Về Sơn Động tìm niềm vui thoát nghèo

23-11-2013 08:00 | Thời sự

Trước đây, nhiều nông dân ở vùng cao Sơn Ðộng, Bắc Giang chỉ biết làm nương rẫy thì nay đã có sự thay đổi. Du lịch cộng đồng đang mở ra cơ hội mới cho đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Trước đây, nhiều nông dân ở vùng cao Sơn Ðộng, Bắc Giang chỉ biết làm nương rẫy thì nay đã có sự thay đổi. Du lịch cộng đồng đang mở ra cơ hội mới cho đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Bản vui vì du lịch

Từ trung tâm xã An Lạc, đi gần 2km theo con đường bê tông vòng quanh cánh đồng là đến bản Nà Ó. Ấn tượng đầu tiên là những ngôi nhà gỗ nâu óng màu thời gian được chăm chút sạch sẽ, gọn gàng với hàng rào phên tre nứa đều tăm tắp, tạo khung cảnh thật thanh bình. Gia đình bà Châu Thị Sẹc (dân tộc Tày) là một trong 5 hộ ở Nà Ó được chọn làm địa điểm lưu trú cho khách du lịch. 2 năm qua, các thành viên trong gia đình luôn ý thức giữ gìn vệ sinh nhà cửa, sân vườn. Khuôn viên mát mẻ, khu vườn rộng hơn 2 mẫu với hoa quả "mùa nào thức nấy" ngát hương như: bưởi, hồng, na, khế, nhãn, xoài, cam, đu đủ, hoa phong lan... là thế mạnh hút khách tìm đến đây. Bà Sẹc cho hay: “Cách đây 2 tuần, nhà tôi có 6 người nước ngoài đến ở chung, họ còn rất trẻ và thích tìm hiểu văn hóa dân tộc, mong muốn được tham gia việc nhà như trồng rau, lấy củi, vào bếp nấu cơm, thu gom rác thải... Khách cũng rất thích được tắm và xông hơi bằng những loại lá thuốc lấy trên rừng”. Nhà bà Sẹc rộng 60m2, được sửa sang, nâng cấp, có các phòng nghỉ riêng, mỗi phòng có 2 giường đệm, 2 vòi nước sạch, nhà vệ sinh, khu chuồng trại chăn nuôi được chuyển cách xa nơi ở. Từ đầu năm đến nay, gia đình đón 5 đoàn khách, mỗi đoàn từ 5 - 6 người. Thông thường, mỗi người nghỉ tại đây sẽ trả cho gia đình 60 nghìn đồng/đêm (chưa bao gồm tiền ăn), khách thường mua mật ong, thuốc nam của bà về sử dụng. Tuy nhiên, điều mà bà Sẹc và những người dân trong bản vui hơn là được giao lưu, tìm hiểu lối sống, văn hóa của nhiều nơi, đặc biệt là tình cảm giữa chủ và khách ấm áp như người thân trong nhà. “Từ ngày làm du lịch, nhà tôi vui hẳn vì được sống chung với nhiều người. Mỗi khi phải chia tay, cả khách và chủ đều xúc động, có người còn tặng những đồ lưu niệm rất ý nghĩa”, bà Sẹc nói.

Về Sơn Động tìm niềm vui thoát nghèo 1
 Vườn rau nhà bà Sẹc có bàn tay chăm sóc của du khách.

Ngược lên Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thái (67 tuổi). Nhiều năm qua, đây là điểm lưu trú quen thuộc của du khách đến Tây Yên Tử. Căn nhà gỗ lim 5 gian chia nhiều phòng với đầy đủ giường, đệm, chăn màn có thể đáp ứng chỗ ngủ cho khoảng 20 khách. Bà Thái học từ cách nấu ăn, trải đệm cho đến hướng dẫn viên... Theo đánh giá của một số đơn vị lữ hành, cách phục vụ của gia đình bà khá chuyên nghiệp, chu đáo nên du khách rất hài lòng. Bà Thái cho biết, để có những món ăn hợp khẩu vị của từng khách thì phải đọc nhiều tài liệu nấu ăn và tìm hiểu trực tiếp qua du khách. Thông thường, khách Tây không ăn nội tạng động vật mà thích ăn đồ xào hơn là luộc, thậm chí nhiều người chỉ ăn chay... Các món ăn truyền thống của người dân tộc mà nhiều khách du lịch rất thích như: xôi ngũ sắc, bánh gio, bánh chưng. Ngoài ra còn các món cá suối nướng, gà nướng, ốc xào và các loại rau rừng.

Về Sơn Động tìm niềm vui thoát nghèo 2
 Du khách được thưởng thức món ăn dân dã của địa phương.

Nâng tính chuyên nghiệp

Nhờ lợi thế vùng rẻo cao nhiều phong cảnh đẹp cùng sự đa dạng, phong phú văn hóa dân tộc, Sơn Động có nhiều tiềm năng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng như ở Đồng Cao (Thạch Sơn), Ba Tia (Thanh Sơn), hồ Khe Chảo (Long Sơn)... Ông La Triệu Vân - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện cho biết: Sơn Động đã hình thành 2 điểm du lịch cộng đồng là Khe Rỗ và Đồng Thông, trong đó, đáng chú ý nhất là Khe Rỗ với 10 gia đình được đầu tư cơ sở vật chất đón tiếp khách. Tuy mới hình thành (khoảng 3 năm nay) nhưng bước đầu, cách làm này mang lại hiệu quả rõ nét, tạo việc làm và nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân từ việc chế biến những món ăn bản địa và khai thác sản vật như cá, ốc suối, lấy thuốc nam, nấm, rau rừng bán cho khách... Để thu hút du khách, xã An Lạc thành lập Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Khe Rỗ với các tổ phục vụ lên tới hàng chục người như: tổ hướng dẫn viên, nấu ăn, tổ văn nghệ, tổ thảo dược, nuôi ong, trông giữ xe... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổ chức phi Chính phủ GTV (Italia) còn tập huấn kinh nghiệm làm du lịch cho người dân như: phương pháp nấu ăn, cách dọn dẹp phòng ngủ, hướng dẫn viên, biểu diễn văn nghệ, hỗ trợ giới thiệu khách du lịch... Huyện Sơn Động cũng đầu tư xây dựng đường giao thông, bảo tồn các nghề truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc, xây dựng nhà sàn văn hóa... Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn coi du lịch là hoạt động phụ lúc nông nhàn, kinh nghiệm làm du lịch chưa nhiều nên còn bỡ ngỡ. Trong khi đó, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, đặc biệt là thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, mạng điện thoại ở những điểm du lịch kém, các tiết mục văn nghệ biểu diễn phục vụ khách còn đơn điệu, dịch vụ chưa phong phú, ngoại ngữ và cách giao tiếp của đồng bào hạn chế... Đó là những lý do chính khiến du lịch địa phương phát triển chưa tương xứng tiềm năng.

Về Sơn Động tìm niềm vui thoát nghèo 3
 Người dân xã An Lạc nấu ăn phục vụ du khách.
Cũng theo ông La Triệu Vân, để phát huy tốt hơn hơn nữa du lịch cộng đồng, Sơn Động cần tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là khu nhà nghỉ trong các hộ dân; có kế hoạch trồng, thu hoạch và chế biến thảo dược theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản và các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương để phục vụ du khách; vận động và hướng dẫn lớp trẻ tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng. Cùng đó, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, bảo tồn văn hóa các dân tộc tại những điểm du lịch này nhằm tạo sức hút với du khách... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm tăng cường quảng bá, hỗ trợ xúc tiến du lịch để thu hút nhiều du khách đến đây. Hy vọng trong tương lai không xa, du lịch không còn là nghề phụ mà trở thành công việc chính của những nông dân ở vùng cao Sơn Động.  

Từ đầu năm đến nay, có gần 600 du khách đến Khe Rỗ và Ðồng Thông lưu trú tại nhà dân (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Mỗi năm du lịch cộng đồng mang lại thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/1 hộ tham gia mô hình này.

Bài và ảnh: NGUYỄN HƯỞNG


Ý kiến của bạn