấy trong sổ sách. Trước kia ông đã được ban ân rất hậu, ngày nay càng nên tặng thưởng thêm. Vì lẽ đó, nay đổi tước bá, thăng tước hầu, vừa để biểu dương công lao cống hiến cho nước, vừa để nêu rõ đạo học bổ ích cho đời.Đền thờ Nguyễn Trãi tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động thuộc danh thắng Côn Sơn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đền thờ Nguyễn Trãi tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động thuộc danh thắng Côn Sơn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Than ôi! Rồng hổ gió mây hội trước, tưởng lại tiền nhân. Văn chương sự nghiệp dấu xưa truyền cho hậu thế.

Vậy gia tặng Trụ quốc Tế văn hầu, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu”.

(Phần Văn tuyển, trong “Hoàng Việt thi văn tuyển” của Tồn Am Bùi Huy Bích, do Lê Thước, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Sĩ Lâm, Trần Lê Hữu, Vũ Đình Liên dịch, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1957).

3. Nguyễn Trãi được ban quốc tính (họ vua) là Lê Trãi. Văn bản gốc theo đúng nghĩa của nó, hiện không còn. Các nhà nghiên cứu về sau thường lấy văn bản này, với độ tin cậy rất cao của nó, được coi như bản gốc. Soạn giả là nhà văn hóa lớn đời Lê là Bùi Huy Bích (1744-1818) từng làm Nhập thị Bồi tụng (người đứng thứ 2, sau Bồi tụng, chức Bồi tụng tương đương như Phó Thủ tướng của ta hiện nay) thời vua Lê chúa Trịnh.

Như vậy, không phải là vua  “xuống chiếu giải oan” như nhiều người  đã nói và viết. Đây là điểm rất tinh vi của văn bản khi chạm vào vấn đề mà bây giờ ta gọi là “nhạy cảm” của nhà nước, đồng thời cũng là mối quan hệ của vua con đương triều (Thánh Tông) với vua cha đã quá cố (Thái Tông). Sở dĩ nhiều người nói  hay viết  như thế, tôi đoán là căn cứ vào chú thích của sử quan nhà Nguyễn khi dịch và viết thêm chú thích cho bộ “Đại Việt Sử ký toàn thư” của thời Lê. Cũng có không ít chú thích, các sử quan triều Nguyễn viết sai, gây rất nhiều phiền toái cho hậu thế, trong khi chính “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng sai những điều rất hệ trọng. Chính lời chú thích “đại khái” này của sử quan triều Nguyễn, làm cho nhiều người thường nhầm lẫn. Tôi cũng nghe nhiều người nói vua Lê Thánh Tông “xuống chiếu giải oan” cho Nguyễn Trãi, nhưng đọc văn bản thì lại thấy rõ là không phải chiếu, mà là chế và  trong chế, cũng không có câu nào nói Nguyễn Trãi bị oan, cần được “giải oan”. Dù tinh thần của văn bản cho ta có thể suy nghĩ như vậy. Nhưng ta nghĩ có thể là thế, với văn bản không hẳn là thế, quả thực là hai vấn đề khác nhau. Thiết tưởng để đảm bảo tính khoa học, người nói và người viết về vấn đề trên cũng không nên quên điều đó.


Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH
Ý kiến của bạn