Về nơi trồng rừng để “dưỡng” chiêng, nuôi cá…

06-05-2019 14:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giữa lúc những cánh rừng tự nhiên ở Đắk Lắk vẫn liên tục bị xâm hại bởi lòng tham vô đáy của đủ loại “lâm tặc” khiến thiên nhiên đảo lộn, nỗi lo âu lùa vào ánh mắt thẫn thờ, tiếc nuối của hàng triệu người thì bà Đinh Thị Toan (ở Nguyễn Thị Định, Buôn Ma Thuột) cùng các cộng sự của mình dốc cạn gia sản mua đất, cần mẫn ươm xanh lại những cánh rừng để “dưỡng” chiêng, nuôi cá, trồng hoa...

Ước vọng từ cây Kơ Nia 200 tuổi…

Rẽ vào hẻm 369 đường Nguyễn Thị Định (Buôn Ma Thuột), nhìn những khoảng rừng đang từng ngày sinh sôi, hút cao lên phía những sườn đồi là cây Kơ Nia cổ thụ 200 tuổi,  nhiều già làng ở Tây Nguyên bừng lên niềm hân hoan. Rừng xanh lên nghĩa là sông suối, ao hồ cũng mát trong trở lại, sức khỏe con người được “tẩm bổ” thêm trong chính không gian ấy.

Để ý nghĩ của mình vận động cùng những dự định mới, bà Đinh Thị Toan thổ lộ: Sống ở Đắk Lắk nhiều năm, đã đi qua bao nhiêu nỗi truân chuyên, vất vả, tôi cảm nhận sâu sắc, rõ ràng rằng, khi được cây xanh bao bọc thì mạch nguồn thiên nhiên sẽ cho ta nhiều đặc ân. Đó là sự dịu lại của thời tiết, che chắn bớt giông bão và sự khắc nghiệt của nắng hạn.

Nhìn từ xa, ngọn cây Kơ Nia di sản phủ cả một góc rừng

Sau những ngày “đánh vật” với đất bạc màu để trồng rừng, đào ao, khơi suối… ngồi bên cây Kơ Nia, bà Toan vỡ lẽ ra rằng, đây là loài cây thân thương, đi vào suy nghĩ của nhiều thế hệ. Dễ cây cắm sâu xuống đất, bốn mùa xanh tốt. Đặc biệt, cây này thường mọc ở những nơi có nhiều khoảnh rừng khác bọc lấy. Điều ấy như đánh thức trong lòng người khát vọng hãy tăng cường trồng rừng và cây xanh.

Khi màu xanh đã phủ kín nhiều khoảnh đất trống, bà Toan đặt tên khu đất rừng rộng hơn 20 héc-ta của mình là Khu đồi trầm T và T. Và, những ngày đầu tháng 3/2019, cây Kơ Nia 200 tuổi đã được chính thức công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Các nghệ nhân người bản địa biểu diễn chiêng trong không gian xanh

Cây Kơ Nia hứng nắng gió của Khu đồi trầm T và T như sinh trưởng mạnh mẽ và rắn chắc hơn. Bà Toan tâm tình: Đã là Cây di sản rồi nên mình càng có ý thức bảo vệ hơn. Trước kia bước vào khu đất 20 héc ta này rất bức bối, giờ đây thì mát lành hẳn rồi. Mong rằng, ngày càng có nhiều không gian xanh như thế này che chở các đô thị. Bất kể khách dù xa hay gần muốn đến chiêm ngưỡng cây Kơ Nia di sản này đều được chào đón nồng nhiệt.

Tiếng chiêng như tiếng lòng

Khi màu xanh đã hiện hữu, những chiếc ao trữ nước được tạo nên dưới những ngọn đồi cho hàng chục loài cá sinh sôi thì bà Toan lại bật lên ý tưởng nữa là: Tạo ra không gian sáng bừng ngọn lửa củi, để các nghệ nhân cồng chiêng gõ nhịp hòa cùng giai điệu “Mừng khách đến”, “Nghĩa tình cuộc sống”…

Bà Toan (thứ 3 từ phải qua) kể về dự định tạo không gian cồng chiêng

Nhiều nghệ nhân người dân tộc bản địa Tây Nguyên dồn cả tâm tình vào từng điệu chiêng. Khách đến nghe càng mê, các đêm diễn tấu càng rày hơn. Để lại ấn tượng khó phai trong lòng người nghe, đời sống của các nghệ nhân cũng được cải thiện từ những đồng tiền thêm vào, dù chưa lớn.

Nhìn những khoảnh rừng nối tiếp nhau quanh các ao nước, bà Đinh Thị Toan chia sẻ: Mình tạo ra không gian này để ai đến cũng có thể cảm nhận được tác dụng của không gian sinh thái. Mọi thứ đều “cây nhà, lá vườn”. Khách có thể dùng con cá dưới ao, dưới suối, con heo thả trên sườn rừng rồi đắm mình trong tiếng chiêng và men rượu cần của chính đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất này làm. Những câu chuyện độc đáo về vùng đất phóng túng, huyền bí này cũng được kể ra bởi những già làng.


Bài và ảnh Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn