Ve sầu, không dùng cho người hư hàn

08-05-2012 17:12 | Y học cổ truyền

Ve sầu tên khoa học là Cryptotympata japonica Kate., họ ve sầu (Cicadae), là loại côn trùng có rất nhiều ở nước ta.

Ve sầu tên khoa học là Cryptotympata japonica Kate., họ ve sầu (Cicadae), là loại côn trùng có rất nhiều ở nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc là xác ve sầu lột (thuyền thoái, thuyền y). Thành phần hoá học: xác ve sầu chứa chất kitin. Theo Đông y, xác ve sầu vị mặn, tính hàn; vào kinh phế và can. Có tác dụng tức phong, cắt cơn kinh giật; ngoài ra trị sốt nóng, thu màng mộng mờ mắt, thúc sởi mọc. Liều dùng: 4 - 12g. Bệnh nặng có thể uống tới 60g.

Xác ve sầu được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Chữa chứng hay đau đầu chóng mặt: Xác ve sầu sao qua, tán bột. Mỗi lần uống 4g, uống với rượu hay nước ấm.

Chữa mắt có màng mộng: xác ve sầu 6g, cúc hoa 6g, tán nhỏ. Uống 1 lần với nước có hoà ít mật ong.

Các chứng bệnh mắt đỏ sưng đau, kéo màng mộng do phong nhiệt:

xác ve sầu 6g, mật mông hoa 6g, cỏ dùi trống 16g, mạn kinh tử 12g, khương hoạt 8g, quả dành dành 8g, kinh giới 12g, hoàng cầm 8g, mộc tặc 8g, cúc hoa 12g, bạch tật lê 12g, phòng phong 12g, hạt muồng 12g. Nghiền thành bột. Mỗi lần uống 8g, ngày 3 lần, uống với nước chè hay nước sắc kinh giới hoặc sắc uống.

Chữa sốt nóng, co giật trẻ em: xác ve sầu 3g, câu đằng 6g. Sắc lấy 50ml, thêm ít đường. Uống 1 - 2 lần trong ngày.

Trị sốt nóng, làm ra mồ hôi: Dùng cho các chứng cảm mạo phong nhiệt: xác ve sầu 12g, bạc hà 12g. Nghiền thành bột, uống với rượu trắng loãng.

Trị cảm mạo, ho mất tiếng: xác ve sầu 12g, bàng đại hải 16g. Sắc uống.

Chữa cảm mạo, viêm khí quản, ho mất tiếng: xác ve sầu 3g, ngưu bàng tử 10g, cam thảo 3g, cát cánh 5g. Sắc với 400ml nước, lấy ra 200ml. Chia uống 3 lần trong ngày.

Thoát độc ra, thúc sởi mọc: xác ve sầu nghiền thành bột. Mỗi lần uống 2 - 4g, uống với nước đun sôi còn ấm hoặc sắc uống.

Kiêng kỵ: Người thuộc chứng hư và không có phong nhiệt không được uống. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.           

TS. Nguyễn Đức Quang


Ý kiến của bạn