Không cứ gì văn học, lâu nay, việc bảo vệ tác quyền từ âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật đều rất đơn giản và thô sơ lại cộng thêm quan niệm “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình” càng khiến cho việc vi phạm bản quyền trở thành chuyện bình thường.
“Công thức” của một vụ vi phạm bản quyền văn học khi bị phát giác thường diễn ra như sau: tác giả bức xúc, đưa ra công luận, báo chí vào cuộc đưa tin, làm phỏng vấn ba bề bốn bên, mổ xẻ phân tích... Và kết quả sau những ồn ào này là... im lặng. “Nạn nhân” im lặng. “Thủ phạm” cũng tuyệt đối không lên tiếng. Gặng mãi, “nạn nhân” đành thú nhận: “Người ta xin lỗi rồi thì thôi!”. Ông Đỗ Hàn - Chánh Văn phòng Hội Nhà văn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam kể, từng có truyện ngắn được thay tên tác giả, rồi đăng nguyên văn trên một tờ báo có lượng độc giả đông có thứ hạng. Khi Trung tâm Quyền tác giả văn học chuyển bản thảo gốc ra so sánh, đồng thời chuyển công văn tới tờ báo đó thì họ mới ớ ra rằng đó là sai và gửi trả lại nhuận bút. Nhưng những vi phạm đó vẫn chưa thấm tháp gì so với hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn bị đưa vào khai thác trái phép trên internet. Nhiều trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài, vì thế, Trung tâm không thể kiểm soát, đành chịu, không có cách nào đòi.
Nhiều NXB hồn nhiên sử dụng tác phẩm, in ấn, phát hành thu lợi lại quên không hỏi ý kiến tác giả.
Lại cũng có chuyện một số NXB thường xuyên gom truyện ngắn, tạp văn của các tác giả tên tuổi rồi xuất bản với cách gọi là tuyển tập hay nhất trong năm, truyện ngắn chọn lọc của tác giả có sách bán chạy nhất... Và rồi để đề phòng rắc rối nảy sinh, nhiều tập sách thường đi kèm “lời phi lộ”: “Vì điều kiện khách quan, chúng tôi không thể liên hệ được với tác giả. Kính mời các tác giả (dịch giả) liên hệ với nhà xuất bản để nhận nhuận bút”. Khi bị đưa vào tình thế này, nhiều tác giả âm thầm cho qua. Bởi chuyện nhuận bút xưa nay luôn là vấn đề nhạy cảm, ai lại đem so sánh văn chương với cái thứ dung tục tầm thường là tiền bao giờ. Nhưng cũng có nhiều tác giả khi phát hiện mình có truyện ngắn được in, lần theo số điện thoại kia để đòi, gọi năm lần bảy lượt, được giới thiệu hết phòng nọ ban kia mà vẫn chưa tìm được người giải quyết. Nhiều NXB sau khi hồn nhiên sử dụng tác phẩm, in ấn, phát hành thu lợi lại quên không hỏi ý kiến tác giả. Đến khi phải trả nhuận bút thì trả với giá bèo bọt, không khác gì bố thí. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng có vài bài thơ “bỗng dưng được in sách”. Bạn bè đọc thấy, báo cho ông, ông có hỏi lại biên tập viên NXB đó thì người nọ đổ người kia. Rốt cuộc ông chán, chẳng buồn hỏi, kể như cho, coi như quên. Nhà văn Đỗ Hàn kể thêm, trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, một NXB ở Hà Nội in Tuyển tập thơ văn 1.000 năm Thăng Long Hà Nội nhưng “quên” không hỏi ý kiến tác giả. Chỉ khi Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) thảo công văn gửi đến thì nhà xuất bản kia mới nhúc nhích trả cho các nhà văn 40 nghìn đồng/truyện ngắn và 15 nghìn đồng/bài thơ. Lại nhà văn nọ thấy mình bỗng dưng có 4 truyện ngắn và 4 tạp văn được in trong Tuyển tập cũng hí hửng mời bạn bè ra quán bia, dặn ngồi chờ trong khi bản thân đi xe ôm đến NXB lấy tiền. Sau một hồi trình bày, 8 tác phẩm được trả... 70 nghìn đồng. Số tiền không đủ trả xe ôm chứ chưa nói đến bữa nhậu trót mời bạn văn. 40 nghìn đồng/truyện ngắn và 15 nghìn đồng/bài thơ không khỏi khiến nhiều người giật mình và nhìn lại công tác bản quyền cũng như đời sống văn học nói chung ở Việt Nam. Theo báo cáo của VLCC, tính riêng từ cuối tháng 6/2012 đến hết tháng 5/2013, VLCC đã tiến hành làm việc với các đơn vị vi phạm, đối tượng chủ yếu là một số NXB và công ty sách điện tử, giải quyết được 8 vụ bản quyền với tổng số tiền gần 15 triệu đồng. Nếu so với 41 tỷ đồng năm 2012 và 47 tỷ đồng năm 2013 (số tiền thu được của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) thì 15 triệu đồng của VLCC chỉ bé bằng hạt cát. Đáng lo hơn, sau gần 10 năm được thành lập nhưng cho đến nay, VLCC vẫn được xem là “đứa con chưa lớn” của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Đỗ Hàn cho biết: “Nhân sự bộ máy của VLCC gồm 8 người, chủ yếu giữ chức vụ kiêm nhiệm, số chính nhiệm ở cơ quan chỉ có 3 nhân viên”.
Quỳnh Vân