Vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh

11-01-2013 15:05 | Phòng mạch online
google news

Việc chăm sóc bệnh nhân của người nhà hoặc của nhân viên y tế có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Vì vậy, vệ sinh tay là một việc làm dễ dàng, đơn giản nhưng đây là một trong những biện pháp quan trọng cần quan tâm thực hiện để phòng ngừa sự lây nhiễm bệnh có khả năng xảy ra.

Việc chăm sóc bệnh nhân của người nhà hoặc của nhân viên y tế có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Vì vậy, vệ sinh tay là một việc làm dễ dàng, đơn giản nhưng đây là một trong những biện pháp quan trọng cần quan tâm thực hiện để phòng ngừa sự lây nhiễm bệnh có khả năng xảy ra.

Khi tiếp xúc với bất kỳ một người bệnh nào, người nhà bệnh nhân kể cả nhân viên y tế cần phải vệ sinh tay cẩn thận trước, trong và sau khi tiếp xúc bệnh nhân. Phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước máy khi thấy tay bẩn hoặc bị dính các chất có chứa protein. Có thể sử dụng các sản phẩm có chứa cồn để khử trùng tay thường xuyên nếu không thấy tay bẩn. Chú ý không nên sử dụng sản phẩm rửa tay có chứa cồn khi thấy rõ bàn tay đã bị nhiễm bẩn. Cũng không nên sử dụng sản phẩm rửa tay có chứa cồn để khử khuẩn sau khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch của cơ thể người bệnh mặc dù da tay không bị tổn thương hay xây xát. Trong những trường hợp này bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước máy và sấy khô tay.

Vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh 1

Cách rửa tay với xà phòng và vòi nước máy

- Làm ướt bàn tay bằng nước máy.

- Xoa đủ xà phòng vào toàn bộ bề mặt của hai bàn tay.

- Chà hai lòng bàn tay vào nhau.

- Chà lòng bàn tay bên phải lên mu bàn tay bên trái với các ngón tay đan xen vào nhau và làm ngược lại.

- Chà hai lòng bàn tay áp vào nhau với các ngón tay đan xen.

- Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này áp vào lòng bàn tay kia với các ngón tay nắm chặt lại.

- Lần lượt chà ngón cái bàn tay trái bằng cách nắm lấy nó vào lòng bàn tay phải và ngược lại.

- Lần lượt chà lên hay xuống với các ngón tay phải chụm lại trong lòng bàn tay trái và ngược lại.

- Rửa sạch hai bàn tay bằng nước dưới vòi nước máy.

- Lau khô tay bằng khăn lau sử dụng một lần.

- Sử dụng khăn lau tay để vặn tắt vòi nước.

Thực hiện các động tác trên trong khoảng thời gian từ 40 - 60 giây sẽ có được hai bàn tay an toàn.

Cách chà tay với dung dịch có chứa cồn

- Bơm dung dịch vào lòng bàn tay được khum lại, láng đều các bề mặt.

- Chà hai lòng bàn tay vào nhau.

- Chà lòng bàn tay bên phải lên mu bàn tay bên trái với các ngón tay đan xen vào nhau và làm ngược lại.

- Chà hai lòng bàn tay áp vào nhau với các ngón tay đan xen.

- Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này áp vào lòng bàn tay kia với các ngón tay nắm chặt lại.

- Lần lượt chà ngón cái bàn tay trái bằng cách nắm lấy nó vào lòng bàn tay phải và ngược lại.

- Lần lượt chà lên hay xuống với các ngón tay phải chụm lại trong lòng bàn tay trái và ngược lại.

Thực hiện các động tác trên trong khoảng từ 20 - 30 giây sẽ có được hai bàn tay an toàn.

Thực hiện việc vệ sinh tay đúng quy định

Việc thực hiện vệ sinh tay cần được thực hiện ngay tức thì khi người nhà bắt đầu tiếp xúc với người bệnh hoặc nhân viên y tế vừa đến nơi cơ sở y tế để làm việc.

Trước khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, cần đeo găng tay khi thực hiện các thủ thuật chăm sóc hay tiếp xúc với cơ thể người bệnh như tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch... Ngoài ra, cũng phải được thực hiện khi chuẩn bị thuốc, chuẩn bị xử lý, phục vụ thức ăn và cho bệnh nhân ăn. Đồng thời, cần chú ý rửa tay cẩn thận khi rời người bệnh được chăm sóc và rời cơ sở y tế trước khi về nhà.

Trong khi thực hiện một số thủ thuật trên cùng một bệnh nhân cũng phải rửa tay vì tay có thể bị nhiễm bẩn mặc dù đã đeo găng tay. Để phòng tránh sự lây nhiễm chéo cho các bộ phận khác nhau của cơ thể người bệnh, cần rửa tay trước khi thực hiện các công việc chăm sóc khác ở các bộ phận khác của cùng một người bệnh.

Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, phải tháo găng tay, cởi bỏ các phương tiện phòng hộ cá nhân. Phải rửa tay cẩn thận khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, chất dịch tiết, chất bài tiết, dịch tiết từ vết thương người bệnh và các dụng cụ, thiết bị đã bị nhiễm bẩn; tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt đã biết trước hoặc nghi ngờ có khả năng dính máu, chất dịch cơ thể, chất bài tiết của bệnh nhân như bô, chậu nước tiểu, băng bó vết thương... dù có đeo găng tay hay không đeo găng tay. Một vấn đề cũng cần chú ý là phải rửa tay sau khi thực hiện các sinh hoạt cá nhân như sử dụng nhà vệ sinh để tiểu tiện, đại tiện; lau mặt mũi hoặc xỉ mũi...

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH


Ý kiến của bạn