Về làng tơ bên sông Ninh

23-04-2017 15:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Nằm nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa, trên trục đường đi từ trung tâm TP. Nam Ðịnh ra biển Quất Lâm, làng Cổ Chất nổi tiếng với nghề nuôi tằm, ươm tơ, là điểm dừng chân thú vị.

Nằm nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa, trên trục đường đi từ trung tâm TP. Nam Ðịnh ra biển Quất Lâm, làng Cổ Chất nổi tiếng với nghề nuôi tằm, ươm tơ, là điểm dừng chân thú vị. Ðến với làng Cổ Chất, Nam Ðịnh, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi trên thanh sào tre là những bó tơ vàng, trắng óng ả, vương vấn khắp nơi, gợi vẻ đẹp của làng quê thanh bình, trù phú.

“Nam Định có bến đò Chè

Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ"

Câu ca ấy đã đưa chúng tôi về làng nghề Cổ Chất thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngôi làng nằm ven dòng sông Ninh nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ TP. Nam Định theo quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20km về phía Đông Nam sẽ đến làng dệt lụa Cổ Chất. Đây là làng nghề truyền thống có từ khá lâu của Nam Định. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.Quay tơ.

Quay tơ.

Nổi tiếng với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ nên đi tới đầu làng, chúng tôi đã nghe thấy rất nhiều tiếng máy kêu ro ro để làm ra những sợi tơ vàng óng. Ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân đến ngôi làng cổ này là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Nhân lực chủ yếu là phụ nữ, đàn ông phụ giúp củi than đốt lò và phơi phóng, còn trẻ em và người già thì làm những việc nhẹ nhàng hơn như phân loại kén và nhộng. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ đi khắp nơi dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.

Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Sau này, người Cổ Chất đã du nhập nghề ươm tơ dệt lụa trải qua nhiều thế kỷ đã trở thành làng nghề tơ Cổ Chất ngày nay. Tơ Cổ Chất đã nổi tiếng hàng thế kỷ qua. Hỏi về nguồn gốc của nghề, ai nấy đều lắc đầu không nhớ, chỉ biết "đã có từ lâu lắm rồi, sinh ra đã có và cứ lớn lên là biết làm". Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở hội chợ đấu xảo ở Hà Nội, thu hút tài hoa vào nơi phù hoa Hà Nội xưa. Ông Phạm Ruân ở làng tơ Cổ Chất đem tơ của làng mình lên Hà Nội dự đấu xảo. Tơ Cổ Chất lừng danh từ đó và ông Phạm Ruân được Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ đương thời phong: "Cửu phẩm công nghệ". Bao năm qua rồi, chiến tranh tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ, thiên tai làm hư hại đất dâu tằm sông Ninh, nhưng cho dù bao phen thăng trầm của lịch sử thì tơ Cổ Chất vẫn là sản vật quý cho tỉnh Nam Định xưa và nay để các thương nhân thời ấy và hiện tại vẫn về Cổ Chất cất tơ lụa đem bán ở các nơi.Phân loại và kén nhộng.

Phân loại và kén nhộng.

Trong những xưởng kéo tơ, người thợ làm việc trong không gian lúc nào cũng dày đặc khói bốc lên từ những nồi nước luộc kén. Tằm trưởng thành nhả tơ tạo thành kén, khoảng 20 - 25 ngày sau kén tằm được mang đi kéo sợi. Máy quay rè rè, vòng kéo chạy chầm chậm và từng sợi tơ vàng hoặc trắng được quấn quanh khung. Đây mới chỉ là công đoạn đầu tiên gọi là kéo tơ. Kéo tơ xong người thợ còn phải chỉnh tơ: nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều sao cho tơ được sạch sẽ. Sau đó, những cuộn tơ được cuộn thành từng bó, phơi khô dưới nắng. Tơ sau khi phơi khô được các lái buôn đến tận nơi nhập hàng, một phần đổ cho các xưởng dệt, còn phần lớn xuất sang Lào, Thái Lan hoặc Campuchia. Ngoài ra, con nhộng sau khi tuốt kén cũng là món ăn rất ngon và bổ dưỡng - đây cũng chính là nguồn thu nhập phụ của làng.

