Thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, an toàn, nhằm mục tiêu sớm có vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả cho người dân Việt Nam.
Đây là thông tin do Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y đưa ra vào sáng 26/3, tại buổi tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đến thăm và động viên động viên lực lượng tham gia nghiên cứu vắc xin, các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên và cám ơn các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, tất cả các cơ quan, lực lượng thúc đẩy tối đa việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước theo đúng quy trình, quy chuẩn, "khẩn trương, rút ngắn thời gian, nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học".
Liên quan đến thông tin tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, cho biết, giai đoạn 1 thử nghiệm an toàn, tạo ra kháng thể và khả năng trung hòa virus tốt, đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (BN117).
Giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin với số lượng mẫu lớn hơn giai đoạn 1 (tiêm cho 560 tình nguyện viên), tiếp tục làm thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm, nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đó. Dự kiến cuối tháng 4/2021 sẽ kết thúc mũi tiêm thử nghiệm thứ 2 của giai đoạn 2.
Với tiến độ như hiện nay, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 có thể trình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thông qua giai đoạn 3, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn”- GS.TS Đỗ Quyết nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một tình nguyện viên cao tuổi đang theo dõi sau tiêm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Cũng theo Giám đốc Học viên Quân y, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới về nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, điều quan trọng nhất phải đánh giá được hiệu quả của vắc xin trong việc bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh trong môi trường có thể có lây nhiễm trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, khi có một vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, cho phép lưu hành như AstraZeneca, có thể cho phép đối chứng nhằm “thử nghiệm hơn kém” so với vắc xin đó, xem hiệu lực bảo vệ của sinh kháng thể, khả năng diệt virus của vắc xin thử nghiệm. Nếu tương đương, vắc xin được cấp phép và sử dụng.
Do đó, GS,TS Đỗ Quyết cho biết, giai đoạn 3 của quá trình tiêm thử nghiệm, sẽ tiêm vắc xin AstraZeneca cho 5.000 người và tiêm vắc xin Nano Covax cho 5.000 người để đối chứng.
“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học để so sánh về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn, hiệu quả sinh kháng thể và hiệu quả diệt virus”- Giám đốc Học viện Quân y nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng, với phương pháp này, đến tháng 9/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa COVID-19 tự sản xuất.
Trong giai đoạn 2, vắc xin Nano Covax được tiêm thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An, do Viện Pasteur TPHCM cùng tham gia) từ ngày 25/3-6/4, mỗi đơn vị sẽ tiêm cho 280 tình nguyện viên. Ảnh: VGP/Đình Nam
Giai đoạn 2 tiêm thử nghiệm có 560 tình nguyện viên tham gia, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1... không quá nặng.
Các tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm tiêm thử, trong đó 80 người được tiêm “giả dược”; các tình nguyện viên còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg.
Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên trên 60 tuổi; tình nguyện viên cao tuổi nhất 76 tuổi. Đợt tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu: Học viện Quân y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).