Thực tế cho thấy, bếp ăn tập thể cũng là những điểm nguồn của nhiều vụ ngộ độc tập thể... Làm cách nào để giảm hoặc xóa bỏ nỗi lo này?
Nguy cơ vẫn rình rập
Còn nhớ tháng 11/2018, một vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non xã Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) khiến 223 trẻ và các giáo viên phải nhập viện điều trị với đủ các triệu chứng sốt, đau bụng, đi ngoài... Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 13 mẫu thức ăn lưu để kiểm nghiệm, kết quả phát hiện có 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella. Mẫu bánh ngọt này được cung cấp bởi Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát, có địa chỉ tại Phố Và (phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Trước thời điểm đó khoảng 1 tháng là vụ ngộ độc tập thể hàng chục trẻ nghi do ăn sáng với bánh mỳ chà bông tại TP.HCM. Và 1 vụ ngộ độc khiến 99 công nhân của Công ty TNHH NYG Việt Nam (Khu Công nghiệp Long Khánh, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) có các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, đau đầu.
Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở cần gắn liền với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có gần 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 4.256 bếp ăn tập thể (trong đó có 457 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất) mỗi bếp ăn phục vụ từ 80 - 3.000 suất ăn/ngày. Có 2 hình thức dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp: Đơn vị có bếp ăn tập thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống (chiếm 80%) và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên (chiếm 20%).
Một điểm tập trung số lượng lớn bếp ăn tập thể khác là TP.HCM hiện có hơn 4.000 bếp ăn tập thể, trong đó có 279 bếp ăn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô phục vụ hàng chục ngàn suất/ngày. Qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất - khu công nghiệp vừa qua của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho thấy: đa số các công ty ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp từ bên ngoài.
Đây là nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dễ xảy ra ngộ độc bởi vì các cơ sở chế biến suất ăn sẵn ở xa các bếp ăn tập thể, thời gian vận chuyển thức ăn chín từ nơi chế biến đến nơi phục vụ khá dài, phương tiện vận chuyển không bảo đảm, có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường.
Cần gắn chặt trách nhiệm
Đối với bếp ăn trường học, theo Luật ATTP, việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Với cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và phải đảm bảo đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất... Ngành giáo dục cũng thường xuyên quán triệt các trường về vấn đề đảm bảo ATTP, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Ban giám hiệu nhà trường và Ban phụ huynh trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.
Mặc dù những DN cung cấp thực phẩm vào các trường học đều đã được thẩm định hồ sơ năng lực, tuy nhiên, nhiều nhà trường vẫn luôn trăn trở khi phải tự kiểm định thực phẩm đầu vào hàng ngày bằng mắt thường. Hiện tại, “công tác” kiểm tra của các lực lượng này đều dựa vào “công cụ” là mắt thường. Với mặt hàng rau, thịt thì việc kiểm tra tại chỗ chỉ giúp nhận biết thực phẩm theo đúng hồ sơ của doanh nghiệp, có nhãn mác, không dập nát, đổi màu nhưng không thể biết được thực phẩm đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay kháng sinh không. Ngoài ra còn nhiều công ty cung cấp suất ăn chỉ lo “làm đẹp” hồ sơ để nhận thầu và hạ giá hoặc chi mạnh tay “hoa hồng” cho đối tác để lấy được hợp đồng cung cấp, dẫn đến khó có thể đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hằng năm, nhưng đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng kém, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng hơn.
Một nguyên nhân không thể không kể tới là chi phí suất ăn, đây là nguyên nhân khiến thực phẩm sạch khó tiếp cận được với các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp. Một giám đốc công ty cung cấp thực phẩm sạch cho biết, doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra được chứng nhận bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và mong muốn kết nối bán hàng vào hệ thống bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân nhưng không dễ dàng. Bởi lẽ các bếp ăn đều có “chân rết”, có mắt xích và có đường dây cung cấp thực phẩm riêng. Ngoài ra, giá cả suất ăn dành cho công nhân ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất rất thấp, phổ biến từ 10.000 - 13.000 đồng/suất. Đó là lý do khiến nhiều cơ sở nấu ăn phải lựa chọn nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng...
Thiết nghĩ, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý ATTP thì cần tăng trách nhiệm của những người đứng đầu cơ sở trường học, nhà máy... với bếp ăn tập thể hay các công ty cung cấp suất ăn. Đồng thời là việc tăng cường giám sát thường xuyên và đột xuất của đội ngũ tại chỗ như phụ huynh học sinh, tổ chức công đoàn công ty.