Ðứng ở Lý Sơn nhìn quanh, đúng là bốn bề nước biển mênh mông. Lý Sơn rộng chừng 10 km2, gồm 2 hòn đảo, đảo lớn và đảo nhỏ. Ðảo nhỏ cách đảo lớn chưa đầy một cây số. Tên nguyên thủy của Lý Sơn là Cù Lao Ré, vì trên đảo này cây Ré mọc tràn lan. Với gần 2 vạn dân, Lý Sơn xứng đáng là một huyện của Quảng Ngãi.
Lên tàu trên bến cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, vượt biển 30 cây số chúng tôi đến đảo Lý Sơn. Ông chủ tàu cho biết, mỗi ngày ít nhất có ba chuyến tàu từ Sa Kỳ qua Lý Sơn, hai chuyến tàu chở người, một chuyến chở hàng, như chuyến chúng tôi đi đây, 150 người, vậy một ngày Lý Sơn có ít nhất 300 khách trở lên. Du khách đến Lý Sơn đông vì Lý Sơn từng nổi tiếng là hòn đảo tiền tiêu từ đất liền ra Hoàng Sa, Trường Sa.
Anh Thiện Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa Lý Sơn dẫn chúng tôi đi lang thang thăm đảo. Đứng trước hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới cao mãi tít trên đỉnh núi, chúng tôi mới ý thức được rằng, thì ra chính hai ngọn núi lửa này phun từ dưới đáy biển lên, đất đá ấy đã tạo nên hòn núi lớn này. Cứ nhìn những tầng đá màu nâu mỏng, xếp lên nhau, biết ngay là đá từ núi lửa phun lên. Rất may nhờ kiến tạo tự nhiên từ núi lửa đã cho Lý Sơn những thắng cảnh nổi tiếng như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, cổng Tò Vò, hòn Mù Cu,... Nhìn khách nối nhau nườm nượp tới thăm những thắng cảnh ấy đủ biết Lý Sơn hấp dẫn như thế nào.
Đúng vậy, dân Lý Sơn đã lợi dụng hang đá sâu 24 mét, rộng 20 mét để làm chùa. Chỉ nhìn những ngọn nến lung linh và khói hương vật vờ trong khung cảnh chập chờn nửa sáng nửa tối với những dáng Phật ngồi trang nghiêm đủ thấy không khí ấy thiêng liêng nhường nào. Chưa hết, thiếu điều kiện để xây chùa, dân Lý Sơn đã đục núi làm chùa, chùa ấy mang tên chùa Đục, đủ thấy trong hoàn cảnh nào dân Lý Sơn cũng tìm mọi cách đến chốn linh thiêng.
Đền Âm Linh Tự thờ chiến sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn
Anh Thiện Nghĩa kể về người Lý Sơn của mình:
- Thời văn hóa Sa Huỳnh, Lý Sơn của chúng tôi đã có dân ở rồi. Các tư liệu khảo cổ tại đây cho thấy thời ấy Lý Sơn đã có đồ gốm. Toàn bộ những nét hoa văn, các đồ án trang trí đã phô diễn tài hoa lãng mạn của người cổ xóm Ốc chúng tôi. Trong hố khai quật còn tìm thấy một đôi xe chỉ và hai hạt chuỗi bằng đất nung. Sau đó người Chăm đến ở đây thì rõ quá rồi. Tiếp đó 3 lớp di dân của người Việt vùng Bắc Bộ vào cư trú ở đây, lần thứ nhất vào năm 1404, thời nhà Hồ; lần thứ hai vào năm 1471 thời vua Lê Thánh Tôn và lần di dân thứ ba là thời Nguyễn Hoàng vào Nam cát cứ, mở mang vùng đất phương Nam vào năm 1558. Ấy là chưa kể những cuộc di dân tự do của nông dân miền Bắc ở thời Trần và thời loạn lạc Nam Bắc Triều.
Trong các gia phả họ tộc ở Lý Sơn, thời ấy đã có tới 15 vị tiền hiền đi thuyền ra đảo khai khẩn và lập làng. Đó là các dòng họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Võ Xuân, Đặng Phanh, Dương, Võ, Trương, Trần, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn,... Những vị tiền hiền không chỉ được thờ trong nhà thờ họ tộc mình, mà còn được thờ ở đình như những vị thánh nhân.
Tuy nhiên, người Việt tới Lý Sơn trong giai đoạn này thật gian nan. Cái khó đầu tiên của người vùng sông nước ra ngoài đảo là thiếu nước ngọt, phải bám vào hai con suối: suối Chình và suối Rô và mấy giếng nước ngọt như giếng Xó La để sống lần hồi. Cái khó thứ hai là tuy đất rộng mênh mông nhưng đá lởm chởm, phải khai hoang phục hóa để trồng rau màu. Người làm quen với biển thì phải huy động ghe bầu chở mủ cây chén mắn (để làm ghe) chở muối Sa Huỳnh, Tịnh Hoa, chở lưới đan bằng vỏ cây đi Hiệp Hòa và cả vào Nam bán để mua gạo. Cuộc sống phải nói là vất vả. Song cuộc sống tâm linh ở Lý Sơn thật phong phú, không dễ gì có sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng được như Lý Sơn. Tộc nào cũng có nhà thờ họ, xóm nào cũng có đền thờ riêng của xóm mình, làng nào cũng có đình là tất nhiên. Lý Sơn có tới gần 30 di tích đình, dinh, miếu, lăng,...Thờ đủ cả, nào thờ ông Nam Hải, thờ Thần Thiên Y A Na, nào thờ Tam Phủ, rồi thời các vị tiền hiền, thờ Thần Nông,... Lễ thờ của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn được giữ nguyên vẹn về cả hình thức lẫn nội dung.
Anh Thiện Nghĩa tâm sự:
- Những ngày tế tự là những ngày hội làng anh ạ. Từ mồng 3 Tết lễ động thổ đến lễ dựng cây nêu cuối năm, không biết bao nhiêu lễ rước. Nào là lễ thượng nguyên, lễ trung nguyên, lễ hạ nguyên, nào là lễ rước sắc thần, lễ cúng thần nông, lễ thượng điền,... Dân náo nức đội hoa quả, cau trầu, gà luộc tới điện dâng lên các vị thần. Chính nhờ tâm linh ấy, dân có lòng tin, bởi có lòng tin, dẫu sinh hoạt có vất vả khó khăn, song đời sống dân Lý Sơn vẫn bình an để hướng tới tương lai.
Tượng đài chiến sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn
Tôi nói:
- Về Lý Sơn tôi hiểu thêm đời sống tâm linh có một bản ngã riêng. Nhưng tôi muốn biết ở Lý Sơn đền miếu nào thiêng liêng nhất.
Anh Thiện Nghĩa đáp:
- Mỗi đền miếu đều có một vẻ linh thiêng riêng của mình. Song, ngôi đền được dân Lý Sơn cung kính nhất, đó là đền Âm Linh Tự thờ những người lính Hoàng Sa.
Chiều đã muộn, anh Thiện Nghĩa hẹn sáng hôm sau sẽ đưa chúng tôi tới Âm Linh Tự. Hôm sau, khi trời chưa nắng lên, chúng tôi tới Âm Linh Tự đã thấy các cụ khăn đóng áo dài tới mở cửa thắp hương. Tưởng hôm nay rằm hay mồng một, hóa ra không phải, ngày nào các cụ cũng đến thắp hương cho ngôi đền. Đền Âm Linh Tự ở làng An Vĩnh được dựng gần ngay bên bờ biển, chỉ cách bến cảng An Vĩnh chừng 50 mét. Đền không lớn nhưng trang nghiêm. Trong đền là những đồ thờ vàng son lộng lẫy. Ngay trước cửa đền là tháp tưởng niệm, bốn mặt đều khắc 4 chữ nguy nga: “Chiến sĩ trận vong”. Bên cạnh đền là nghĩa trang của những ngôi mộ gió. Bởi những người lính Hoàng Sa ra đi nhưng hầu như không trở về.
Thắp hương xong, ngồi bên tháp tưởng niệm “Chiến sĩ trận vong”, các cụ kể cho chúng ta nghe rằng: ngay từ cuối thế kỷ 16, thời chúa Nguyễn hàng năm làng An Hải và An Vĩnh tuyển 70 dân giỏi nghề đi biển giương buồm nương theo gió nồm vào tháng 3 hàng năm ra quần đảo Hoàng Sa. Họ đi 3 ngày 3 đêm thì tới Hoàng Sa. Tại đây, họ bắt cá mà ăn, lấy được rất nhiều đồ vật quý của thuyền đi khơi bị lật, cùng lượm khá nhiều hải vật. Tháng 8 trở về, vào cửa EO (cửa Thuận An) vào Phú Xuân, nộp những hải vật quý cho kinh thành Huế rồi mới trở về. Tuy nhiên người trở về không được bao nhiêu. Âm Linh Tự là đền thờ những người lính Hoàng Sa không trở về ấy.
Ở Âm Linh Tự về, Thiện Nghĩa đưa tài liệu cho chúng tôi đọc, thật cảm động. Những người lính Hoàng Sa ấy, vua Tự Đức gọi họ là “Hùng binh”. Họ không phải chỉ kiếm hải vật, sản vật, mà công việc chính của họ là đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
70 người lên 5 chiếc thuyền. Người ra đi phòng không có cơ may trở về, mỗi người mang theo hai chiếc chiếu, 7 khúc đòn tre, 7 sợi dây mây và một thẻ bài, để khi chết, xác họ được quấn trong chiếu, đòn tre là phao nổi, dây mây quấn chặt họ trong cái quan tài sông nước ấy, thẻ bài ghi tên họ, rồi thả trôi trên mặt biển, táng trên mặt nước ấy, nào có thấy ai trở về, thẻ bài cũng chìm xuống biển theo họ luôn.
Chuyện lính Hoàng Sa thấy rõ ngay các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận của biển cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết đó là quần đảo Hoàng Sa.
Ở Lý Sơn vẫn lưu truyền trong dân gian tục: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Có thể gọi đây là lễ tế sống những người đi lính Hoàng Sa, nhưng để có hy vọng trở về, thầy cúng cho nặn hình nhân thế mạng bằng đất sét, trong dòng họ có bao nhiêu người đi lính thì có bấy nhiêu hình nhân và linh vị đặt bên những người lính Hoàng Sa, cúng xong, hình nhân và linh vị được đặt lên thuyền thả trôi trên sóng nước. Người lính coi đây đã có người thế mạng mình và sẵn sàng lên thuyền ra đi.
Âm Linh Tự bây giờ khói hương quanh năm nghi ngút nhằm tri ân những người đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo. Đây là ngôi đền linh thiêng nhất Lý Sơn, nhất là những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển Việt Nam, người đến thắp hương ở Âm Linh Tự càng đông, chứng tỏ Âm Linh Tự thiêng liêng nhường nào đối với người Lý Sơn.
Càng đi, chúng tôi càng thấy Lý Sơn gắn bó với mình. Để hiểu kỹ vùng đảo này, chúng tôi thuê xe máy chở nhau đi đến từng ngõ ngách. Đang đi trên cánh đồng An Hải, chúng tôi thấy một nông dân đang đào đất ở góc ruộng, rải ra trên mặt ruộng của mình. Tôi hỏi:
- Ông đang làm gì đó?
Ông già vui vẻ đáp:
- Lý Sơn chúng tôi chỉ có đất bazan do núi lửa phun lên và đất cát biển phủ vào. Đất mặt ruộng đã hết màu mỡ, chúng tôi đào đất bazan trải lên mặt ruộng là cách làm cho đất tốt lên để tiếp tục trồng trọt.
À ra thế. Không đi đến tận cùng, sao chúng tôi hiểu nổi đất đai và con người ở đây. Đi tiếp, chúng tôi đến âu thuyền làng Đông chân núi Thới Lới, thuyền đậu san sát, thuyền nào cũng cắm cờ sao 5 cánh phấp phới. Thuyền đang nghỉ ngơi để đêm ra biển đánh cá.
Tôi hỏi một ngư dân đang rửa thuyền:
- Ông có thấy ngại đụng đầu với thuyền bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 không?
Ông đáp ngay:
- Ngại gì. Dù từ Tết đến giờ đã 15 lần chúng tôi đụng tàu Trung Quốc, có một lần chúng cướp hết hàng của chúng tôi trên tàu, kể cả điện thoại di động trong túi mình. Tuy nhiên, việc đặt giàn khoan ấy của chúng là sai rồi. Anh không thấy cả thế giới lên án chúng đó sao. Hoàng Sa là sân của mình, mình cứ ra sân của mình mà làm việc. Lý Sơn chúng tôi có 436 tàu đánh cá, thì 160 tàu vẫn thường xuyên vẫy vùng ở Hoàng Sa, Trường Sa. Mình phải thể hiện chủ quyền của mình, anh ạ.
Tôi nói:
- Ý kiến của ông thật tuyệt vời. Chúng tôi ủng hộ tinh thần ấy. Chúc ông thành công.
Chúng tôi tiếp tục đi. Đến bên Trường tiểu học ở An Vĩnh, tiếng trống rung lên, các cháu ùa vào.
Nhìn các cháu, Thiện Nghĩa nói như khoe:
- Lý Sơn của chúng tôi bây giờ có gần 20 nghìn nhân khẩu, vậy mà chúng tôi có tới 2 nghìn học sinh đến trường, gồm 4 nhà mẫu giáo, 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở, 1 trường phổ thông trung học. Vậy là cứ 10 người dân, chúng tôi có 1 nhân khẩu đến trường. Anh nhìn kìa, trường lớp của các cháu có khang trang không?
Nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi Thiện Nghĩa:
- Lý Sơn hiện đang có điều gì đáng lo nhất?
Thiện Nghĩa đáp:
- Cách đây 20 năm, nông nghiệp ở Lý Sơn là diện chính của kinh tế chúng tôi nhưng tới năm 2014 này, tình hình đã thay đổi, 70% dân Lý Sơn xuống biển đánh cá. Đời sống dân Lý Sơn khá hẳn lên. Anh biết không, tỏi của Lý Sơn ngày càng nổi tiếng, nửa năm vừa qua, Lý Sơn đã bán được tới 2.250 tấn tỏi. Còn hạ tầng cơ sở, trường trạm chúng tôi đầy đủ, lâu nay vất vả về điện đóm, nhưng năm nay nhà nước đã đầu tư cho Lý Sơn 625 tỷ để kéo điện cáp ra. Báo cho anh mừng, tháng 9/2014 này Lý Sơn có điện lưới quốc gia rồi.
Chúng tôi ríu rít bắt tay Nghĩa, mừng cho anh, mừng cho Lý Sơn. Chợt nhớ Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu, tôi hỏi Thiện Nghĩa:
- Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981, Lý Sơn là đảo tiền tiêu, thái độ dân Lý Sơn ra sao?
Anh Thiện Nghĩa đáp:
- Tôi xin trả lời anh bằng thực tế.
Thế là Thiện Nghĩa dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, rồi leo lên núi Giếng Tiền, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Vung. Những gì cần biết, Thiện Nghĩa đều chỉ cho chúng tôi. Đứng bên bức tường dài chạy suốt nửa đảo phía Đông, đó là bức tường chắn sóng bảo vệ con đường lớn chạy quanh đảo, Thiện Nghĩa hỏi tôi:
- Anh thấy thế nào?
Tôi đáp đúng như suy nghĩ của mình.
- Đứa nào đụng tới Lý Sơn thì nó sẽ bị dìm chết ngay từ ngoài biển khơi.
- Cảm ơn anh.
Thiện Nghĩa bắt tay tôi rất chặt.
Thiện Nghĩa tiếp tục dẫn đoàn chúng tôi băng băng trên con đường rộng, leo lên đỉnh núi Thới Lới. Cao điểm chúng tôi dừng chân, đó là cột cờ. Chân cột cờ cao 4 tầng, tầng trên cùng ghi hàng chữ “Nước CHXHCN Việt Nam”, tầng thứ 3 đắp nổi 3 chữ lớn: “Đảo Lý Sơn”.
Anh em chúng tôi tíu tít chụp ảnh, ai cũng muốn ghi lại phút giây mình được có mặt trên đỉnh cao linh thiêng này.
Chân cột cờ là một đỉnh cao của đảo Lý Sơn, đứng ở đây, nhìn ra 4 phía xung quanh đều là biển biếc. Ai cũng thấy toại nguyện mình đã đến được nơi hẹn hò. Chúng tôi quay mặt ra hướng Bắc bảo nhau: “Hoàng Sa ở phía đó”. Bỗng một bạn xúc động đọc 4 câu ca dao của Lý Sơn:
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa”
Thiện Nghĩa nghẹn ngào nói:
- Trong vòng 3 thế kỷ, Lý Sơn chúng tôi đã có tới hơn 2 vạn người đi lính Hoàng Sa. Vậy mà mộ các anh hầu như toàn mộ gió. Song vua gọi là đi ngay. Lý Sơn của chúng tôi là vậy đó các anh ạ. Lý Sơn không thể chấp nhận bất cứ kẻ nào đụng tới biển Đông của mình.
Bút ký: Nguyễn Quang Hà