Hà Nội

Vệ sinh và dinh dưỡng cho trẻ nhiễm HIV

18-03-2019 07:09 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Đối với trẻ nhiễm HIV, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp trẻ phát triển bình thường về thể chất và tinh thần mà còn giúp trẻ có đủ sức khỏe chống lại bệnh tật và làm chậm quá trình chuyển sang AIDS...

Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, làm chậm quá trình chuyển sang AIDS và đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi có mẹ bị nhiễm HIV: Có thể khẳng định rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, bà mẹ bị nhiễm HIV cho con bú có thể lây HIV cho con qua sữa mẹ. Vì vậy, bà mẹ nhiễm HIV có thể lựa chọn theo hai cách: Cho ăn sữa ngoài hoặc bú mẹ.

Hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách.

Hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách.

Nếu bà mẹ có đủ điều kiện cho trẻ ăn các loại sữa khác không phải sữa mẹ (tốt nhất là cho trẻ ăn sữa bột dành riêng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi). Với cách này có ưu điểm: trẻ sẽ không bị lây truyền HIV qua sữa mẹ nhưng có nhược điểm: không phải là thức ăn tốt nhất cho trẻ, dễ bị nhiễm khuẩn nếu pha sữa không đúng, không vệ sinh, đắt tiền. Vì vậy, nếu bạn chọn sữa bột thay thế sữa mẹ, cần phải biết cách pha sữa đúng, cho trẻ ăn đủ số lượng ghi trên nhãn hộp, vệ sinh khi pha sữa (rửa tay, luộc dụng cụ pha chế...) và phải có đủ tiền để mua sữa.

Nếu bà mẹ không có đủ điều kiện để cho trẻ ăn sữa khác thì cho trẻ bú mẹ. Với cách này có ưu điểm, đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có các yếu tố chống nhiễm khuẩn giúp trẻ phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn và không mất tiền nhưng có nhược điểm là có thể lây HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ.

Khi đã chọn cách cho trẻ bú mẹ cần cho bú mẹ hoàn toàn mà không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước lọc (trừ thuốc theo chỉ định của bác sĩ). Cho bú đúng cách (miệng mở rộng, ngậm sâu vào quầng đen của vú), tránh viêm nhiễm và xây xát đầu vú. Phát hiện và điều trị sớm viêm loét, tưa miệng ở trẻ. Có thể diệt HIV bằng cách vắt sữa mẹ (bằng tay hoặc dùng bơm), đun sôi rồi làm nguội ngay bằng cách ngâm cốc sữa vào nước lạnh, cho ăn bằng cốc/ly, thìa/muỗng. Chỉ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong một vài tháng đầu vì thời gian bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú mẹ vừa ăn sữa khác có thể gây tiêu chảy, tổn thương ruột làm HIV dễ xâm nhập cơ thể trẻ. Sau khi cai sữa, cho trẻ ăn sữa khác thay thế sữa mẹ.

Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi: Cho ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm). Sữa (sữa hộp, sữa tươi, sữa đậu nành...) là  một phần chế độ ăn của trẻ nhiễm HIV.

Thực phẩm cho trẻ đủ 4 nhóm. Nấu bột hay cháo cần có: thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ, trứng hoặc lạc, vừng; rau, củ, quả như rau ngót, rau dền, rau muống, bí ngô. Thêm 1-2 thìa mỡ hay dầu ăn. Quả chín đặc biệt tốt cho trẻ nhiễm HIV, nên cần chú ý cho trẻ ăn hàng ngày.

Về số bữa ăn bổ sung trong ngày: Trẻ từ 6-12 tháng tuổi có thể cho ăn 2-3 bữa/ngày. Trẻ từ 13-24 tháng tuổi cho ăn 3-4 bữa/ ngày kèm thêm 2 bữa phụ như nước quả hay quả chín, sữa bò hay sữa đậu nành, bánh quy... Nếu trẻ không ăn thêm sữa, cho ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ/ngày.

Đối với trẻ trên 2 tuổi: trẻ ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1-2 bát, ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ: Sữa, bánh, quả chín. Bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thức ăn từ nguồn sẵn có tại địa phương: chất bột (gạo, ngô...), chất đạm từ các loại thịt (tốt nhất là thịt bò và thịt gia cầm) và đậu đỗ (đậu phụ, vừng, lạc), chất béo (từ dầu thực vật và mỡ động vật, nên chọn mỡ gà, vừng lạc), vitamin, chất khoáng và chất xơ (rau củ, rau lá và quả chín). Chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh. Cần cho trẻ uống đủ nước, mỗi ngày 6-8 cốc nước (200ml/cốc) gồm nước đun sôi, nước rau, nước quả.

(Theo tài liệu của Bộ Y tế)


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn