Hà Nội

Vệ sinh tay chống nhiễm khuẩn và giảm thiểu rác thải nhựa tại bệnh viện

12-09-2019 11:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngành y tế hiện có hơn 13.000 cơ sở y tế, khoảng 150 triệu bệnh nhân nội trú, khoảng 450 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú hàng năm, bình quân mỗi ngày các cơ sở y tế trên tòan quốc phát thải ra khoảng 20.000kg chất thải nhựa và túi ni lông.

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế của Bộ trưởng Bộ Y tế, chiều 11/9, tại Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã diễn ra lễ phát động Vệ sinh tay và Giảm thiểu rác thải nhựa - Thay đổi vì cuộc sống xanh. Cùng với đó, Trung tâm cũng tổ chức chương trình “Trung thu xanh” dành cho các em thiếu nhi đang điều trị tại đây.

Theo TTƯT. BSCK II Ngô Hữu Hà - PGĐ BVĐK tỉnh Phú Thọ, Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, nhiễm khuẩn bệnh viện và rác thải nhựa trong y tế cũng như trong sinh hoạt hàng ngày hiện nay đang trở thành vấn đề toàn cầu, được đặc biệt quan tâm không chỉ ở những nước phát triển mà còn là vấn đề của hầu hết các nước trên thế giới.

Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gây tử vong ở người bệnh trong bối cảnh vi khuẩn đa kháng thuốc xuất hiện nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng nhiễm khuẩn bệnh viện đó là sự không tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế trong chăm sóc và điều trị người bệnh.

Lễ phát động Vệ sinh tay và Giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, cứ 100 người nằm viện thì có khoảng 7 người mắc thêm một bệnh nhiễm trùng mới. Việc bội nhiễm này một phần do chính nhân viên y tế không tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có tình trạng không chú ý đến rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Cũng theo WHO, tay bẩn của nhân viên y tế có chứa những loại vi khuẩn làm tăng tình trạng bệnh do nhiễm khuẩn ở bệnh nhân, hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Từ thực trạng này, Tổ chức Y tế tế thế giới kêu gọi nhân viên y tế phải chú ý đến việc rửa tay thường xuyên hơn nữa bằng dung dịch sát trùng; nếu không có những dung dịch này thì nhất thiết phải rửa bằng xà phòng thường.

Lãnh đạo Trung tâm Sản Nhi cũng cho biết, bên cạnh vấn đề về nhiễm khuẩn bệnh viện, chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế (như: bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, vật liệu, đồ dùng trong y tế) cũng đang là thách thức đối với không chỉ riêng ngành y tế, đó còn là thách thức đối với nhân loại ngày nay.

Ước tính khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn chất thải nhựa trên thế giới xả vào đại dương/1 năm. Tại Việt Nam, ngành y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, khoảng 150 triệu bệnh nhân nội trú, khoảng 450 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú hàng năm, bình quân mỗi ngày các cơ sở y tế trên tòan quốc phát thải ra khoảng 20.000kg chất thải nhựa và túi ni lông.

Nhân viên y tế thực hành rửa tay bằng xà phòng để tránh nhiễm khuẩn.

BSCK II. Ngô Hữu Hà trao quà cho bệnh nhi nhân dịp Trung thu.

Đưa việc giảm sử dụng chất thải nhựa vào tiêu chí đánh giá chất lượng BV

Để "Thay đổi vì cuộc sống xanh", ông Hà cho biết, Trung tâm Sản Nhi sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng. phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại các đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi.

Đồng thời, đưa tiêu chí giảm sử dụng chất thải nhựa là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, bệnh viện xanh sạch đẹp, thân thiện với môi trường.

Trong công tác đầu thầu vật tư tiêu hao, hạn chế tối đa các vật liệu nhựa sử dụng một lần; thường xuyên kiểm tra đánh giá toàn diện Đổi mới phong cách, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, kết hợp đánh giá bệnh viện xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.

Hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống đồng thời hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh vệ sinh tay đúng cách, đúng các thời điểm để đảm bảo hiệu quả, phòng ngừa nhiễm khuẩn.... - ông Hà nói.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn