Về trấn Quế xưa

05-01-2017 10:48 | Xã hội
google news

SKĐS - Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng nằm trên bờ sông Đáy, cách Phủ Lý chừng mươi cây số. Nghe nói trấn Quế có phường gốm Son.

Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng nằm trên bờ sông Đáy, cách Phủ Lý chừng mươi cây số. Nghe nói trấn Quế có phường gốm Son. Bình đựng rượu lúc nào cũng thắm như môi thiếu nữ. Thế là tôi nhảy đò về ngã ba sông Đáy, theo câu thơ của một thi nhân rằng: “Đất nung thắm một màu son. Đường tơ quanh chiếc ấm tròn trên tay. Ngắm em trong giấc mơ ngày. Miệng xinh xinh, sánh một giọt đầy nỗi hương”.

Bánh cuốn chợ Quế

Khi qua cầu mới hay chợ Quế ở sát bên sông Đáy, ngay trên đường 21B đi ngang phố, người người tấp nập vào ra. Gần Tết, các chị bán hoa ngồi kéo dài dọc đường. Họ bày hoa theo cách phân lô hẳn hoi. Nào dãy hoa hồng, dãy hoa cúc. Mấy hàng hoa trà, hải đường và cây cảnh. Người mua chen nhau chọn hoa tươi. Tôi nhanh chân vội đi vào chợ. Cậu Thành chở xe ôm cho tôi mách, nếu không vào chợ Quế ăn bánh cuốn chả thì phí đời. Tò mò, tôi tìm ngay một hàng đông người đang ăn bánh cuốn chả. Thì ra đây là món đặc sản ở Hà Nam, mà ai đi qua Phủ Lý cũng dừng chân, ăn cho được một đĩa bánh cuốn chả. Bà chủ cửa hàng nói, cả thành phố Phủ Lý đều về đây mua bánh cuốn ra ngoài đó bán. Họ chỉ khác cái nước chấm, đu đủ thái nhỏ và chả nướng tẩm gia vị thôi. Chứ bánh cuốn ở đây chỉ ăn không cũng đã ngon.

Góc chợ Quế bên sông Đáy.

Góc chợ Quế bên sông Đáy.

Đúng vậy. Nước chấm ở chợ pha độ chua ngọt vừa phải, không bị chua gắt át cái vị nước mắm thơm, như các nhà hàng ngoài phố. Riêng trái ớt ở Quế nhỏ xíu ai không thích dầm vào nước chấm thì ăn ngoài cho thơm và cay tê đầu lưỡi mới sướng. Tôi thấy một bà ngồi ăn bên cạnh cứ xuýt xoa vì nước chấm ngon và thỉnh thoảng lại gắp một trái ớt nhai đánh rốp một cái ngon như ăn kẹo vậy. Từng lát bánh cuốn mỏng và dai vẫn giữ được hương gạo mới. Lớp hành mỡ rưới trên mỗi bánh cuốn như được xé tơi từng miếng thơm ngậy. Hai mẹ con bà chủ quán khoe, có lần một khách nước ngoài đến mê nước chấm quá  húp một lần hết cả bát, nhưng không ngờ bị sặc lên mũi cay xè. Ấy vậy mà họ lại nói ăn thế mới ngon cái miệng, vì nước chấm chua chua, ngọt ngọt, cay cay làm toát mồ hôi. Hôm ấy ai cũng ăn 2, 3 suất bánh cuốn chả nhà bà. Mà mỗi xiên chả thịt lợn thăn thái mỏng, ướp tiêu, trộn ngũ vị và hạt vừng làm ai cũng mê tơi vì hương vị chả giống ở đâu. Có người nói, đến bún chả ở Hàng Mành Hà Nội cũng thua xa.

Nói rồi bà cười chúm chím. Cô con gái ngồi bên cứ nhắc mẹ đừng tự sướng nữa, hãy chú ý còn mấy người chờ lấy bánh mang đi đó. Gương mặt cô con gái hồng lên vì lò tráng bánh nóng, hay vì niềm vui đang bay bổng, theo những câu chuyện mẹ cô kể. Đôi môi cô tươi như thoa lớp son nhẹ thật quyến rũ. Nhất là hai lúm đồng tiền tròn xoe như hai bông hoa xinh xinh. Tôi ăn thấy ngon miệng, tợp một hớp rượu rồi cắn một trái ớt nhỏ đánh rốp, theo đúng kiểu như người trấn Quế ăn ngoài chợ. Cay xè. Tôi ngẫm anh chàng xe ôm nói đúng. Không vào chợ Quế ăn bánh cuốn thì phí đời. Anh vẫn đợi để đưa tôi vào lò gốm Son ở phía Nam thị trấn. Anh ta hỏi ăn có ngon không, tôi đỏ mặt xuýt xoa, gật đầu cười không biết tả thế nào nữa.

