Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh

29-04-2024 15:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Mỗi lần về thăm hang Co Phương, hai hàng nước mắt bà Ngọt rưng rưng thương nhớ về 11 đồng đội đã anh dũng hi sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Hang Co Phương (còn có tên gọi khác là Co Phường), ở bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa nằm trong lòng núi đá của dãy Pố Há. Xưa kia trước cửa hang có cây khế, nên người dân địa phương đã gọi tên Co Phường (theo tiếng Thái, tên gọi này có nghĩa là hang cây khế).

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 1.

Bảng tóm tắt lý lịch di tích lịch sử cách mạng hang Co Phương.

Vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bản Sại, xã Phú Lệ nằm trên tuyến đường vận chuyển quân lương, khí giới của quân ta phục vụ chiến dịch Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ. Hang Co Phương không chỉ là trạm quân lương mà còn là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 2.

Tên 11 liệt sỹ hi sinh tại hang Co Phương.

Trên núi đồi bản Sại hứng chịu nhiều hy sinh mất mát. Chỉ tính riêng huyện Thiệu Hóa có 27 dân công hỏa tuyến hy sinh vì bom giặc trên đoạn đường này. Và hang Co Phương là một chứng tích về một thời khói lửa đau thương nhưng bi tráng của cha ông.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 3.

Lối vào hang Co Phương.

Theo các tài liệu lịch sử, vào khoảng 3h chiều ngày 2/4/1953, máy bay giặc Pháp thay nhau thả bom khu vực xã Phú Lệ mà trọng tâm là hang Co Phương, nhằm phá hủy quân lương, khí giới, cắt đứt chi viện của ta ra chiến trường. Sau trận bom ấy, cửa hang bị tảng đá lớn sập xuống lấp kín 11 dân công hỏa tuyến đang trú ẩn bên trong. Một người bị thương nặng tại cửa hang, được chuyển tới bệnh viện cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng đã hy sinh. Cả một tổ đội, chỉ còn một người ra khỏi hang trước khi bom rơi, nên còn sống, đó là bà Nguyễn Thị Ngọt (SN 1933), trú tại xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa).

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 4.

Vị trí nơi 11 liệt sỹ hi sinh.

Tên tuổi của họ ngày nay vẫn còn khắc ghi trên tấm bia đá đặt trước cửa hang Co Phương. Các anh, chị đều quê ở xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa gồm: Nguyễn Thị Diễu, Nguyễn Chi Hoằng, Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Mứt, Nguyễn Dung Phước, Nguyễn Thị Thiêm, Nguyễn Chí Toàn, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Thị Tố, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Viên.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 5.

Xác bom tại di tích.

Các cụ cao niên ở bản Sại kể lại, sau trận bom ấy, họ vẫn nghe có tiếng kêu cứu vọng ra từ trong hang. Người dân và bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nghĩ trăm phương nghìn cách để cứu họ ra ngoài. Nhưng rồi khối đá quá lớn, chẳng có máy móc nào kéo ra được. Nếu dùng thuốc nổ, mọi người ở bên trong họ cũng không thể giữ được tính mạng.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 6.

Đông đảo người dân đến thắp hương.

Người sống sót duy nhất là bà Nguyễn Thị Ngọt cho biết, từ ngày hòa bình lập lại, đây là lần thứ 5 lên thăm lại hang Co Phương, thắp nến hương nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống trong trận bom năm ấy. Lần nào cũng vậy, bà vẫn gọi tên họ, những con người đã gửi lại tuổi xuân nơi núi rừng hùng vĩ, điệp trùng cho độc lập tự do.

Hơn 70 năm trôi qua, về thăm lại chiến trường xưa, o dân công hỏa tuyến năm nào vẫn không hết bồi hồi, xúc động. "Năm ấy, cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 1953, tôi cùng hơn 130 người quê Thiệu Hóa hăng hái đăng ký lên đường tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ Chiến dịch Thượng Lào. Ai cũng khấp khởi chờ cho cái Tết nhanh chóng qua đi để được lên đường, với son sắt một lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"...", bà Ngọt kể..

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 7.

Từ ngày hòa bình lập lại, ngày 2/4/2024 lần thứ 5 bà Ngọt lên thăm các anh, các chị.

Ngày 21 tháng Giêng (ngày 6/3/1953), bà Ngọt cùng hơn 130 thanh niên được tổ chức thành 3 trung đội, rời quê hương Thiệu Hóa lên Quan Hóa, Vạn Mai làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Trong đoàn ai nấy đều háo hức với hừng hực khí thế "Tất cả vì tiền tuyến, tất để đánh thắng".

Ngày ấy giao thông khó khăn, hơn 10 ngày sau, những thanh niên ấy có mặt trên công trường đắp cầu đường Vạn Mai (Hòa Bình), bắt đầu tổ chức đan sọt, gánh đá làm cầu đường, phục vụ giao thông nối hậu phương Thanh Hóa lên vùng Thượng Lào để chi viện cho bộ đội thắng Pháp.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 8.

Cảm xúc đối với bà vẫn còn nguyên vẹn.

Trên công trường khi ấy là khí thế hối hả, khẩn trương của bộ đội ta lên đường ra trận, của thanh niên xung phong vận lương tải đạn, của dân công hỏa tuyến phá đá mở đường, san gạt hố bom không kể ngày đêm, mưa nắng.

Đến ngày 31/3/1953, bà Ngọt và đoàn dân công của huyện Thiệu Hóa được điều về làm cầu Phú Lệ (Quan Hóa), cách công trường cũ khoảng 10km. Dù ở Vạn Mai hay về Phú Lệ, bà Ngọt tuổi nhỏ hơn, lại chăm chỉ siêng năng nên được Tiểu đội trưởng phân công nấu ăn, giặt giũ quần áo cho tiểu đội. Thường ngày, ngoài lương thực được cấp, bà vẫn vào rừng, lội suối hái thêm ít rau, bắt thêm con cá để cải thiện bữa ăn cho tiểu đội. Buổi tối bà ra công trường làm việc.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 9.

Bà khóc gọi tên từng người.

Theo lời bà Ngọt, vào khoảng 12h trưa ngày 2/4/1953, giặc Pháp cho máy bay trực thăng bay lượn sát ngọn cây khu vực bản Sại. Đến khoảng 3 giờ chiều, chúng đưa thêm 6 máy bay đến ném bom, bắn phá. "Cả tiểu đội chúng tôi ban ngày trú ngụ trong hang Co Phương. Còn buổi tối ra công trường làm việc. Lúc đó, tôi đang giặt giũ quần áo cho các anh chị ngoài suối, cách hang Co Phương không xa. Dứt tiếng bom, tôi chạy về hang, không còn tin được quang cảnh hiện ra trước mắt mình. Ngay cửa hang là một người bị thương nặng do đá đè. Cửa hang bị lấp, 11 người của tiểu đội bị đá đè lấp bên trong. Tôi gào khóc thương các anh các chị, rồi ngất lịm đi", bà Ngọt rưng rưng nước mắt.

Về thăm hang Co Phương, nơi 11 dân công hỏa tuyến hy sinh- Ảnh 10.

Năm 2019, hang Co Phương được được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Sau trận thảm sát ấy, bộ đội công binh và các lực lượng đã bàn phương án phá mở cửa hang. Nhưng chẳng có máy móc nào kéo được những tấm đá nặng hàng chục tấn ấy ra. Nếu dùng thuốc nổ, chắc gì đã cứu được người bên trong do sức ép từ vụ nổ quá lớn. Vả lại, theo bà Ngọt, lòng hang Co Phương rất hẹp, phía vòm thông lên bầu trời, giặc Pháp thả hai quả bom hai bên hang khiến nó bị sập hoàn toàn... Vậy nên, 11 dân công hỏa tuyến đã ở lại đó.

Năm 2012, hang Co Phương được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Đến năm 2019 được được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Ký ức Điện Biên: Dội "bão lửa" lên đầu giặcKý ức Điện Biên: Dội 'bão lửa' lên đầu giặc

SKĐS - “Con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo... không hề làm nhụt đi ý chí của các chiến sĩ Điện Biên”, đó là những ký ức hào hùng một thời của các chiến sĩ Điện Biên được ôn lại tại buổi gặp mặt, tri ân.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn