Cận cảnh người dân làng Tranh Khúc chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh chưng.
Làng nghề gói bánh chưng Tranh Khúc, (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu được nhiều người biết đến là nơi làm ra hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày phân phối cho khu vực Hà Nội và một số địa phương lân cận. Những ngày này, dân làng tất bật chạy đua với thời gian để kịp phục vụ Tết Nguyên đán 2024.
Được biết, từ thời bao cấp, làng Tranh Khúc đã có nghề gói bánh chưng, tuy nhiên con số chưa nhiều. Theo thời gian, khi xã hội ngày một phát triển, số người dân bỏ đồng ruộng chuyển sang làm nghề gói bánh chưng tăng lên đáng kể.
Theo người dân Tranh Khúc, nếu như trước kia khoảng 40-50% hộ dân của làng làm nghề gói bánh thì đến nay tăng lên khoảng 70-80%. Hộ dân làm nghề tăng dẫn đến sản lượng bánh được sản xuất ra cũng tăng lên đáng kể.
Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh chưng là gạo nếp, người dân làng Tranh Khúc thường sử dùng gạo nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu (Nam Định).
Nhân bánh là đậu xanh Gia Lai, tuy hạt không to nhưng béo ngậy và thơm hơn, lên màu vàng óng.
Lá dong lấy lá dong nếp Tràng Cát (H.Thanh Oai) được trồng bằng nước sông Đáy.
"Nếu không tính dịp Tết thì ngày bình thường nhà cô gói từ 300 đến 500 cái/ngày, dịp cận Tết Nguyên đán thì từ 1000 đến 3000 cái, thậm chí đến cả 1 vạn cái. Bởi gói bánh chưng là nghề và phải gói nhanh thì mới kịp phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trên cả nước", bà Nguyễn Thị Dạp (63 tuổi, chủ một cơ sở gói bánh chưng) tại làng Tranh Khúc cho biết.
Nghề gói bánh chưng ở đây là do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, tạo nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng, bà Dạp cho biết thêm.
Là làng nghề bánh chưng nổi tiếng nên đa số lớp kế cận đều tiếp nối nghề này theo "cha truyền con nối". Những người trẻ học và làm nghề rất giỏi, họ trở thành lao động chính. Anh Nguyễn Văn Sơn (chủ xưởng bánh chưng Phong Sơn - Đội 1) chia sẻ: "Từ bé tôi đã được ông bà, cha mẹ chỉ cách làm và có thể tự gói được bánh từ hồi học cấp 1. Nếu tính tuổi nghề chắc cũng phải hơn 30 năm rồi”.
Bình thường tại nhà anh Sơn có khoảng 3 - 4 người làm, hầu hết đều là người trong nhà. Bắt đầu qua Rằm, khi đơn đặt hàng nhiều hơn thì gia đình anh mới thuê thêm nhân công. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm mới kịp giao cho khách đặt.
Dịp tết đến mỗi ngày nhà anh Sơn sản xuất được khoảng 3000 bánh. Tính riêng gạo mỗi ngày làm hết khoảng 9 tạ gạo (3 tạ làm được 1000 bánh), một cái bánh đợt tết có thể dùng hết nửa cân gạo. Với những người gói bánh chuyên nghiệp như nhà anh Sơn, mỗi ngày gần tết một người có thể gói được hơn 1000 bánh. “Chúng tôi gói quen chắc chỉ cần tầm 20 - 30 giây là xong một cái”, anh Sơn nói thêm.
Bánh chưng vốn là một món ăn truyền thống của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về, bây giờ có mặt ở khắp phố thị, trên các mâm cỗ tiệc cưới quanh năm. Chính vì thế, nên gói bánh chưng đã trở thành nghề mưu sinh làm giàu của nhiều gia đình làng Tranh Khúc.
Dân Hà Thành thường truyền tai nhau “Ngon như bánh chưng làng Tranh Khúc”, bởi bánh chưng Tranh Khúc có hương vị hấp dẫn nổi trội. Nhiều người vào ngày lễ, Tết còn cất công đến tận làng Tranh Khúc để mua những chiếc bánh chưng mới vừa ra lò về cúng lễ gia tiên.