Gặp nghệ nhân thắp lửa từ đất

Lò gốm Son của trấn Quế không bao xa, cũng nằm ngay trên bờ sông Đáy, còn giữ lại những dấu vết của lò nung than cổ một thời nào. Giờ đây đã có lò ga, hàng đẹp hơn và thắm hơn. Nghệ nhân Lại Văn Tiến (sinh năm 1957) nói với tôi như vậy. Điều khác biệt hơn ở nhiều lò gốm khác như ở Bát Tràng hay Phù Lãng hoặc gốm Hương Canh là đất sét ở đây có màu vàng quánh mịn, sạch, ít tạp chất. Tuy vậy, việc luyện đất tại lò thường tỉ mỉ, kỹ lưỡng khi nung lên phải có mùi thơm như một tiêu chí của gốm Son. Ông cho biết, điều bí mật của gốm Son của thôn Quyết Thành chính là lớp men riêng biệt. Người thợ giã mịn đất đá ong non trộn với đất đỏ, được lấy từ một mỏ riêng ở vùng núi, rồi hòa với nước. Đó là men nước màu đỏ được phủ lên vật phẩm. Khi nung ở nhiệt độ cao, chừng 1.200 độ, vật phẩm rực lên một màu son tươi và dịu. Không một chút lòe loẹt vì sắc đỏ cờ mà ngả sang nét son tự nhiên, ấm áp. Vẻ đẹp gốm Son ở Kim Bảng đã nức tiếng khắp nước cách đây 500 năm. Hiện còn lại hàng trăm thợ làm gốm Son tại trấn Quế tạo nguồn hàng đi khắp các tỉnh quanh vùng. Không những thế, gốm Son còn được xuất đi nhiều nước châu Âu đem lại màu sắc đa dạng cho nghề gốm Việt Nam.

Chùa Bà Đanh.

Chùa Bà Đanh.

Nghệ nhân Lại Văn Tiến là người duy nhất được nhận Giải Tinh Hoa, từ Festival Huế cách đây hơn 10 năm, với một chế tác hình tượng Rồng bằng gốm Son. Ông cũng đã từng ký một hợp đồng phục chế 10 đầu rồng thời Trần tại Nam Định. Đúng là mẫu đất men Son đã làm đầu rồng trở nên sống động và có sức truyền cảm sâu lắng độ linh thiêng trong chốn đình chùa. Năm 2016, còn có người đặt ông làm 40 tượng rồng cuộn để làm quà tặng. Nói rồi ông đưa tôi xuống xưởng xem mẫu rồng mà ông đã nặn từ đất trên chiếc bàn xoay cũ kỹ bên góc nhà. Đó là một thế lạ lùng của hình ảnh con rồng đang cuộn mình với nhiều vòng cùng những chiếc chân tạo nên độ bay bổng nhưng lại vững vàng với cấu trúc của một pho tượng đẹp về tạo hình và sinh động trong thần thái của đôi mắt. Tác phẩm này đã được nghệ nhân Lại Văn Tiến ấp ủ trong quá trình đi phục dựng đình chùa, sau khi nghiên cứu các dáng rồng ở mọi bố cục khác nhau. Ngoài ra, Hợp tác xã gốm Son còn làm ra những nguồn hàng mỹ nghệ bình lọ, ấm chén, khay đĩa đắp hoa cùng hàng thờ như Tam Đa, Phật Bà, Di Lặc... Sau khi được công nhận là thợ giỏi năm 2006, đến 7 năm sau ông Lại Văn Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, qua các tác phẩm gốm Son của ông đã được đưa vào sản xuất và cung cấp cho thị trường. Phải nói gốm Son của trấn Quế là một đặc sản từ đất với nét đẹp văn hóa độc đáo của một vùng bán sơn địa trên triền phía Nam sông Đáy, huyện Kim Bảng.

