Hà Nội

Vé máy bay Tết: Dò dẫm bán, ngắc ngoải mua

01-11-2012 09:30 | Thời sự
google news

Vé máy bay Tết năm nay mở bán muộn, giá không hề rẻ. Lượng khách sụt giảm buộc hàng không nội địa phải tính toán thận trọng, còn người tiêu dùng đành phải chia sẻ khó khăn với các hãng bay.

Vé máy bay Tết năm nay mở bán muộn, giá không hề rẻ. Lượng khách sụt giảm buộc hàng không nội địa phải tính toán thận trọng, còn người tiêu dùng đành phải chia sẻ khó khăn với các hãng bay.

Quyết định đặt mua vé máy bay Tết khá sớm (từ đầu tháng 8), nhưng cuối cùng, N.H.P - nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chưa thể mua vé cho hai mẹ con ra Hà Nội ăn Tết. Cuối cùng, cô đành đặt tạm vé của Vietnam Airlines - với giá ngất ngưởng hạng Thương gia (hơn 5 triệu đồng/người, tổng cộng hết hơn 20 triệu đồng, khứ hồi) do không biết rằng hãng này chưa mở bán vé Tết. Sau đó, chờ thêm một thời gian, P. đã đặt được vé với giá hơn 2,4 triệu đồng/chiều của hãng hàng không giá rẻ khác. Cô chấp nhận mất 1,2 triệu đồng để huỷ vé của Vietnam Airlines, nhưng giúp P. tiết kiệm được gần chục triệu.

Mở bán vé Tết muộn, chia nhỏ nhiều đợt, vừa bán vừa thăm dò phản ứng của thị trường là tình trạng chung của các hãng hàng không nội địa năm nay.

Hãng hàng không tư nhân AirMekong mở bán vé Tết đầu tiên, từ ngày 20/9, với thông báo đây chỉ là đợt một. 20 ngày sau, lần lượt hai hãng hàng không giá rẻ là VietJetAir (VJA) và Jetstar Pacific Airlines (JPA) đều công bố bán vé Tết kèm chương trình khuyến mại. Với số lượng 110.000 vé máy bay phục vụ Tết nguyên đán, JPA mở bán hai chiều khứ hồi, bắt đầu từ sáng 11/10. Riêng chiều từ phía Nam ra Bắc trong giai đoạn 15 ngày trước Tết và từ Bắc vào Nam giai đoạn 15 ngày sau Tết, Jetstar Pacific sẽ mở bán trước 24.000 chỗ (800 chỗ/ngày), còn lại sẽ tiếp tục mở bán trong các đợt sau.
Các hãng phải tăng cường thuê máy bay mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Kỳ vọng nhu cầu đi lại của hành khách sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước trên đường bay TP.HCM - Hà Nội (và ngược lại), tăng 13% trên đường bay TP.HCM - Đà Nẵng, trong thông báo mới nhất, Vietnam Airlines quyết định bán vé Tết làm hai đợt. Trong đợt 1, từ hôm nay (1/11), hãng này mở bán 75% số chỗ cung ứng cho giai đoạn cao điểm và đợt 2 (dự kiến giữa tháng 12/2012) mở bán 25% số chỗ còn lại.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng cho biết từ 25/1 đến 2/3/2013 (tức từ 14 tháng Chạp đến 21 tháng Giêng âm lịch) sẽ tăng thêm khoảng 1.000 chuyến bay, bổ sung gần 174.500 ghế cho hành khách đi lại trong dịp Tết trên 10 đường bay có nhu cầu lớn về tải; trong đó, nhiều nhất là đường bay TP.HCM - Hà Nội với khoảng 82.600 ghế, tăng 27%...

Chưa biết mức giá của Vietnam Airlines tung ra như thế nào, song, đến thời điểm này, nếu hành khách bay vào khoảng 5/2-15/2/2012 (tức từ 25 tháng chạp đến mùng 6 Tết) sẽ phải chịu mức giá tương đối cao. Với hàng không giá rẻ như JPA hay VJA, giá vé phổ biến khoảng 2,6 triệu đồng/vé/chiều chặng TP.HCM - Hà Nội (chưa kể thuế VAT, phí sân bay), Air Mekong chỉ còn giá 3 triệu đồng.
Kinh doanh đường bay nội địa năm nay dự báo khó khăn do lượng khách đi lại sụt giảm.

Lý do khiến các hãng hàng không nội địa thận trọng trong việc mở bán vé Tết là ngoài đặc điểm cố hữu về tình trạng bay lệch đầu, với một chuyến bay gần như rỗng (từ TP.HCM ra Bắc ăn Tết quá tải, còn từ Hà Nội vào Nam thì vắng khách), thì tình hình kinh doanh khó khăn, lượng khách nội địa sụt giảm cũng khiến các hãng phải so đo tính toán. Bởi, lần đầu tiên, thị trường hàng không nội địa sụt giảm trong 7 tháng đầu năm. Dự báo, sản lượng vận chuyển nội địa của "anh cả" Vietnam Airlines giảm tới 7,5% so với kế hoạch đầu năm.

Chính vì vậy, năm nay, Hàng không quốc gia Vietnam Airlines buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh. Doanh thu, lợi nhuận không chỉ trông chờ vào các đường bay quốc tế đang bị cạnh tranh gay gắt, mà hãng cũng phải linh hoạt điều chỉnh tần suất bay, giá vé trên các đường bay nội địa để hút khách. Hơn nữa, bản thân hãng cũng "nặng nợ" bởi khoản tiền 6 triệu USD trích lập dự phòng cho khoản lỗ gần 10 triệu USD khi nhận JPA về.

Đối với các hãng hàng không mới như VJA, mặc dù thành công bước đầu nhưng áp lực cạnh tranh với anh cả Vietnam Airlines - gần như độc chiếm thị trường, cộng với việc mở đường bay mới (trong đó có cả đường bay quốc tế, dự kiến sẽ khai trương tháng 12/2012), gánh nặng chi phí sẽ là áp lực lớn. JPA vẫn đang thua lỗ và kinh doanh cầm chừng, với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ đối thủ giá rẻ VJA. Air Mekong năm nay cũng khó khăn do lượng khách trong nước sụt giảm, chưa kể với máy bay nhỏ rất hạn chế nên hãng quyết định phải thuê thêm tàu bay A320 để tăng năng lực khai thác.

Rõ ràng, khi số lượng hành khách sụt giảm, thì kể cả việc kiến nghị tăng vé máy bay (khoảng 3-4%) mới đây các hãng cũng chưa dám mạo hiểm áp dụng do lo ngại tình hình còn thê thảm hơn.
 
Theo VEF

Ý kiến của bạn