Nhận định về tính cách một dân tộc, người dân thường trên thế giới cũng như các nhà nhân học văn hóa thường có những nhận xét tổng hợp: người Pháp nhẹ nhàng tinh tế, người Đức sâu sắc, người Anh ít nói và lạnh lùng, người Thụy Điển thích đơn lẻ…
Nhưng như GS xã hội học Thụy Điển Therborn, trong lần thảo luận với tôi về vấn đề này ở Goeteborg đã nhắc đi nhắc lại là phải rất thận trọng nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa chủng tộc hẹp hòi. Quả là vậy, tính cách chung của một dân tộc thì có thể là vậy, nhưng từng cá nhân của dân tộc ấy lại có những cách thể hiện khác. Vả lại, tính cách dân tộc cũng có thể thay đổi theo thời gian và khác nhau theo từng tầng lớp xã hội.
Tính cách Mỹ thì thế nào? Trong mấy chục năm chống Mỹ, dư luận chung ở ta (miền Bắc) cho cái gì của Mỹ cũng xấu. Từ sau chiến tranh, nhiều người, nhất là giới trẻ ít ra ngoài lại có khuynh hướng sùng bái tất cả cái gì là Mỹ, từ Mỹ. Hai thái độ cực đoan ấy đều không đúng. Vì dân tộc Mỹ, như mọi dân tộc, đều có cái tốt, cái xấu. GS vật lý thiên thể Trịnh Xuân Thuận ở Mỹ 40 năm mà vẫn thích văn hóa Pháp hơn, đã nhận định: Mỹ là nước của những đối lập cực đoan, có cái thông minh và cái thiếu thông minh đều “nhất thế giới”; Nhiều giáo phái kỳ quặc, chủ nghĩa Darwin thì 39% dân tin, 25% lại không tin, 36% lừng khừng; cơ sở của bạo lực (223 triệu dân trong số 300 triệu có súng, nhiều ổ băng cướp), nhưng lại có rất nhiều tổ chức từ thiện; bất bình đẳng về giàu nghèo (12% dân số có lợi tức hơn 100 triệu/người) nhưng lại rất dân chủ (không có thành kiến giai cấp, ai cũng như ai khi lập nghiệp)…
Trước khi viết cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ, để cho khách quan, tôi có viết thư cho 15 nhà trí thức ở nhiều nước: Mỹ (da trắng, da đen, da đỏ), Anh, Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Lucxămbua.Tôi đặt hai câu hỏi: Có một nền văn hóa Mỹ không? Nếu có, thì cái gì tốt, cái gì xấu? Tôi nhận được nhiều ý kiến rất khác nhau. Riêng về văn hóa ứng xử ở Mỹ, tôi và chắc những ai đã qua Mỹ, sẽ đồng tình với nhận xét của một Việt kiều ở Mỹ, đăng trong tạp chí Sao Việt của Việt kiều ở Hungari. Xin trích vài đoạn sau đây:
Văn hóa ứng xử nơi công cộng: Tiếng xin lỗi và lời cảm ơn luôn được sử dụng nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, xe buýt…Khi lên xuống xe buýt, hành khách chào tài xế và ngược lại. Khi vào cửa bất cứ nơi nào, người đi trước giữ lại cửa cho người đi sau bước vào, xong mới đến phiên mình và người đi sau luôn nói tiếng cảm ơn người đã giữ cánh cửa cho mình đi vào. Từ khi ở Mỹ đến nay, tôi chưa thấy ai to tiếng hay cãi nhau nơi công cộng, nhất là xếp hàng theo thứ tự, không có ai chen lấn, dù bạn là ai.
Văn hóa ứng xử trong giao thông: Không có chuyện phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu trên đường. Đặc biệt là ở ngã tư, khi đèn tín hiệu giao thông bất ngờ trục trặc thì mọi người nhường nhau, mỗi chiều di chuyển khoảng 4-5 chiếc, sau đó tự động nhường đường khi chiều kia đi, 4-5 chiếc xe cứ thế lần lượt mà đi, không xảy ra kẹt xe dù không có cảnh sát ở đó. Những con đường nội bộ trong siêu thị, khu mua bán, khu dân cư khi gặp người đi bộ đi ngang qua đường thì tất cả lái xe đều phải dừng lại, nhường đường, sau đó mới chạy tiếp. Xe hơi chạy rất nhiều trên đường cũng như trong trung tâm thành phố nhưng không một tiếng còi xe. Giữa đêm khuya vắng, người lái xe vẫn chờ đèn xanh bật sáng lên mới tiếp tục chạy.
Văn hóa ứng xử nơi công sở, bệnh viện: Khi đến công sở, điều đầu tiên bạn nhận được là lời chào hỏi của nhân viên làm việc và hỏi bạn có cần giúp đỡ gì không, sau đó rất vui vẻ giải quyết công việc cho bạn, đến khi xong và không quên chúc bạn có một ngày tốt đẹp! Trong bệnh viện, khi bạn đến, nhân viên hành chính nhanh chóng làm các thủ tục, các cô y tá niềm nở đón bạn vào phòng chờ đợi, sau đó họ đi mời bác sĩ đến khám bệnh cho bạn. Các bác sĩ khám bệnh rất tận tình, nói chuyện nhỏ nhẹ với người bệnh, thật tuyệt vời trong giao tiếp với bệnh nhân, làm cho bạn cảm thấy bệnh tình cũng được thuyên giảm phần nào.
Văn hóa ứng xử trong mua sắm: Hàng hóa bạn mua được đổi hay trả lại trong vòng 1 tháng sau khi sử dụng nếu bạn cảm thấy không thích nó (không cần sản phẩm bị hư hay trục trặc) và người bán vui vẻ nhận lại. Tại mỗi nơi mua sắm đều có một quầy chuyên nhận lại hàng hóa đã bán do khách đem trả lại. Không có tiếng cãi vã giữa người mua và người bán. Ở Mỹ, khi mua nhà, bạn cũng được trả lại cho người chủ trong vòng 1 tháng sau khi vào ở mà bạn không thích ngôi nhà đó nữa.
Kết luận bài viết, tác giả thanh minh là ông không có ý đề cao Mỹ mà chỉ kể cái mình thấy trong xã hội Mỹ. Thực ra những nét đẹp kể trên là điều các nước văn minh đều thực hiện, không khác nhau là mấy! Ta thường hay khoe nền văn hóa ba bốn nghìn năm. Nhưng trong cuốn Làm gì, không nên làm gì ở Việt Nam xuất bản ở Bangkok bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của hai tác giả C.Porvin và N.Stedman, có lời khuyên du khách: “Chớ có chịu khó xếp hàng mua bán ở Việt Nam khi đông khách! Đôi khi phải kệ mọi người đứng trước, cứ việc tiến lên chìa tiền ra bắt phải phục vụ ngay!”. Chao ôi! Chen lấn vậy đã thành nét phản văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam và không biết còn những gì nữa trong cuốn sách? Các nhà quản lý văn hóa nghĩ sao?
Hữu Ngọc