Chùa Bà Đanh không còn vắng

Nghệ nhân Lại Văn Tiến nói, hình tượng rồng cuộn hay tác phẩm “Lưỡng Long chầu nguyệt”, lại được bắt nguồn từ những bản khắc trên vì kèo của chùa Bà Đanh cổ kính. Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc là danh lam thắng cảnh của trấn Quế cũng chỉ cách lò gốm chừng gần cây số. Tôi tò mò hỏi vì sao có câu ngạn ngữ trong dân gian nói “Vắng như chùa Bà Đanh”, nghệ nhân Lại Văn Tiến giải thích, đó là hình ảnh xưa rồi, chứ bây giờ chùa đã khang trang, lại có đường và cầu dẫn vào tận nơi, đông vui lắm. Nói rồi ông dẫn tôi dạo bước tới chùa. Ông kể, hàng trăm năm xưa, nơi đây còn là rừng rậm, hổ báo hay thú dữ thường lảng vảng kiếm mồi. Ngay người dân trong trấn Quế cũng ít dám qua lại. Núi Ngọc, trong khuôn viên chùa Bà Đanh chính là cái đuôi của dãy núi, kéo từ Hòa Bình xuống. Nó bị đứt đoạn bởi sông Đáy. Người dân qua lại thưa thớt nên rừng cây lá vàng rụng xuống lấp hết cả đường đi. Chim chóc, thú hoang sinh sống tạo nên cảnh đìu hiu buồn tẻ trên bến đò chùa. Một không khí âm u, rợn tóc gáy cho ai đến đây. Mỗi khi có đoàn đến lễ, trước hết họ phải cho người đi dọn đường trước, mang đuốc sáng để xua đuổi thú hoang, phát cỏ lau và chặt cành cây rậm rạp hai bên đường đi. Đất bãi trên sông màu mỡ nên cây cối tươi tốt quanh năm, sinh trưởng sum suê, chùa càng trở nên thâm u huyền bí. Ngay trên núi Ngọc cao chừng 50m có cây si cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi, được trồng từ thời vua Lê Huy Tông (1675-1705), vẫn xanh tốt. Với khuôn viên rộng hơn 10ha, di tích văn hóa Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc tạo nên một không gian tĩnh lặng, gợi sắc thái bồng lai tiên cảnh trên con sông êm đềm sóng nước.Nghệ nhân Lại Văn Tiến

Nghệ nhân Lại Văn Tiến với sản phẩm gốm.

Một lúc đứng bồi hồi bên cây gạo cao vút bên chùa, ông Tiến nhớ lại ký ức thời cách mạng mà cha ông đã từng tham gia. Vào ngày 7/11/1930, người dân đã treo cờ Đảng trên cây gạo này, để chào mừng kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Mười Nga. Khi ấy địch còn chiếm cứ phố Quế, chỉ cách chùa chừng mấy trăm mét theo đường chim bay, quả là một thách thức không nhỏ. Khí thế cách mạng sục sôi, người dân làng Đanh Xá hồ hởi tham gia kháng chiến, đặt niềm tin vào Đảng cho dù đó là thời kỳ mới được thành lập. Nghệ nhân Lại Văn Tiến vẫn còn nhớ, hồi 1953, đêm đêm hàng chục đoàn dân công tập trung ở chùa Bà Đanh vận chuyển thóc qua sông Đáy để đưa vào Chi Nê mặt trận trên Hòa Bình, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chùa Bà Đanh và Núi Ngọc chính là nơi tập kết của lực lượng du kích địa phương cùng với các đơn vị chủ lực phối hợp chiến đấu. Chùa trở thành đầu mối giao thông quan trọng trong kháng chiến. Người dân và chiến sĩ hăng say sống và chiến đấu ngay sát đồn phố Quế của kẻ địch, kéo dài từ 1950 đến 1954. Sau này, Đại đức Thích Tâm Ngọ, trụ trì chùa Bà Đanh đã vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì có những đóng góp và tham gia hoạt động kháng chiến hết sức tích cực.

Lời ru trên sông

Chính từ đó, chùa Bà Đanh đã phá tan hình ảnh bí hiểm xưa mà người đời vẫn ngộ nhận qua lời truyền trong dân gian. Tôi chợt nghe lời bài hát Phật từ nơi cung điện vẳng lên êm đềm như một lời ru trên sông. Những em bé cùng với cha mẹ đến thắp hương tại chùa. Đó là những cặp mắt long lanh đáng yêu trong giai điệu huyền diệu cùng tiếng chuông thỉnh lên ngân nga, trong nắng chiều dát vàng trên bậc thềm cổ rêu phong. Tôi xuống bến đò ngay trước cửa chùa Bà Đanh. Con đò đưa tôi đi dọc bờ sông Đáy. Lời hát cùng tiếng chuông ngân cứ văng vẳng từ xa: “Gần nhau trao cho nhau, yêu thương tình loài người. Gần nhau trao cho nhau, tin yêu đừng gian dối. Gần nhau trao cho nhau, ánh mắt nhân loại này. Tình yêu thương trao nhau, xây đắp trên tình người”.


Bài và ảnh: Cảnh Linh
Ý kiến của bạn