Đến với làng nghề Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh) hôm nay, hình ảnh quen thuộc là những người phụ nữ miệt mài luộc kén, kéo tơ trong các xưởng tại gia, những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả vắt vẻo phơi mình trên những sào tre...

"Một nong tằm bằng năm nong kén

Một nong kén bằng chín nén tơ"

Câu ca dao ấy có lẽ ai cũng biết, thế nhưng để trải qua một quá trình làm tơ từ quy trình đầu tiên cho đến quy trình cuối cùng khi mà mang phơi thì ít người được trải nghiệm và để làm ra được những sợi tơ, thậm chí những sản phẩm của tơ lụa  rất đẹp thì ít ai biết được rằng những công đoạn nhỏ như thế này đã phải rất cẩn thận và mất nhiều công sức... Về kỹ thuật làm tơ tằm truyền thống, người làng ở Cổ Chất cho biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng vài chục ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được.Óng ả tơ làng.

Óng ả tơ làng.

Để có những sợi tơ vàng óng, người làm nghề này phải chấp nhận vất vả khi phải ngồi bên cạnh lò than nóng rực, bốc hơi nghi ngút, ai cũng phải mang khẩu trang và quần áo bảo hộ. Quá trình làm còn phải trải qua những công đoạn tiếp xúc nhiều với con tằm nhộng, những phần da biểu bì hữu cơ của tằm nhộng đôi khi khiến cho chân tay luôn nhớp nháp. Mặc dù sản phẩm tơ làng Cổ Chất vốn nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt. Tuy nhiên, ngày nay, làng nghề thu hẹp dần, chỉ một số hộ còn giữ được quy trình chế biến thủ công. Theo ông Phạm Xuân Hướng - Trưởng thôn Cổ Chất cho biết: “Trước đây, cả làng theo nghề nhưng giờ chả còn mấy. Đầu vào cao kéo giá đầu ra của tơ cũng cao nên ngày càng khó tiêu thụ. Hiện tại, cả làng nghề chỉ còn 20 - 30 hộ ươm se tơ”. Ông Đoàn Văn Tiến - chủ một xưởng ươm tơ cho biết: “Nhọc nhằn hơn cả vẫn là công đoạn luộc kén, người công (chủ yếu là phụ nữ) phải liên tục khỏa nước trong các nồi luộc kén trong điều kiện nhiệt độ cao từ bếp và các nồi luộc bốc lên nghi ngút. Chưa kể không khí luôn ẩm hơi nước và mùi của nhộng tằm”. Bình quân, cứ 10kg kén cho 7 lạng tơ, 6-7kg nhộng và hơn 2kg xơ. Các phụ phẩm như nhộng tằm, xơ tơ cũng không bỏ phí, đều mang lại thu nhập cho người làm. Vất vả thế nhưng công của lao động ươm tơ cũng chỉ đạt 100 nghìn đồng/người/ngày. Các bó tơ sau đó được đem đi phơi khô. Tơ khô sẽ được đưa vào các guồng quay để se sợi. Sợi tơ thành phẩm được chia thành 3 loại: sợi tốt nhất gọi là sợi mốt, rồi đến sợi mành và cuối cùng là sợi đũi để dệt các loại vải sồi, thô.

Giờ đây, trong làng Cổ Chất, nhiều gia đình đã chuyển sang làm nghề khác, chỉ còn khoảng vài chục hộ vẫn giữ lấy nghề truyền thống của cha ông. Trải qua thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định. Cùng với sự phát triển của công nghệ sản xuất tơ lụa ngày nay, dù được làm bằng máy hay thủ công thì chất lượng tơ của làng nghề Cổ Chất vẫn rất bền và đẹp, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.


Bài, ảnh: Mạnh Đình
Ý kiến của bạn